Nữ diễn viên Hồng Đào thổ lộ trong buổi ra mắt dự án "Phượng khấu" diễn ra chiều tối 1-6: "Tôi phải đi xin vai đấy chứ ban đầu đâu có được mời. Tôi thấy trên mạng xã hội Facebook của anh Thành Lộc và một số bạn bè khác có chụp ảnh với áo Nhật Bình đẹp quá nên liên hệ đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh với mong muốn được chụp ảnh cùng áo, chủ yếu để khoe với mẹ và đăng ảnh lên mạng xã hội. Tôi đã đóng nhiều vai nhưng chưa bao giờ được hóa thân thành người hoàng tộc nên rất háo hức".
Sau khi được chụp ảnh, diễn viên Hồng Đào vẫn không nghĩ gì ngoài việc mình sẽ có bộ ảnh đẹp. Thế nhưng, chị lại được đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh mời vào vai Nghi Thiên Chương Hoàng hậu (được biết nhiều với danh hiệu Từ Dụ thái hậu) - một người phụ nữ hiền đức và có vai trò quan trọng suốt 10 triều Hoàng đế triều Nguyễn.
Nghệ sĩ Hồng Đào trong phim sát sử "Phượng khấu"
Nữ diễn viên vào vai Nghi Thiên Chương Hoàng hậu thời Nguyễn
Một phim cung đấu Việt với nỗ lực làm gần nhất với lịch sử từ phục trang cho đến những yếu tố khác
Cách trang điểm và phục trang trong cung đình thời Nguyễn
"Tôi vô cùng hạnh phúc với cái duyên đưa mình đến vai diễn. Đây là một vai cả đời tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi không biết diễn tả cảm giác của mình thế nào nhưng nhớ như in cái cảm giác lần đầu khoác lên mình áo nhật bình khi chụp ảnh. Đó là một sự cô đơn vô cùng. Người càng quyền lực, càng đứng trên đỉnh cao lại càng cô đơn, xung quanh chẳng còn ai" - Hồng Đào chia sẻ.
Nữ diễn viên trẻ Diễm My cũng thổ lộ cô xin vai nhỏ trong phim sau khi thấy đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ hình ảnh dự án với niềm đam mê nghề cực kỳ lớn. Khi xin vai, cô nghĩ rằng rất khó bởi dàn diễn viên chắc đã lựa chọn xong. Tuy nhiên, cô lại được nhận vào vai và rất sung sướng với điều này.
Cũng tương tự hai diễn viên trên, nam diễn viên Jun Phạm cho biết anh thích những dự án về văn hóa, lịch sử dân tộc nên khi nghe về "Phượng khấu" đã nhờ diễn viên Trịnh Tú Trung hỏi xin vai. Ban đầu, anh cứ nghĩ mình sẽ được nhận vào vai quan chức nào đó vì trước đây từng vào vai thái giám trong "Tấm Cám: Chuyện chưa kể". Thế nhưng, anh lại được vai hoàng tử và rất vui với điều này.
Jun Phạm vào vai hoàng tử Hồng Nhậm
Câu chuyện "Phượng khấu" xoay quanh cuộc đời của Từ Dụ Thái hậu, tập trung xoay quanh quãng thời gian 1840 – 1847, giai đoạn bà vẫn đang là phi tần của Hoàng đế Thiệu Trị. Vượt qua những âm mưu, hiểm nguy tầng tầng lớp lớp từ những người đẹp trong nội đình, bà cuối cùng thành công đưa con trai của mình – Hồng Nhậm – lên kế vị (tức Hoàng đế Tự Đức) và trở thành Hoàng Thái hậu đầy uy quyền trong triều Nguyễn.
Phim có cố vấn là GS sử học Lê Văn Lan, GS Nguyễn Khắc Thuần, nhóm Thiên Nam Lịch đại Hậu phi. Ngoài ra, phim có sự góp công của nghệ nhân Vũ Kim Lộc, công ty Ỷ Vân Hiên chuyên lo phục trang mũ mão và nhiều sự đóng góp khác.
Các diễn viên tại buổi ra mắt, phim có GS sử học Lê Văn Lan (áo trắng, ở giữa) làm cố vấn
Không chỉ giúp khán giả hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử trong dân tộc với ngôn ngữ điện ảnh, "Phượng khấu" còn mang đến những giá trị văn hóa, lễ nghi, tín ngưỡng, âm nhạc, thơ văn, ẩm thực,… của triều đại nhà Nguyễn, với mong muốn bắc một chiếc cầu giữa thế hệ trẻ với những di sản văn hóa mà cha ông để lại.
Ngoài các diễn viên trên, phim mời được NSND Hồng Vân, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Minh Trang, Thanh Tú, Kiều Trinh, Vân Trang...
Phần âm nhạc được chú trọng với sự tham gia của các nhạc sĩ – nhà sản xuất tên tuổi: Đức Trí, Đỗ Hiếu, Thái Thịnh, K-ICM,… với sự góp giọng của Như Quỳnh, Nguyễn Hồng Nhung, Bùi Lan Hương, Jack,… Phim có 16 tập chia làm 3 phần và dự kiến chiếu song song trên một nền tảng truyền hình thu phí và một nền tảng YouTube vào đầu tháng 1-2020.
NSƯT Thành Lộc vai vua Thiệu Trị
NSƯT Lê Thiện
NSND Hồng Vân
"Phượng khấu" là từ Hán Việt, nghĩa là chiếc cúc áo chạm hình chim phượng, cài lên hai vạt áo Nhật bình. Tương truyền khi Từ Dụ Thái hậu còn trẻ, vẫn còn là phủ thiếp của Trường Khánh công (Thiệu Trị trước khi lên ngôi). Một hôm, khi yết bái Nhân Tuyên Hoàng thái hậu, Phạm Thị Hằng và Nguyễn Thị Nhậm được Thái hậu ban một chiếc cúc áo vàng, một cái chạm hình phượng, một cái chạm hình cành hoa, nhưng đều được bọc kín bằng bao đỏ và Thái hậu khấn rằng: "Ai được cúc áo chạm hình phượng thì có con trước".
Thái hậu sai thị nữ đưa cho Hoàng hậu và Lệnh phi chọn bao, nhưng không được mở ra, để thế mà dâng lên. Hoàng hậu nhường bà Lệnh phi chọn trước. Khi mở ra, bà Lệnh phi được cúc chạm hoa, Hoàng hậu được cúc chạm phượng. Quả nhiên bà sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa vào năm 15 tuổi, một năm sau khi tiến cung. Đó là lúc tấn bi kịch bắt đầu.
Câu chuyện phim không chỉ đưa khán giả đến những đấu đá chốn thâm cung, mà qua đó, còn là lời tiếc thương cho thân phận của người phụ nữ ngày xưa trong chốn cung cấm. Mỗi nữ nhân đều có một câu chuyện riêng, một động cơ riêng dẫn đến những hành động của mình. Nhưng trên hết, "Phượng Khấu" là một câu chuyện muôn bậc cảm xúc của người phụ nữ trong nhà đế vương: Có hạnh phúc, có đố kị, ghen ghét, có tự hào và cũng có thất bại.
Song song đó là câu chuyện tranh quyền đoạt vị ngấm ngầm giữa các Hoàng tử cho ngai vàng tương lai. Tất cả đã biến Đại Nội – Huế những năm Thiệu Trị bao trùm trong một bức tranh nhiều nước mắt và bi kịch.
Bình luận (0)