Bức tranh sơn mài "Ao sen" của họa sĩ Bùi Trọng Dư vẽ năm 2011 khá nổi tiếng nên khi bức vẽ này được chọn làm nền áo dài không phải lạ. Điều lạ là họa sĩ Bùi Trọng Dư đã lên tiếng tố cáo một số công ty sử dụng tác phẩm trí tuệ của ông để kinh doanh thu lợi nhưng không hề xin phép hay trả tiền tác quyền. Và đó là chuyện không của riêng họa sĩ Bùi Trọng Dư.
Coi thường tác giả
Người tiêu dùng thường không mấy rành hay quan tâm đến những họa tiết được in trên áo xuất phát từ đâu, chỉ cần một mẫu áo vừa mắt, lại đang nằm trong xu hướng yêu thích (mốt mới), là đủ. Với xu hướng áo dài in tranh (tác phẩm hội họa) hiện nay, tình trạng đạo tranh để in lên áo dài ngày càng phổ biến. Khi họa sĩ Bùi Trọng Dư phát hiện rồi bức xúc tố cáo một số công ty đã sử dụng trái phép tranh của mình với mục đích lợi nhuận, nhiều họa sĩ khác cũng đồng loạt lên tiếng.
Bức tranh sơn mài "Ao sen" của họa sĩ Bùi Trọng Dư bị sử dụng đưa lên áo dài bị ghép với một tác phẩm của họa sĩ khác
Danh sách các họa sĩ bị vi phạm bản quyền tiếp tục nối dài với những tên tuổi: Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Đăng Sơn, Lê Phan Quốc, Phan Linh Bảo Hạnh, Nguyễn Quý Tâm, Đặng Can. Con số này được giới họa sĩ nhận định sẽ còn tăng. Nhiều họa sĩ khác đang tiếp tục vào cuộc để rà soát lại các mẫu áo dài, tìm kiếm tranh của mình có bị xâm phạm bản quyền hay không.
Tranh của họa sĩ Lâm Đức Mạnh đưa lên áo dài mà không xin phép tác giả. (Ảnh do họa sĩ cung cấp)
Bức tranh sơn mài "Ao sen" của họa sĩ Bùi Trọng Dư bị Công ty Vải in Lan Anh làm nền vải, sau đó lấy hình cô gái của họa sĩ khác thêm vào rồi gọi đó là "mẫu tự thiết kế". Điều đáng buồn là tranh ghép không khuôn khổ, phép tắc này lại được bán tràn lan trên thị trường. "Thực sự tệ hại!" - họa sĩ Bùi Trọng Dư bực tức.
Tranh “Hai chị em” của Ngụy Đình Hà xuất hiện trên áo dài mà tác giả không hay biết
Họa sĩ Ngụy Đình Hà, tác giả bức tranh sơn dầu "Hai chị em" vẽ năm 2018, cho biết tác phẩm của mình bị Công ty Áo dài Phương Mai xâm phạm trái phép. Bức xúc, anh nói tác phẩm hội họa là thành quả của quá trình dài sáng tạo với những trải nghiệm cuộc sống, tìm tòi phong cách, thậm chí mất ăn mất ngủ mới có một tác phẩm hoàn chỉnh như ý nhưng lại bị đánh cắp một cách ngang nhiên như thế. Điều tức giận và đau xót nhất là tác phẩm bị cắt ghép bừa bãi, tung ra thương trường bán kiếm lời mà "cha đẻ" của nó không hề hay biết.
Họa sĩ Nguyễn Thu Huyền, người bị in lên áo dài không xin phép bức tranh "Đóa hoa vô thường" (xuất hiện trong triển lãm cá nhân của chị vào năm 2018) thổ lộ rằng khi thấy tác phẩm của mình xuất hiện trên áo dài, trang trí quán ăn, hình vẽ trên tường nhà… mà không được một lời hỏi han thì chị thực sự sốc và buồn. "Con đường đưa tác phẩm đến với công chúng của các họa sĩ vốn rất gian nan lại còn bị đánh cắp rồi xuất hiện một cách bừa bãi thế này thì quả thật đau lòng!" - Nguyễn Thu Huyền cảm thán.
Theo họa sĩ Lâm Đức Mạnh, tác giả bức tranh sơn dầu "Đêm thu" (ra mắt năm 2017) bị đưa lên áo dài: "Tranh có ngôn ngữ của tranh, vẽ trên áo dài đòi hỏi ngôn ngữ khác, không thể in tranh, cắt ghép thô thiển vào áo dài được. Tôi thấy thương cho sự ấu trĩ của những đơn vị may áo dài, đồng thời cũng rất bất bình về việc họ sử dụng tranh của tôi vào mục đích thương mại mà không xin phép".
Vi phạm ngày càng trắng trợn
Giới họa sĩ cho biết tình trạng vi phạm tác quyền này càng lúc càng công khai, trắng trợn. "Từ chép tranh ván, chép tranh vào tường trang trí và bây giờ là in lên áo dài, không biết còn trò gì với các tác phẩm mỹ thuật có bản quyền nữa đây!?" - họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh tâm tư.
Cùng nhau lên tiếng đấu tranh, nhóm "Họa sĩ bị xâm phạm. Vì bản quyền tác giả" được thành lập để tạo nên tiếng nói mạnh mẽ, chống lại hành vi vi phạm bản quyền hội họa đang diễn ra nhan nhản, cụ thể là đạo tranh trên áo dài hiện nay.
Việc lên tiếng đấu tranh của họ cũng đạt được những kết quả khả quan. Một số đơn vị vi phạm như Công ty Phương Mai, Công ty In vải Lan Anh, Áo dài Lotus - Lotus House… đã nhận ra cái sai. Ngoài cam kết không vi phạm, Công ty TNHH In ấn May mặc Phan Trần còn gửi lời mời họa sĩ Bùi Trọng Dư hợp tác cung cấp bản quyền, được cụ thể hóa bằng hợp đồng sử dụng tác quyền.
Dù vậy, các họa sĩ cũng xác định nạn vi phạm bản quyền tác phẩm hội họa chưa thể chấm dứt một sớm một chiều. Không sao chép ở hình thức này cũng sử dụng không xin phép ở hình thức khác. Một khi hội họa trở thành sở thích của số đông công chúng, tình trạng vi phạm bản quyền này cũng sẽ diễn ra muôn hình vạn trạng.
Ngại khiếu kiện
Dù khá bức xúc với hiện trạng tranh của mình bị sử dụng tràn lan không xin phép nhưng các họa sĩ muốn giải quyết ở phạm vi dàn xếp giữa hai bên. Họa sĩ Ngụy Đình Hà chia sẻ: "Tôi cần họ phải biết nhận lỗi về hành vi sai phạm và không tái phạm nữa. Như thế với tôi là ổn. Còn nếu tái phạm, tôi mới thực sự vào cuộc". Cùng quan điểm này, họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng ghi nhận thái độ hợp tác của các công ty đã xâm phạm bản quyền tác phẩm. Chỉ khi không giải quyết theo cách dàn xếp, các họa sĩ mới nghĩ đến khiếu kiện vì đó là chuyện bất khả kháng.
Bình luận (0)