Trong cuộc họp giao ban sáng 1-11, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, khẳng định: "Trong năm 2020, cả nước có nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn. TP HCM tích cực chọn lọc những sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa của TP".
Thương hiệu đặc trưng
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết Ban Tuyên giáo tiếp nhận ý kiến của người dân, tiến đến mỗi tháng tổ chức một cuộc đối thoại với người dân, công chúng của nhiều bộ môn nghệ thuật, các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ để làm cho đời sống văn hóa, nghệ thuật TP HCM phát triển. Ban Tuyên giáo sẽ phối hợp với Báo Người Lao Động tổ chức chương trình tọa đàm, dựa theo những góp ý, tiêu chí đóng góp của loạt bài "Xây dựng thương hiệu văn hóa đặc trưng của TP HCM".
Giải thưởng Trần Hữu Trang là một sự kiện văn hóa tiêu biểu của TP HCM
Để thu hút người dân và du khách quốc tế, từ năm 2020, TP HCM sẽ tổ chức thường niên các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu, mang nét đặc trưng của TP. Ban Tuyên giáo Thành ủy gửi kèm bản dự thảo 13 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Văn hóa - Thể thao TP chuẩn bị để xin ý kiến góp ý của người dân.
Cụ thể: 1. Đường hoa Nguyễn Huệ (nhân dịp Tết nguyên đán âm lịch); 2. Hội Hoa Xuân; 3. Lễ hội Áo dài TP HCM; 4. Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ; 5. Liên hoan Nghệ thuật hàn lâm "Giai điệu Mùa thu"; 6. Lễ hội TP HCM: "Ngôi nhà chung của chúng ta"; 7. Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật dân gian Việt Nam; 8. Liên hoan Hợp xướng TP HCM mở rộng; 9. Ngày hội Văn hóa đọc năm 2020; 10. Ngày hội Gia đình hạnh phúc; 11. Cuộc thi Tài năng Diễn viên sân khấu cải lương: Giải thưởng Trần Hữu Trang; 12. Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP HCM và 13. Liên hoan Nhạc kèn TP HCM.
Chờ đơm hoa kết trái
Hầu hết văn nghệ sĩ TP HCM đều bày tỏ sự phấn khởi khi kế hoạch phát triển văn hóa của TP đã được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của Đảng bộ TP.
Để TP mang tên Bác "đơm hoa kết trái" cả đời sống vật chất và tinh thần, đây là động thái tích cực, trọng thị ý kiến người dân để cùng chọn lọc những sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tôn vinh và duy trì hoạt động thường niên. Sài Gòn - TP HCM là một thành phố trẻ, hình thành mới 320 năm. Nơi đây từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông với bao danh lam, thắng cảnh mang đậm tính lịch sử, truyền thống 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Song hành với đời sống di sản, đời sống văn hóa - nghệ thuật đã hòa quyện với nhịp điệu sinh hoạt của người dân.
Chọn ra sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu quả thật không đơn giản, vì trong rất nhiều sự kiện, cần phải chọn lựa nét đặc trưng, tiêu biểu đã gắn liền với địa điểm có ý nghĩa lịch sử. 13 sự kiện được Ban Tuyên giáo TP HCM gợi ý đã thật sự tạo được sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng, hơn nữa đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thu hút du khách hằng năm đến với TP.
Rà soát lại, trên địa bàn TP HCM có 2 sự kiện cần đưa vào danh sách tham khảo ý kiến của người dân, đó là Liên hoan Sân khấu Mùa thu và Ngày hội Mỹ thuật TP HCM. Là một trung tâm văn hóa lớn của cả nước, mô hình sân khấu xã hội hóa xuất phát từ chiếc nôi Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, để từ đó diện mạo sàn diễn nghệ thuật về kịch nghệ, truyền thống phát huy thế mạnh và không dừng lại trong việc dàn dựng tác phẩm, đào tạo nguồn nhân lực. Liên hoan Sân khấu Mùa thu là nét đặc trưng tiêu biểu quy tụ các đơn vị sân khấu xã hội hóa tại TP HCM tham gia, giới thiệu đến công chúng nhiều tác phẩm cải lương, kịch nói, hát bội đặc sắc.
Điều khiến giới mộ điệu và nghệ sĩ hưởng ứng là liên hoan được tổ chức ngay trên sân khấu biểu diễn của các đơn vị xã hội hóa. Khán giả mua vé vào xem cũng chính là người nhận xét, đánh giá chất lượng vở diễn bên cạnh hội đồng giám khảo chuyên môn. Đạo diễn NSƯT Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP, nói: "Chúng tôi đã lên kế hoạch phục hồi lại Liên hoan Sân khấu Mùa thu tại TP. Đây là điểm hẹn của những nghệ sĩ yêu nghề, hết lòng vì nghệ thuật và quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người TP HCM".
TP HCM là "đất lành" của nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà lý luận phê bình mỹ thuật, không chỉ dân tộc Kinh mà còn có nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc của nhiều dân tộc khác. Hằng năm, Ngày hội Mỹ thuật TP HCM là nơi trưng bày, triển lãm, tổ chức giao lưu, hội thảo, giới thiệu tác phẩm mới về mỹ thuật, trong đó có cả những tác phẩm về kiến trúc đô thị.
Ngày hội di sản tại TP HCM
Ngày hội Di sản Việt Nam tại TP HCM cũng là điều mà giới nghiên cứu quan tâm, bởi TP hiện có 54 di tích cấp quốc gia và 91 di tích cấp TP được xếp hạng. Di tích là địa danh đi vào lòng người qua bao năm tháng, trở thành di sản không thể xóa nhòa trong tâm thức các thế hệ nên rất cần được trân trọng, tô bồi.
Địa chỉ tiếp nhận ý kiến góp ý:
- Phòng Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy - số 127 Trương Định, phường 7, quận 3, TP HCM.
- Hộp thư điện tử: gopysukienvhnt@gmail.com
Nội dung gửi về ghi rõ "Góp ý về tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội thường niên TP HCM".
Bình luận (0)