PGS-TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nhấn mạnh Đảng, nhà nước ta đã dành cho sự nghiệp văn hóa nói chung, văn học - nghệ thuật nói riêng sự quan tâm mạnh mẽ.
Chưa phát triển xứng tầm với sứ mệnh
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, những nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng, nhà nước lại chưa thể đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn, chưa thấm sâu vào đời sống xã hội để có những tác động, chuyển biến tích cực làm thay đổi diện mạo và chất lượng văn học, nghệ thuật.
Các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình “Niềm tin và khát vọng”chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 tại Hà Nội, tổ chức vào tối 21-11. (Ảnh: TRẦN HUẤN)
Theo ông Đỗ Hồng Quân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tình trạng trên. Về khách quan, sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, nhanh chóng của môi trường văn hóa thế giới do tác động của quá trình toàn cầu hóa với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ thông tin khiến cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam rơi vào thế lúng túng, bị động.
Nguyên nhân chủ quan là do các cấp quản lý, các địa phương, các ngành chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung và của văn học, nghệ thuật nói riêng; chưa có cơ chế phù hợp, hữu hiệu, đủ mạnh để đưa các chủ trương của Đảng, chiến lược, chính sách của nhà nước vào cuộc sống.
Nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, cho văn học, nghệ thuật nói riêng còn rất thấp, chưa được đa dạng hóa, lại chưa được đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực tái sinh để tái đầu tư từ chính sự nghiệp phát triển văn hóa, do phát triển công nghiệp văn hóa đưa lại cũng còn rất hạn chế. Bên cạnh đó là sự thiếu chủ động, năng động, sáng tạo của các tổ chức và cá nhân đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức...
Tất cả những điều này dẫn đến 35 năm qua, những thành tựu văn học, nghệ thuật chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, chưa xứng tầm với sứ mệnh "soi đường cho quốc dân đi".
ThS Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, cho rằng ở mỗi giai đoạn, đội ngũ nghệ sĩ đều có cố gắng, có những thành tựu và đóng góp đáng ghi nhận. "Nhưng phải thẳng thắn là những thành tựu văn hóa, văn học, nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh đã đạt được từ khi đất nước đổi mới đến nay chưa tương xứng với sự phát triển của đất nước, còn ít những tác phẩm đi vào lòng người".
GS-TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nêu ý kiến văn học, nghệ thuật nói chung, văn hóa, văn nghệ dân gian nói riêng đang đối mặt với những tác động vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt là nguy cơ mai một văn hóa dân tộc, xuống cấp đạo đức và các giá trị nhân bản của cha ông để lại.
Cần được đầu tư nhiều mặt, đãi ngộ, tôn trọng
Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh cần có một nghị quyết chuyên đề mới của Bộ Chính trị để mở đường cho sự phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong tình hình mới. Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ sớm cho phép ban hành Chiến lược Phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong điều kiện mới.
Thực tế, từ tháng 9-1945 đến nay, nước ta chưa có một chiến lược đối với sự phát triển của văn học, nghệ thuật. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cụ thể, trực tiếp của tình hình sa sút, kém phát triển, thiếu vắng những công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao và nhiều hạn chế khó khăn khác. Về cơ chế đầu tư, phát triển các nguồn lực, cần có sự đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng: tăng cường các nguồn lực đầu tư từ nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm mới phát huy được hiệu quả tối ưu, tránh được lãng phí.
Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ và tổ chức, ươm tạo, bồi dưỡng nhân tài. "Yếu tố căn cốt nhất làm nên con người văn nghệ sĩ là tài năng, nghị lực. Tài năng, năng khiếu của văn nghệ sĩ cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản, chu đáo, phải được bảo vệ, tôi luyện, trọng dụng mới phát huy, mang lại lợi ích cùng những giá trị chân, thiện, mỹ cho xã hội" - ông Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông cũng cho rằng để nền văn học nghệ thuật của Việt Nam phát triển tương xứng với sự phát triển của đất nước, cần hoàn thiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh cán bộ làm việc trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, một lĩnh vực mà nhân lực đòi hỏi phải có năng khiếu. Việc phát hiện, bồi dưỡng nguồn cán bộ lĩnh vực này cần có lộ trình sớm để có kế hoạch đầu tư ngân sách xứng đáng.
GS-TS Lê Hồng Lý phân tích: "Tôn trọng nghệ sĩ, tôn trọng tự do sáng tác của họ, để họ chọn hướng đi, ý tưởng nghệ thuật được thăng hoa. Nếu thấy có vấn đề lệch lạc, bất thường thì nên có sự đối thoại và dùng nghệ sĩ đối thoại với nghệ sĩ mà không phải dùng biện pháp hành chính để ngăn cấm hay áp đặt họ. Làm sao để các nghệ sĩ đưa các chủ trương đường lối của Đảng vào tác phẩm của mình, biến thành những tác phẩm nghệ thuật đi vào công chúng một cách êm thấm, tinh tế nhất, giống như các tác phẩm văn học nghệ thuật trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Biến các đường lối, chủ trương, ý tưởng chính trị thành những tác phẩm nghệ thuật như vậy sẽ khắc sâu vào lòng người. Đây là cách làm chính trị bằng văn hóa sâu sắc và khéo léo".
Bình luận (0)