Đinh Nhật Minh vừa thổi sao vừa nhảy
. Phóng viên: Sự kết hợp nhạc dân tộc với nhạc điện tử không hẳn mới mẻ nhưng vì sao anh lại chọn con đường này?
- Nghệ sĩ sáo trúc Đinh Nhật Minh: Tôi là đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống thổi sáo. Ông nội tôi- NSUT Đinh Thìn và bố - NSUT Đinh Linh đều là những người tiếng tăm trong nghề với kỹ thuật thổi sáo trúc điêu luyện. Vậy nên, tôi tự cho mình là người tiếp tục theo đuổi hành trình quảng bá nhạc dân tộc đến với khán giả. Nhưng ở thế hệ tôi, khi thẩm mỹ thưởng thức của khán giả ít nhiều thay đổi với rất nhiều lựa chọn, tôi nghĩ mình phải có cách quảng bá nhạc dân tộc đến với khán giả trẻ theo một cách khác trước. Cách quảng bá hiệu quả nhất chính là kết hợp nhạc dân tộc với nhạc điện tử bởi đó là cách nhanh nhất để đưa nhạc dân tộc đến với khán giả trẻ. Khi đã bị giữ chân lại với phong cách âm nhạc này, khán giả sẽ tự mình tìm đến nhạc dân tộc nguyên thủy. Và đó là lúc chúng ta làm được sứ mệnh của mình, quảng bá nhạc dân tộc đến với đông đảo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ
Anh bảo, sứ mệnh của mình là mang nhạc dân tộc đến khán giả trẻ
. Liệu anh có e ngại sự phản đối, đặc biệt của những người trong nghề tôn sùng phong cách chơi sáo trúc truyền thống?
- Khi tôi nhuộm tóc bạch kim và có gặp một số đồng nghiệp của ông nội và bố tôi, tôi nhận thấy sự e dè của họ. Một vài người còn bảo: "theo nhầm khoa rồi con ạ". Dù rất nhẹ nhàng thôi nhưng tôi biết đó là cách họ e dè với những gì không nằm trong sự mặc định như trước đây. Nhưng nghệ thuật nào cũng cần có khán giả cả. Tôi đang đi tìm khán giả theo cách của riêng mình với mục đích cuối cùng là mang nhạc dân tộc đến với họ. Tất nhiên, sẽ có những lo ngại "sự phá cách nếu quá đà sẽ bị biến chất" nhưng tôi không dám vượt qua những ranh giới cho phép. Mọi sáng tạo đều phải dựa trên nền tảng nhạc dân tộc. Chỉ là cách chuyển tải có khác, phù hợp với mong muốn và xu hướng thưởng thức của những người trẻ hiện nay mà thôi.
Bản thân tôi cũng là một người trẻ. Nhạc dân tộc là "lý lẽ" của đời mình nhưng tôi cũng thích nhảy nhót, hát líu lo pop ballad hay R&B. Vì thế, tôi không ngại thể hiện tuổi trẻ và cả niềm đam mê của mình cùng nhau. Điều đó hẳn cũng sẽ tạo nên những điều khác biệt.
Và anh đã quyết định kết hợp nhạc dân tộc với nhạc điện tử
. Anh có ngại bị so sánh? Bởi đây không phải là con đường mới mẻ và cũng có khá nhiều cái tên ấn tượng với phương thức kết hợp nhạc dân tộc với nhạc điện tử?
- Là một nghệ sĩ, không ai mưu cầu giàu sang từ nghề của mình. Tôi cũng vậy. Tôi hướng đến đích cuối cùng là quảng bá nhạc dân tộc đến với khán giả trẻ. Đó là một hành trình dài mà một cá nhân chẳng thể nào làm được. Vậy nên, càng nhiều người làm điều đó càng giúp cho nhạc dân tộc đến gần khán giả hơn. Tôi không phải người mới trong hành trình này nhưng tôi mong là người mang đến những điều thú vị trong hành trình này. Khi kết thúc chương trình học tại Trung Quốc theo chỉ định của UBND TPHCM, tôi trở về Việt Nam và biểu diễn tại các nhà hàng là chủ yếu. Tôi thấy chạnh lòng, không phải cho bản thân mà cho cây sáo trúc của chính mình. Tôi tự hỏi "chẳng lẽ, vị thế của nhạc dân tộc chỉ có thế". Nhưng, chúng ta không thể đòi hỏi khán giả phải yêu mến mình nếu bản thân chẳng có gì thú vị. Thế nên, tôi và những người bạn của mình quyết định thay đổi. Tôi tin khán giả không bận tâm chuyện ai là người đến trước mà quan tâm, cái họ mang tới có những gì.
Với Minh, anh là một người "giàu có"
. Anh tự tin vào sản phẩm của mình?
- Trước khi chính thức ra mắt sản phẩm, tôi thăm dò sự đón nhận của khán giả trong một vài game show. Khán giả phần lớn đều ủng hộ những tiết mục biểu diễn của tôi. Điều đó giúp tôi tự tin thực hiện một số sản phẩm cover tiếp theo trên YouTube. Nhưng với tôi, đó vẫn chưa phải là một sản phẩm chính thống khi sự đầu tư vẫn chưa tới và khán giả vẫn chỉ thấy thú vị chứ chưa thực sự đón nhận với tâm thế, đây là nhạc dân tộc Việt ư? Vậy nên, tôi đang chuẩn bị cho ra mắt một sản phẩm tiếp theo, một sản phẩm kết hợp với DJ nhạc điện tử. Mới đây nhất là "Để Mị nói cho mà nghe" với tiếng sáo mèo và sắp tới là sản phẩm kết hợp với Hương Tràm. Tôi tin đây là cách tốt để đến với khán giả và sau đó, những tiết mục độc tấu sáo trúc trên nền nhạc điện tử sẽ sớm được khán giả tìm đến. Việc của tôi là mang đến một sản phẩm chất lượng nhất có thể để chinh phục khán giả, chinh phục mục tiêu quảng bá nhạc dân tộc đến với khán giả trẻ của mình.
Bình luận (0)