xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học giả An Chi tiếp tục rong chơi miền mây trắng

ĐINH THỊ THANH THỦY – Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM

(NLĐO) - Sắc sảo là vậy, nhưng trong đời thường, nhà nghiên cứu An Chi lại hết sức khiêm cung. Ông lịch lãm, tinh tế nhưng cũng đầy khí khái đặc trưng của một người Nam Bộ

Khởi duyên sách vở cùng học giả An Chi từ việc tái bản tác phẩm "Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm" qua kết nối ban đầu của biên tập viên Trần Văn Ban, NXB Tổng hợp TPHCM vinh hạnh được tác giả chọn làm bạn đồng hành từ năm 2016 đến nay trong cuộc chơi chữ nghĩa.

Không chức danh, học vị, nhưng với bộ sách "Chuyện Đông chuyện Tây" khi phụ trách chuyên mục cùng tựa trên Tạp chí Kiến thức Ngày nay những năm 1990 và bộ sách "Rong chơi miền chữ nghĩa" khi cộng tác bài vở với PetroTimes, An ninh thế giới, Thanh Niên…, An Chi đã cho thấy một tấm gương kiên trì tự học và tầm vóc của một nhà nghiên cứu có tinh thần suy nghĩ độc lập. Đằng sau một cây bút thẳng thắn tranh luận, trao đổi không khoan nhượng trên trang viết là một "ông già" lịch lãm, hiền từ, tương kính trong đời sống thường nhật.

Học giả An Chi tiếp tục rong chơi miền mây trắng - Ảnh 1.

Học giả An Chi và tác giả Đinh Thị Thanh Thủy

Trong ký ức của nhiều thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc, thầy An Chi là một người cha, người anh thân thiết, kính yêu, dù phải trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống; từ làm giáo viên chuyển sang tạp vụ nhà ăn, rồi học nghề thợ nguội, thợ tiện ở Nhà máy xe đạp Thống Nhất, về sau làm thủ thư Trường học sinh miền Nam số 8 - Tam Đảo.

Bước vào cuộc chơi chữ nghĩa, với sự uyên thâm và khẳng khái trong học thuật, An Chi có một lượng lớn người hâm mộ, độc giả bền bỉ dõi theo từng bài viết, từng lập luận của ông qua các chuyên mục trên báo chí và cần mẫn sưu tập lại từng cuốn sách, từng tác phẩm được xuất bản, tái bản của An Chi. Từ năm 2016 đến năm 2019, mỗi năm tác giả An Chi ra mắt sách, dù là giao lưu tại Nhà xuất bản, Đường sách TPHCM hay Hội sách tại Công viên Lê Văn Tám, luôn có sự xuất hiện của nhóm bạn trẻ từ Đồng Tháp vì yêu quý ông mà đón xe từ đêm khuya lên Sài Gòn để kịp giờ nghe học giả An Chi trò chuyện. Rồi lại nối dài cuộc đàm đạo cùng ông ở một quán cà phê sau buổi ra mắt sách.

Học giả An Chi tiếp tục rong chơi miền mây trắng - Ảnh 2.

Học giả An Chi (thứ hai từ trái qua), trò chuyện tại quán cà phê ở Đường sách TP HCM

Cũng trong miền rong chơi, học giả An Chi thật sắc bén khi phân tích và tranh biện về từ nguyên, câu chữ. Lời lẽ lập luận không né tránh, kiêng dè của ông có lẽ cũng khiến nhiều cây bút phản bác một cách khó chịu, thậm chí chan chát và hằn học; nhưng với ông, đối đáp học thuật và hành xử trong đời là rõ ràng, tường minh, không nhập nhằng, lẫn lộn. 

Gần đây nhất, với tác phẩm phiên âm và thảo luận "Truyện Kiều – bản Duy Minh Thị 1872", Nhà xuất bản nhận được thư đối chất gay gắt, phản ứng nặng nề của một "nhà Kiều  học", yêu cầu chuyển thư đến học giả An Chi. Nhà xuất bản đã có thư phúc đáp cảm ơn, ghi nhận sự quan tâm của ông đến lĩnh vực văn bản học và tác phẩm Truyện Kiều bản chữ Nôm; nhưng xin phép được giữ lại bức thư do tình trạng sức khỏe tác giả An Chi đang chuyển biến xấu, khi nào ông hồi phục, Nhà xuất bản sẽ cùng học giả An Chi nghiên cứu và hồi đáp. Chúng tôi đã mạn phép tự giấu lại bức thư gửi An Chi, một người chưa bao giờ lùi bước trước các vấn đề học thuật. Giờ đây, ai sẽ là người thay mặt An Chi trao đổi cùng người ấy?

Học giả An Chi tiếp tục rong chơi miền mây trắng - Ảnh 3.
Học giả An Chi tiếp tục rong chơi miền mây trắng - Ảnh 4.

Bìa sách “Rong chơi miền chữ nghĩa” của học giả An Chi

Sắc sảo là vậy, nhưng trong đời thường, nhà nghiên cứu An Chi lại hết sức khiêm cung. Cuộc đời nhiều sóng gió, nhưng ông may mắn có người bạn đời song hành, yêu thương nhau, chăm sóc nhau đến phút cuối đời ông. An Chi không chỉ là tác giả thân thiết của NXB, mà còn là người bác yêu quý của tập thể chúng tôi, từ bạn biên tập viên, kỹ thuật viên thiết kế - chế bản, đến cả bạn kế toán, nhân viên nhà sách, nhân viên giao hàng… Mỗi ấn phẩm mới ra đời, bác chăm chút ký tặng từng thành viên trong nhóm làm sách, tự tay đề tặng và gửi sách cho bạn bè thân hữu qua bưu điện, nghĩa cử ấy chở nặng ân tình và sự trân trọng bạn đọc tri tâm.

Cuối tháng 9-2022, khi chở thẳng 100 cuốn tập 5 – "Rong chơi miền chữ nghĩa" – từ xưởng in về nhà trao tay bác An Chi, tôi đã thật sự hạnh phúc nhìn bác dù đang rất yếu, phải ngồi xe lăn, mà ánh mắt rạng ngời, hai tay mân mê lật giở từng trang sách. Dự cảm đây là ấn phẩm cuối đời của học giả An Chi nhưng vẫn tự cho là mình nghĩ bậy, tôi còn gạt ngang một người bạn khi bạn hỏi tập này đã là tập cuối chưa: "Không trả lời được câu này của em".

Thế mà lúc 13h05, ngày 12-10-2022, cuộc chơi chữ nghĩa của học giả An Chi đã dừng. Tập sách cuối của "Rong chơi miền chữ nghĩa" vừa chính thức phát hành. Nhưng cuộc rong chơi của An Chi về miền mây trắng vẫn tiếp tục đăng trình.

NXB Tổng hợp TPHCM xin hứa với tác giả, học giả Huệ Thiên – An Chi, ước mơ tái bản trọn bộ 5 tập "Rong chơi miền chữ nghĩa" của bác trong một diện mạo mới sẽ được thực hiện, hoàn thành.   

Biên tập viên Trần Ban, người đầu tiên kết nối tác giả An Chi và NXB Tổng hợp TPHCM: Lịch lãm, tinh tế và lễ nghi

Mọi người hay gọi ông là học giả nhưng tôi vẫn gọi ông là "bác An Chi" – một "ông già" Nam Bộ hiền hòa, luôn lịch lãm, tinh tế như một trí thức Pháp và cũng rất "lễ nghi" như một nhà Nho. Biết tiếng ông từ lâu qua sách vở, bản thân cũng không dám nghĩ là được gặp học giả An Chi ở ngoài đời. Nhưng nhờ công việc và facebook mà được "kết bạn" với cụ. Ý tưởng xin làm sách của cụ cũng phải gieo duyên lành đến vài năm mới được cụ đồng ý việc làm sách.

Thư của học giả An Chi

Dưới đây là bức thư của học giả An Chi gửi cho chị Phan Thị Thu Nga, con gái ông Phan Kiệm, Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, nhân vật trong tác phẩm truyện ký "Mật mã Đặc khu" của nhà văn Phan Tùng Sơn. Qua lá thư, cũng có thể rõ hơn về khí khái của con người Nam Bộ trong học giả An Chi.

Gởi Nga,

Tôi có một ít kỷ niệm với ông Phan Kiệm, tức Năm Thành, mà tôi gọi là "Cậu Năm" một cách thân thương. Dĩ nhiên chỉ là kỷ niệm "vòng ngoài" thôi vì tôi đâu có được biết cụ thể về công việc của ông. Cậu ruột của tôi bị Tây bắt, xử tù rồi đày đi Côn Đảo; sau khi mãn hạn trở về thì tiếp tục hoạt động kháng chiến, làm việc chung với Cậu Năm. Cậu không thường ở trong gia đình chúng tôi; chỉ đi đi, về về, mà người lái xe là cậu Mười Nhung, cũng hoạt động kháng chiến. Bấy giờ gia đình có mấy chiếc taxi mà cậu Mười Nhung lái một chiếc để chở cậu tôi đi đây đi đó khi cần thiết. Cậu tôi và Cậu Năm thường đi chiếc xe này.

Tôi rất vui mỗi khi Cậu Năm tới nhà: ông là thần tượng của tôi mặc dù tôi chẳng biết ông làm việc gì, giữ chức vụ gì trong tổ chức. Có lần, có một người lạ đến nhà, rồi trong buổi cơm trưa, Cậu Năm giới thiệu với gia đình tôi đó là anh em cột chèo của mình nhưng cậu Mười Nhung, cái miệng hơi lách chách, nói nhỏ với tôi: "Ông Mười Cúc đó mầy." Thế là tôi càng mê Cậu Năm hơn vì cũng đoán già đoán non ông là một nhân vật quan trọng. Có một lần do tình cờ mà tôi biết được Cậu Năm có viết xã luận cho báo "Buổi sáng". Thấy tôi mê kháng chiến và thích sách vở, một người cậu họ nói với cậu ruột của tôi: " Thằng Hoa (tên thật của tôi) cho nó làm politique comprimé ("chính trị viên", dịch đùa sang tiếng Pháp) được đó." Năm 1953, Jean Sainteny xuất bản quyển Histoire d'une paix manquée (Lịch sử một nền hòa bình hụt) bên trong có một bức ảnh nguyên trang chân dung Cụ Hồ. Tôi đã cắt ra, mua khung kính lộng vào rồi trân trọng đặt tại bàn học ở nhà. Cậu Năm biết tôi kính yêu lãnh tụ và nhiệt thành với kháng chiến nên rất quý tôi.

Tháng 5-1955, khi gia đình sắp xếp cho tôi vượt tuyến ra Bắc, Cậu Năm đã bàn với ông Mười Cúc rồi viết thư tay (bằng nước cơm, trên vở học trò) cho tôi mang theo để khi ra Bắc thì trao cho BS Phạm Ngọc Thạch) nhờ giúp đỡ. Nhưng khi ra Bắc thì tôi lại tình nguyện đi Thanh niên Xung phong. Từ đó, tôi bặt tin của Cậu Năm. Hai mươi năm sau, khi tôi trở về Nam, cậu tôi có dẫn tôi đi thăm Cậu Năm mấy lần, cho đến khi Cậu qua đời. Tôi rất thương và biết ơn Cậu Năm.

Học giả An Chi tên khai sinh là Võ Thiện Hoa (1935-2022); các bút danh khác: Huệ Thiên, Huyện Thê, Viễn Thọ. Các tác phẩm: Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm; Chuyện Đông chuyện Tây (trọn bộ 7 tập khổ 14,5x20,5cm; tái bản trọn bộ 4 tập khổ 15x23cm); Câu chữ Truyện Kiều; Từ Thập nhị chi đến 12 con giáp; Từ nguyên; Truyện Kiều – bản Duy Minh Thị 1872; Rong chơi miền chữ nghĩa (trọn bộ 5 tập).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo