Ở cách không xa TP Tuy Hòa - tỉnh lỵ Phú Yên bây giờ, trên đất xã Hòa Trị thuộc huyện Phú Hòa, cùng hướng mặt ra sông Bến Lội, chọn dòng nước thơ mộng này làm "tiền án" và cùng tựa lưng vào ngọn núi Cấm, lấy cao điểm linh thiêng này làm "hậu chẩm", ngôi mộ cổ hình mai rùa của Lương Văn Chánh nằm trầm mặc dưới vòm mái che hình búp sen.
Sinh sớm nhất cũng là năm 1538
Đền thờ với pho tượng vàng của Lương Văn Chánh khang trang, uy nghi tỏa khói hương lên vòm cây bồ đề ba thân mấy trăm năm tuổi, làm nên bộ đôi của một di tích lịch sử quốc gia (được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng chứng nhận vào năm 1996).
Dân Phú Yên xem ông Lương Văn Chánh là thần Thành hoàng làng mở mang vùng đất này nên lập đền thờ tại xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa để thờ ông. Hằng năm đến mùng 6 tháng 2 âm lịch là tổ chức lễ tưởng niệm ngày ông nhận sắc lệnh chúa Nguyễn vào mở mang vùng đất này. (Ảnh: HỒNG ÁNH)
Sách "Đại Nam nhất thống chí" ở thế kỷ XIX viết: "Lương Văn Chánh là người huyện Tuy Hòa" bởi căn cứ vào những di tích trên, nhưng thật ra, Lương Văn Chánh chỉ chọn miền Tuy Hòa làm chỗ gửi lại thân xác lúc lìa đời vào năm 1611 mà thôi, còn lúc bắt đầu cuộc đời thì lại ở từ một nơi xa khác.
Lương Văn Chánh là người gốc tỉnh Thanh Hóa. Trong khi giáo sư Nguyễn Đình Đầu nói "đã tìm thấy quê hương của Lương Văn Chánh ở xã Phượng Lịch, huyện Hoằng Hóa" thì tác giả Trần Viết Ngạc khẳng định "quê hương của Lương Văn Chánh ở xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia". Có đôi chút xuất nhập nhưng đều là ở trên đất Xứ Thanh.
Nhưng người họ Lương của Xứ Thanh này, sinh vào năm nào thì chưa ai biết rõ. Các tài liệu hiện có cho đến lúc này chỉ đưa ra được hai khung thời gian rộng: Hoặc là vào những năm 40 của thế kỷ XVI, hoặc vào những năm 30 của thế kỷ đầy biến động ấy.
Bây giờ thì ta thử suy luận, dựa trên hai cứ liệu chắc chắn: Thứ nhất, năm 1558 Lương Văn Chánh đã có mặt trong số hàng ngàn đồng hương Xứ Thanh và nghĩa dũng Thanh Nghệ theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vượt dải Hoành Sơn, vào "Xứ Đàng Trong"; thứ hai, khi ấy họ Lương đã được "Nam Triều" của nhà Lê Trung Hưng phong chức Thiên Vũ vệ Đô chỉ huy sứ, tức: Đứng đầu một đơn vị quân đội chủ lực thân tín của "Nam Triều", chống đánh thế lực "Bắc Triều" của nhà Mạc.
Nếu sinh vào những năm 40 của thế kỷ XVI, ngay cả khi sinh vào năm đầu của thập kỷ ấy, thì đến năm 1558 Lương Văn Chánh mới 18 tuổi! Trẻ quá để có thể giữ chức Thiên Võ vệ Đô chỉ huy sứ của đạo quân Thiên Vũ!
Vậy, ít nhất thì vào năm 1558, người đứng đầu Thiên Võ vệ, cũng phải 20 tuổi, nếu không hơn thế. Cho nên, vị tướng trẻ Lương Văn Chánh có thể phải sinh sớm nhất thì cũng là năm 1538.
Bấy giờ, nhà Lê chỉ mới được "trung hưng" có 5 năm, đang phải vừa lao đao chống cự nhà Mạc, đồng thời vừa phải "xử lý nội bộ" những mâu thuẫn, tranh chấp, thậm chí hãm hại lẫn nhau giữa hai thế lực "trung hưng" trụ cột là họ Nguyễn và họ Trịnh.
Và Lương Văn Chánh - nếu đúng sinh vào năm 1538 thì 20 tuổi, khi ấy vừa đánh trận, chỉ huy, rèn luyện tài quân sự, vừa đứng ngả vào phe họ Nguyễn về phương diện thái độ chính trị, tức khi theo hẳn chủ tướng Nguyễn Hoàng (sinh năm 1525, hơn mình khoảng một giáp tuổi) làm cuộc trường chinh vào "Xứ Đàng Trong" (Thuận Hóa - Quảng Nam), năm 1558.
Danh tiếng nổi như cồn
Thuận Hóa và Quảng Nam từ cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVIII là hai địa danh hành chính của một miền đất rộng dài từ Quảng Bình vào tới Bình Định ngày nay.
Tài liệu về những hoạt động quân sự, đặc biệt là về những trận chiến chống lại quan quân nhà Mạc từ "Bắc Triều" vượt biển vào đánh phá mạn bắc Thuận Quảng, ở thời gian 20 năm đầu Lương Văn Chánh theo Nguyễn Hoàng vào đây, không cho thấy có sự hiện diện của vị tướng trẻ họ Lương. Cho nên, có thể suy đoán: Từ năm 1558 đến năm 1578, Lương Văn Chánh là người đã được Chúa Tiên Nguyễn Hoàng biệt phái vào trấn giữ mạn phía Nam của đất Thuận Quảng, với trọng trách: Lo việc phòng thủ đối phó với nước Chiêm Thành vào lúc ấy đã bị dồn lãnh thổ và quyền lực xuống bên kia, phía Nam đèo Cù Mông, sát với ranh giới cực Nam đất Thuận Quảng.
Ở miền đất phương Nam Cù Mông ấy, ngay từ thế kỷ thứ IV sau Công nguyên, các vương triều Chiêm Thành đã cho xây đắp một tòa thành kiên cố lớn, sát bờ Bắc sông Đà Rằng (nay thuộc thị trấn Phú Hòa của huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên). Sử cũ viết: Đó là thành An Nghiệp, còn dân gian thì quen gọi là Thành Hồ.
Năm 1578, từ tòa thành này, Chiêm Thành đã đưa quan quân vượt đèo Cù Mông ra đánh phá mạn nam đất Thuận Quảng. Tin dữ báo về dinh tổng trấn Thuận Quảng và Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã nghĩ ngay đến việc cử Lương Văn Chánh đối phó.
Thế là lập tức xuất quân. Lương Văn Chánh nhằm thẳng vào tòa Thành Hồ, tiến binh. Bấy giờ, trong quân ngũ, có người khuyên vị chủ tướng họ Lương nên nghe ngóng, thăm dò địch tình trước đã rồi hãy vào trận. Nhưng, để ngoài tai ý kiến này, Lương Văn Chánh vừa nói "đánh giặc thì phải tốc chiến", vừa thực hiện ngay đường lối đó: Ầm ầm, rầm rộ, tấn công thẳng vào tòa Thành Hồ và đánh tan quân Chiêm, chiếm được ngay tòa thành lợi hại này.
Cả mừng nghe tin báo tiệp, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lập tức phong cho Lương Văn Chánh làm Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, tước Phù Nghĩa hầu và chính thức thăng chức làm quan trấn An Biên, huyện Tuy Viễn (nay là vùng huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).
Danh tiếng Thượng tướng quân Lương Văn Chánh từ đó nổi như cồn. Vì thế, từ năm 1593, khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đưa lực lượng Thuận Quảng của mình ra Bắc giúp nhà Lê Trung Hưng (khi ấy vừa đánh đuổi được "Bắc triều" nhà Mạc chạy khỏi Thăng Long) trấn dẹp dư đảng nhà Mạc, thì cũng đưa Lương Văn Chánh đi theo. Và không hổ danh "Hổ tướng Xứ Đàng Trong" khi tung hoành trên đất Bắc.
Gánh vác sứ mệnh trọng đại
Những năm 1593, 1594, Lương Văn Chánh đã đánh những trận thắng lớn, ở Sơn Nam và Hải Dương. Do đó, được vua Lê Thế Tông chính thức hóa các chức tước mà họ Lương đã nhận được từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trước đấy tấn phong làm "Đặc tiến Phụng quốc Thượng tướng quân, Phù Nghĩa hầu", đồng thời gia phong cho làm Đô chỉ huy sứ - không phải chỉ một "vệ" quân Thiên Vũ như trước năm 1558, mà tăng lên đến bốn "vệ" quân Thần Vũ.
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng còn ở lại đất Bắc cho đến năm 1600. Nhưng từ trước đấy, sau những chiến công mà Lương Văn Chánh đã lập được ở Sơn Nam, Hải Dương, người đứng đầu miền Thuận Quảng đã thấy cần phải lệnh cho viên hổ tướng họ Lương của mình trở về để gánh vác sứ mệnh trọng đại: Mở thêm cõi đất xa hơn nữa về phương Nam.
Lương Văn Chánh vâng mệnh trở về, tiếp tục làm Quan trấn An Biên, huyện Tuy Viễn. Đến năm 1597 nhận được sắc chỉ của Nguyễn Hoàng (lúc này vẫn đang ở ngoài Bắc) truyền mệnh lệnh lịch sử: Đưa dân chúng vượt đèo Cù Mông vào khai thác các miền đất ở phía Nam, "Trên từ vùng cao của người thiểu số, dưới đến tận cửa biển, kết lập gia cư, khai canh thôn làng, làm ruộng thu tô" và đặc biệt là: "Không được nhũng nhiễu dân!".
Công cuộc và sự nghiệp "Nam tiến" thần thánh của dân tộc ở thế kỷ thứ XVI tạo đất đai và thế lực mới cho "Xứ Đàng Trong" chính thức bắt đầu từ đây, do Lương Văn Chánh - đã có phẩm chất cùng tài năng quân sự của một thượng tướng, nay thêm đức độ và sức vóc của một nhà kinh bang tế thế - tiến hành.
Những miền đất mới mà Lương Văn Chánh đưa dân cư vào khai thác được ghi rõ nguyên văn trong mệnh lệnh của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng năm 1597, lần lượt là: Cù Mông (vùng thị xã Sông Cầu và huyện Đồng Xuân ngày nay), Bà Đài (tức Xuân Đài về sau, chính là huyện Tuy An bây giờ), Bà Diễn (là tên gọi khác của những miền đất có sông Đà Rằng chảy qua, tức các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Phú Hòa cùng TP Tuy Hòa hiện nay) và cuối cùng là: Bà Niễu (từ Tuy Hòa vào qua Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia) tới Bắc Đèo Cả (Đại Lãnh) bây giờ.
Trên những miền ấy, trong vòng hơn 10 năm, từ năm 1597 đến 1611, bằng tài năng của một nhà tổ chức và quản trị xã hội, với tinh thần kiên trì và kiên quyết khắc phục khó khăn từ tự nhiên - đất đai - khí hậu, sẵn tấm lòng vì dân và thương dân, Lương Văn Chánh đã "lấp đầy khoảng trống" bằng sự nghiệp thành lập được gần 100 ngôi làng trù phú, trong đó có làng Phụng Các (nay là thôn Phụng Tường, thuộc xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) - chính là nơi mà người chỉ huy công cuộc "Mang gươm đi mở cõi" hơn 10 năm cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII chọn làm nơi định cư lúc cuối đời của chính mình và nơi để lại thân xác lúc lìa đời. Đây cũng là nơi sau này đã mọc lên ngôi đền thờ phụng ông làm thần Thành hoàng làng, vào năm 1611.
Bình luận (0)