Từ năm 1611, khi Chúa tiên Nguyễn Hoàng ban lệnh dựa trên công sức và công lao mở đất của Thượng tướng quân Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh thành lập "phủ" Phú Yên thì bản đồ nước Việt - với cuộc "Nam Tiến" thần thánh của dân tộc - đã rộng dài thêm về phương Nam, vươn qua đèo Cù Mông mà vào thấu tới đèo Đại Lãnh.
Không rõ họ tên, quê quán
Tiếp tục công cuộc di dân lập ấp của Lương Văn Chánh từ trước đấy, nay dinh tạo được gần 100 ngôi làng trù phú để "lấp đầy khoảng trống" làm ăn sinh sống trên miền đất mới - có tên gọi là "vừa giàu có vừa yên ổn" đó.
Từ năm 1648, cuối đời trị vì của chúa Nguyễn Phúc Lan (1636 - 1648) - con là chúa Nguyễn Phúc Nguyên - cháu chúa Nguyễn Hoàng - nhân đánh thắng và bắt được 3 vạn "tù binh" của chúa Trịnh từ Đàng Ngoài vào làm cuộc "Trịnh - Nguyễn phân tranh" ở Quảng Bình, những người đứng đầu Đàng Trong của các chúa Nguyễn đã quyết định đưa số nhân lực quan trọng này chia thành từng nhóm 50 người, cấp lương ăn trong vòng nửa năm, cho đi lập thêm ấp khiến miền đất Phú Yên mới được mở mang, ngày càng thêm thịnh vượng.
TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) là một trong những vùng nằm trong phần đất dinh Thái Khang do Hùng Lộc hầu mở về phía Nam và làm quan trấn thủ (Ảnh: THÁI TĨNH)
)Trong khi đó, ở mạn Nam Đèo Cả (Đại Lãnh), nước Chiêm Thành dưới quyền trị vì của quốc vương Pô RôMê (1627 - 1651), cũng có một thời gian bằng lòng với chủ trương yên hòa mà sinh sống trên lãnh thổ đã bị ép co lại khá nhiều, không gây sự tranh chấp nào nghiêm trọng với Đàng Trong của các chúa Nguyễn, lúc này đã mở rộng đất và di dân lập ấp tới sát mạn Bắc dãy Đèo Cả rồi.
Nhưng từ năm 1651, khi quốc vương Pô RôMê mất, người kế vị là Pô NơRốp lên ngôi thì nhân vật này (được các sử sách triều Nguyễn gọi bằng tên Việt là Bà Tấm) sau khi làm quốc vương Chiêm Thành được 1 năm thì vào năm 1653 đem quân vượt Đại Lãnh ra đánh phá đất Phú Yên.
Trước tình thế ấy, chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) - kế vị chúa Nguyễn Phúc Lan - đã phản ứng nhanh nhạy và quyết liệt: Cử ngay đại binh vào Phú Yên, đánh lại!
Cuộc chiến đã có kết quả chóng vánh: Đất Phú Yên được bảo vệ. Bà Tấm phải dẫn quân tháo chạy về nước, sau đấy khiếp sợ, sai con trai - được sử sách triều Nguyễn gọi bằng tên là "Xác Bà Ân" - viết thư đầu hàng và để "chuộc tội" đã xin dâng miền đất - khi ấy tiếng Chiêm gọi là "Kaut - Hara" nghĩa là "Đất của bộ lạc" chạy từ Đèo Cả tới Phan Rang.
"Chiến lợi phẩm" - là miền đất "Kaut - Hara" - được thu nhận ngay. Và nhân đấy, chúa Nguyễn Phúc Tần quyết định: Cho thành lập 2 phủ mới của Đàng Trong ở trên đất ấy. Đấy là: Thái Khang (tức Ninh Hòa về sau) và Diên Ninh (tức Diên Khánh về sau). Phủ Thái Khang có 2 huyện Quảng Phúc và Tân An. Phủ Diên Ninh có 3 huyện: Phúc Điền, Vĩnh Xương và Hoa Châu. Hợp 2 phủ ấy lại thành dinh Thái Khang, đặt chức Trấn thủ để trông coi.
Đất Khánh Hòa ngày nay đã được thành lập từ năm 1653, là như thế. Và người dẫn quân đi đánh bại vua Pô NơRốp, tâu trình với chúa việc đầu hàng - dâng đất của quốc vương Chiêm Thành, thực hiện việc thành lập dinh Thái Khang, rồi ở lại làm quan trấn thủ dinh ấy, không phải ai khác, mà chính là: Hùng Lộc hầu.
Nhưng sách "Đại Nam liệt truyện, tiền biên" ghi chép những điều này chỉ có 2 câu kết luận: "Hùng Lộc hầu không rõ họ" và "có công đấy, chỉ tiếc là không biết rõ họ tên, quê quán và tuổi thọ của Hùng Lộc".
Phẩm chất rất hùng mạnh
Trương Phúc (Phước) Hùng là trưởng nam của Phấn Quận công Trương Phúc Phấn - trấn thủ dinh Bố Chính về đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), cũng là đời thứ tư của dòng họ gốc Nguyễn Phúc (Phước), theo Chúa tiên Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp ở Đàng Trong từ năm 1558.
Từng giữ chức Cai cơ, giống như chức của Hùng Lộc hầu (khi vị hầu tước mang hiệu là "Hùng Lộc" này đã được chúa Nguyễn Phúc Tần cử làm tướng, đem quân đi đánh quốc vương Chiêm Thành Pô NơRốp năm 1653) và cũng được phong tước hiệu là Hùng Oai hầu - với chữ "Hùng" ở đầu, giống như tước hiệu của Hùng Lộc hầu, Trương Phúc Hùng còn có phẩm chất rất hùng mạnh, được sách "Đại Nam liệt truyện, tiền biên" mô tả ở trận đánh giữ lũy Trường Dục năm 1648, khi ông cùng với cha chiến đấu chống lại đạo quân của chúa Trịnh từ Đàng Ngoài vào tấn công:
"Quân Trịnh đánh mạnh, sát ngay ngoài lũy, lũy ấy đắp bằng đất cát, không được bền cho lắm. Đạn giặc bắn vào, lũy bị lở vài mươi trượng. Quân lính sợ hãi, chạy trốn hơn 17, 18 người... Cha con ông đội tên đạn, đôn đốc quân lính lấy thuyền nan đổ đầy cát, lấp vào chỗ lũy bị sạt. Súng đạn của quân Trịnh cứ nhằm vào chỗ cắm lọng (chỉ huy) của cha con ông, bắn như mưa. Võ sĩ ở tả hữu vài trăm người, nhiều người bị thương và bị chết nhưng cha con ông vẫn không dao động, khiến bên địch cho là thần, không dám đến gần. Được một chốc, lũy đắp vá xong, không bị nhổ đi, giặc không đánh được"...
Hoặc như được sách "Trần Nhân tiền liệt biểu" ca ngợi ở trận Thạch Hà, năm 1655 khi ông đưa quân vượt sông Gianh, ra Đàng Ngoài tấn công quân Chúa Trịnh: "Ông kiên dũng thường đi trước, hãm trận, khiến cho không người Đàng Ngoài nào không khiếp sợ. Họ gọi ông là Hùng Thiết!" - rất giống với phẩm chất của Hùng Lộc hầu khi được lĩnh chức Cai cơ vào năm 1653, dẫn binh đi đánh quân Chiêm Thành của Pô NơRốp xâm lấn đất Phú Yên, qua sự ghi chép của sách "Đại Nam thực lục tiền biên":
"Cai cơ Hùng Lộc (không rõ họ) được làm thống binh, Xá sai Minh Vũ (không rõ tên) làm tham mưu, lĩnh 3.000 quân đi đánh. Quân đến Phú Yên, các tướng đều muốn dừng lại để dụ địch. Hùng Lộc nói: "Ra quân lúc không ngờ, đánh giặc lúc không phòng bị, là mưu hay của nhà binh. Nay quân ta từ nơi xa đến, lợi ở sự đánh nhanh cần gì phải dụ?". Bèn tiến quân vượt đèo Hồ Dương, đến núi Thạch Bi, tấn công thẳng vào thành giặc, nhân lúc đêm tối, phóng lửa đánh gấp. Cả phá được giặc".
Có thể chỉ là một
Người "mang gươm đi mở cõi" Khánh Hòa, công tích và sự tích đều lớn lao là thế nhưng lại chỉ được biết đến với mỗi một tước hiệu là Hùng Lộc hầu. Cho nên, đã thành nỗi khắc khoải hơn 300 năm của người dân Việt, đặc biệt là người dân "Xứ Trầm Hương" khi muốn được biết tường tận tính danh, quê quán, tuổi thọ..., để tưởng niệm tri ân.
Vì thế, khi xuất hiện những thông tin về danh tướng Trương Phúc Hùng thì trước hết, nhiều người đã nghĩ ngay đến cái phép tắc phong tặng tước hiệu ở cuối thời trung cổ nước nhà, là: Chữ đầu của tước hiệu, thường lấy ngay tên của nhân vật được phong mà đặt (như trường hợp tướng Trương Phúc Phấn - là cha của tướng Trương Phúc Hùng khi được phong tước hiệu, thì đó là: Phấn Vũ hầu, rồi là: Phấn Quận công). Từ đấy mà suy ra: Hùng Lộc hầu có thể chính là một tước phong của Trương Phúc Hùng!
Thêm vào đây, ai cũng có thể nhận ra: Tính cách, chiến công, chiến trường, thời gian hoạt động quân sự... của hai người - Hùng Lộc hầu và Trương Phúc Hùng - là khá gần gũi cùng nhau.
Anh linh ở chốn này?
Về nơi gửi lại thân xác của tướng Trương Phúc Hùng thì "Sống vì mồ vì mả/ Không sống vì cả bát cơm", với ý thức và tâm thức này, trong dịp kỷ niệm 350 năm (1653 - 2003) thành lập tỉnh Khánh Hòa, nhiều người "Xứ Trầm Hương" tìm đến ngôi mộ ba tầng đắp đất mà theo tài liệu ghi chép tại Khánh Hòa: Mộ của tướng Trương Phúc Hùng ở đồi Cây Kéc, xã Trường Dục, huyện Khang Lộc - địa điểm bây giờ là xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Anh linh của người "mang gươm đi mở cõi" Khánh Hòa - Hùng Lộc hầu có đang phảng phất ở chốn này?
Bình luận (0)