Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh sẽ khôi phục lại việc dạy môn nữ công gia chánh trong nhà trường từ năm học 2021-2022. Trước mắt sẽ thí điểm tại Trường THPT Hai Bà Trưng, theo đó ngành giáo dục sẽ sưu tầm có chọn lọc các tài liệu dạy nữ công gia chánh trước đây để phối hợp với các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực tiến hành biên tập, bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với phương châm "vừa học vừa chơi, vừa trải nghiệm".
"Dạy môn này không lý thuyết cao siêu nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh. Mục tiêu sau khi rời trường, các em phải biết chế biến một số món ăn cơ bản của Huế, đảm nhận được bữa ăn của gia đình. Dạy nữ công gia chánh qua đó cũng để dạy kỹ năng sống, hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế" - ông Thọ lưu ý.
Tà áo dài thể hiện cốt cách của nữ sinh xứ Huế. (Ảnh: NGỌC MINH)
Ông Phan Ngọc Thọ đã đề nghị Trường Cao đẳng Du lịch Huế đồng hành, hỗ trợ Trường THPT Hai Bà Trưng trong việc thí điểm phục hồi dạy môn nữ công gia chánh. "Việc dạy nữ công gia chánh tại trường học phải gắn với tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở, làng nghề ẩm thực truyền thống Huế; gắn dạy lý thuyết với hướng dẫn thực hành và thuyết trình để tạo sức hấp dẫn, trong đó mời các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng là cựu học sinh, giáo viên Đồng Khánh - Hai Bà Trưng về hỗ trợ trong việc hướng dẫn thực hành, thuyết trình" - ông Thọ nhấn mạnh.
Trường THPT Hai Bà Trưng được thành lập năm 1917. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, trường mang nhiều tên khác nhau như Cao đẳng Tiểu học Đồng Khánh, Nữ Trung học Đồng Khánh... Từ năm 1983 đến nay, ngôi trường này được mang tên Trường THPT Hai Bà Trưng.
Trong suốt khoảng thời gian từ khi thành lập đến năm 1975, đây là ngôi trường nữ duy nhất ở miền Trung dạy đủ các môn: văn, thể, mỹ và lao động kỹ thuật. Ngoài việc học văn hóa và nữ công gia chánh (may vá, thêu thùa, làm bánh, làm mứt...), những nữ sinh Đồng Khánh còn được dạy thêm những kiến thức về cách nuôi con, cách quản lý gia đình, được rèn luyện phong cách người con gái có học thức, trang nhã, lịch sự, tế nhị trong giao tiếp...
Bà Nguyễn Khoa Diệu Huyền - Trưởng Ban Liên lạc Cựu nữ sinh Đồng Khánh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng - cho biết ngoài việc bồi dưỡng kỹ năng về nữ công gia chánh, tại các tiết học này còn là dịp để dạy nét văn hóa ứng xử, tác phong của phụ nữ Huế từ tiếng dạ, tiếng thưa đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng. Chính vì điều đó mà nữ sinh Đồng Khánh - Hai Bà Trưng được xem là thương hiệu đầy tự hào của phụ nữ Huế.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: "Nhiều người băn khoăn môn này chỉ dạy cho học sinh nữ hay cả học sinh nam? Tôi thấy rằng công việc nội trợ gia đình không chỉ dành cho nữ mà nam giới cũng nên phải biết, có thể học nấu một số món ăn đặc trưng của Huế để nếu có ra nước ngoài có thể nấu được, qua đó giới thiệu về văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế".
Bình luận (0)