Sáng 18-11, tại trụ sở ở 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM, Hội Nhà văn TP HCM đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi thơ "Nhân nghĩa đất phương Nam".
Phát động từ ngày 2-8 đến hết ngày 15-9, trong 45 ngày, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận hơn 1.500 bài thơ của hơn 600 tác giả dự thi và hưởng ứng cuộc thi.
Những bài thơ được vào chung khảo, chọn đăng trên trang web của Hội Nhà văn TP HCM "Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh" đều phản ánh đa dạng hiện thực sinh động và tâm tư, tình cảm của người dân TP HCM cùng người dân cả nước trong cuộc chiến chống đại dịch, động viên nhau cùng chiến đấu vượt qua, để cùng TP hồi sinh; thể hiện sự quý mến, trân trọng những người đang chiến đấu ở tuyến đầu để giành lại sự sống cho từng người bệnh; những giá trị sống của con người trong những biến cố càng được nhân lên cùng với tình yêu TP HCM, tình yêu đất nước…
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, phát biểu tại lễ trao giải
Căn cứ kết quả chấm giải và đề nghị của Ban Chung khảo, Ban Tổ chức cuộc thi – Hội Nhà văn TP HCM đã quyết định trao 11 giải thưởng chính thức và 5 tặng thưởng.
Phát biểu tại lễ trao giải, nhà văn Bích Ngân, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi thơ, nhìn nhận: "Những bài thơ đem lại cảm xúc cho độc giả là những bài thơ được viết bằng cả trái tim đối với những đau thương mất mát mà con người gánh chịu trong đại dịch, cũng như đã đồng cảm, sẻ chia và lan tỏa những giá trị nhân văn mà không chỉ riêng người của đất phương Nam mới có được".
Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM cho biết: "Khi đọc những bài thơ đầy ắp chất nhân văn ở cuộc thi "Nhân nghĩa đất phương Nam", tôi càng thấm thía điều này: Dửng dưng thờ ơ với con người, với cuộc sống sẽ chỉ hời hợt lướt qua mọi thứ và không thể có được phẩm chất dự phần cùng nỗi đau mà cộng đồng đang đau và đang nỗ lực kiên cường để vượt qua nỗi đau mà đại dịch đang tàn phá. Hiện diện cùng nỗi đau và chia sẻ nỗi đau đó, còn là phẩm hạnh của người cầm bút. Khi đủ phẩm hạnh dự phần cùng nỗi đau mà cộng đồng đang đau và chia sẻ nỗi đau đó, đối với người cầm bút, còn là mệnh lệnh từ "một siêu linh" nơi lồng ngực".
Nhà thơ Lê Minh Quốc, Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn TP HCM, Trưởng Ban giám khảo, phát biểu tại lễ trao giải
Nhà thơ Lê Minh Quốc, Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn TP HCM, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi, cho rằng mỗi người dự thi có mỗi góc nhìn, nhưng tất cả đều có mẫu số chung là cảm nhận chan chứa tình người về lòng nhân nghĩa. Nhà thơ Lê Minh Quốc khẳng định: "Người viết đã gieo vào đó một niềm tin, một sự hướng thiện bằng thể loại nghệ thuật mà họ sở trường. Cám ơn những nhà thơ, bạn thơ, người yêu thơ đến với cuộc thi bằng tấm lòng. Tấm lòng này, không phải bây giờ mới có, nó đã là truyền thống bất biến của người Việt, trong đó có cư dân đất phương Nam".
Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM (bìa trái) và nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM (phải), trao giải Nhất cho tác giả Tự Hàn
Phát biểu tại lễ trao giải, nhà thơ Tự Hàn (bác sĩ Đỗ Phước Thanh), giải nhất, nói: "Đây là một giải thưởng danh giá với cá nhân tôi. Thay mặt các nhà thơ đạt giải, chúng tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, ngành, cảm ơn Hội Nhà văn TP HCM, Ban tổ chức và Ban giám khảo đã tổ chức bài bản, công tâm, làm nên thành công của cuộc thi".
Nhân dịp này, Hội Nhà văn TP HCM ra mắt ấn phẩm "Nhân nghĩa đất phương Nam", chọn in những tác phẩm vào chung khảo và thơ hưởng ứng của một số tác giả với cuộc thi này.
Bìa tập thơ "Nhân nghĩa đất phương Nam"
Giải Nhất (phần thưởng 10 triệu đồng) trao cho tác giả Tự Hàn (với chùm thơ Tưởng niệm, Có thể, Hẹn con sinh nhật mùa sau).
Hai giải Nhì (mỗi giải 7 triệu đồng), trao cho tác giả Yên Khang (Nhật Quỳnh) với tác phẩm "Hãy nhẹ tay thôi", "Viết cho đêm không ngủ" và Nguyễn Thanh Hải với tác phẩm "Đau mấy chỗ rách mái nhà".
Ba tác giả được trao giải Ba (5 triệu đồng/giải) là Lữ Mai (Trong chuỗi ngày Sài Gòn, Tiếng Saxophone đêm tháng bảy); Đỗ Thượng Thế (Má ơi) và Trần Ngọc Mai (Chốt gác, Đôi mắt).
Năm tác giả được giải Tư (3 triệu đồng/giải) là Nguyễn Thị Tuyết Loan (Bó hoa trên rào phong tỏa); Diễm Thuyên (Ru phố thôi đau, Thèm quá một cái ôm); Vũ Thanh Hoa (Vẽ nước mắt); Phạm Tuấn (Thức qua đêm phong tỏa, Quà quê lên phố); Hương Thu (Chúng tôi không đào thoát).
Ban Tổ chức cũng trao Tặng thưởng (1 triệu đồng/người) cho 5 tác giả: Thanh Hoàng (Hai quê); Hồ Đắc Thiếu Anh (Ly mì ăn liền lúc 0 giờ); Hương Giang (Đêm khó thở nhất của em); Lan Hương (Lạc vào giấc mơ); Vũ Việt Thắng (Tiếng rao đêm).
Bình luận (0)