.Phóng viên: Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP HCM lần thứ nhất - "Hò dô 2019" (gọi tắt là HOZO) đã kết thúc thành công trong sự tán dương của giới chuyên môn và công chúng. Với vai trò là giám đốc âm nhạc - đạo diễn chương trình, anh đánh giá thành công của HOZO ở mức nào?
Nhạc sĩ Huy Tuấn (giữa) với con gái tại “Hò dô 2019”
- Nhạc sĩ Huy Tuấn: Nếu xét đây là lần đầu tiên tổ chức, tôi nghĩ mình có thể hài lòng nhưng nó chưa hoàn toàn đáp ứng được mong mỏi của tôi và ban tổ chức. Chúng tôi vẫn còn nhiều điều phải rút kinh nghiệm cho năm sau tốt hơn. Lần đầu làm nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ nhưng được sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP HCM, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, đặc biệt là sự điều phối của Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM, chúng tôi ai cũng tâm huyết và vượt qua rất nhiều rào cản trong thời gian ngắn để có được khởi đầu đàng hoàng cho HOZO, làm tiền đề cho những năm tiếp theo.
Hình ảnh trình diễn tại “Hò dô 2019” Ảnh: Đại Ngô
Theo anh, điều gì làm nên thành công của lễ hội này?
- Tôi nghĩ đó chính là không khí lễ hội được tạo ra bởi những người tham gia, từ ban tổ chức, khán giả đến các nghệ sĩ, họ cùng nhau tạo cảm hứng và cộng hưởng trong một không gian văn hóa đa dạng, phong phú và mới lạ. Điều tôi nghĩ đến hơn cả là khán giả của TP HCM, họ đã thực sự cảm được không khí lễ hội ấy, tham gia vào đó một cách hết sức tự nhiên và hồ hởi. Những nụ cười, những cái ôm, những nụ hôn, nhiều em bé cũng được bố mẹ đưa tới để tham dự chính là những điều gây ấn tượng nhất với tôi. Tất nhiên, thành công đó không thể thiếu những tiết mục biểu diễn âm nhạc đặc sắc của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế.
.Điều khó khăn nhất khi anh thực hiện HOZO là gì?
- Chính là kinh phí còn hạn hẹp, mặc dù chúng tôi được sự ủng hộ hết mình của chính quyền TP. Tuy nhiên, đây là một chương trình xã hội hóa nên việc kêu gọi tài trợ cũng rơi vào thời điểm không thuận lợi khi năm tài chính đã qua và sự e dè của nhiều nhà tài trợ với một chương trình lễ hội dài ngày lần đầu tiên tổ chức. Nhiều nhà tài trợ còn chưa ý thức được lễ hội thực sự là gì, họ vẫn nghĩ đó là một sô diễn bình thường, thậm chí coi đó như sự kiện nhãn hàng. Họ luôn hỏi ngôi sao thực sự là ai thì mới tính tiếp, trong khi đó ngôi sao của một lễ hội chính là không khí lễ hội mà tôi đã nói ở trên. Do chúng ta chưa tổ chức nên nhiều người chưa thực sự cảm nhận được điều đó. Họ vẫn phải dựa vào một ai đó (ngôi sao chẳng hạn) để quyết định niềm vui của mình, trong khi chính họ có thể tự tạo ra niềm vui ấy cho mình và người khác thông qua việc hồ hởi đến với âm nhạc và không khí của một lễ hội mang lại.
.Từ lúc biến ý tưởng thành một lễ hội hoành tráng như mọi người được chứng kiến, anh đã phải trải qua hành trình như thế nào?
- Một mình tôi không thể làm một lễ hội lớn đến như vậy. Phải nói là nhiều năm qua, chính quyền TP đã có ý tưởng xây dựng một thương hiệu văn hóa thông qua hình thức lễ hội rồi. Tuy nhiên, cho đến lúc này nhiều thứ mới gặp được nhau trong một thời điểm thuận lợi. Khi tôi và lãnh đạo của Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM cùng gặp nhau trong một festival diễn ra ở Thái Lan thì mọi thứ được kết nối rất nhanh, do chính tôi cũng đã đau đáu với ý tưởng này từ ngày vào TP HCM sinh sống. Bởi tôi nghĩ không đâu có thể phù hợp hơn với một không gian văn hóa cộng đồng mở như TP HCM. Sau đó, tôi đã trình bày quy mô và chất lượng cùng kịch bản âm nhạc mà tôi mong muốn, cộng thêm những sáng kiến của Sở Văn hóa - Thể thao và Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM trong vòng 1 năm qua cho không gian lễ hội. Phần còn lại như mọi người đã được chứng kiến trong 3 ngày diễn ra lễ hội.
.Là người thực hiện chính, anh mang tham vọng gì ở lễ hội này?
- Tất cả chúng tôi đều mong muốn lễ hội này sẽ đủ điều kiện và chất lượng để TP HCM xây dựng một lễ hội âm nhạc mang tầm cỡ quốc tế thường niên. Tạo thêm sân chơi chất lượng không chỉ cho công chúng mà còn cho chính những người làm nghề chúng tôi được vẫy vùng trong không gian sáng tạo nhất, thuần túy và nguyên thủy nhất của âm nhạc.
.Anh hài lòng với những nội dung gì diễn ra ở lễ hội lần này?
- Đó chính là chất lượng của các phần trình diễn của chính các nghệ sĩ Việt Nam, nghệ sĩ gốc Việt. Họ đã cho thấy một điều mà chúng tôi biết từ lâu nhưng chưa có nhiều dịp để thể hiện ra hoặc chưa gặp đúng không gian để hiểu rõ câu chuyện. Đó chính là đẳng cấp nghệ sĩ của chúng ta không có nhiều sự khác biệt với bên ngoài, chỉ là họ chưa có đủ cơ hội để làm việc ấy. Các ban nhạc kết hợp giữa nhạc công Việt Nam và quốc tế đã cho thấy rõ điều này. Ngoài ra, việc các nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam có tinh thần rất là "màu cờ sắc áo", thu xếp thời gian, đứng cùng nhau trong một ban nhạc, tập với nhau hằng tuần trước đó, mang hết những đồ nghề quý giá nhất (thường những thứ này họ để ở nhà, hiếm khi mang đến các sô diễn thông thường) đủ để chúng ta thấy rằng sự hồ hởi của giới làm nghề với những sân khấu quốc tế như thế nào. Còn các tiết mục của các nghệ sĩ quốc tế tất nhiên là chất lượng vì phần lớn họ đều đã trình diễn tại nhiều festival lớn trên thế giới.
Bên cạnh đó, thông điệp về môi trường của chúng tôi cũng được đồng loạt lan tỏa một cách rất tích cực và hiệu quả.
.Hà Nội có Monsoon, TP HCM có HOZO. Theo anh, HOZO có thể trở thành thương hiệu mạnh như cách mà Monsoon đã làm được?
- Nếu có sự đồng bộ và chuyên nghiệp hơn tôi nghĩ điều đó không khó. Monsoon đã có 5 năm đi trước, chúng tôi đang chập chững và còn phải học hỏi nhiều từ Monsoon, điều mà chúng tôi cũng đã làm tháng trước. Chúng tôi rồi cũng sẽ phải bán vé để cân đối bài toán tài chính. Hơn nữa, có những nghệ sĩ thế giới nổi tiếng họ không hát trong không gian miễn phí. Việc của chúng tôi là nâng cao chất lượng nghệ sĩ và đặc biệt là khâu tổ chức để đi tới bán vé trong những lần tới. n
Bình luận (0)