Khá bất ngờ khi cái tên "Green Book" được xướng lên trên sân khấu lễ trao giải Oscar lần thứ 91, diễn ra vào ngày 25-2 (giờ Việt Nam) tại Nhà hát Dolby, Los Angeles - Mỹ, với giải thưởng cao nhất - Phim xuất sắc nhất.
Sự lựa chọn kỳ lạ
Oscar luôn gây bất ngờ và kết quả của Oscar lần thứ 91 thật sự bất ngờ theo đúng nghĩa đen. Dù là bộ phim có nội dung mang ý nghĩa nhân văn nhưng việc "Green Book" có thể giành thắng lợi trước các đối thủ nặng ký trong cùng hạng mục là điều không ai (từ khán giả đến giới chuyên môn) nghĩ tới.
Tờ Guardian nhận định: "Đây là sự lựa chọn kỳ lạ của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ". Trước đó, hầu hết các nhà phê bình đều đặt cược cho "Roma", một bộ phim của Netflix. Trên sân khấu nhận giải, đạo diễn Peter Farrelly chia sẻ: "Đây là câu chuyện về tình yêu, về cách con người vượt qua những khác biệt để yêu thương nhau và tìm kiếm câu trả lời chúng ta là ai: Chúng ta vốn là những người giống nhau".
"Green Book" là thuật ngữ được dùng để chỉ cuốn cẩm nang du lịch gồm các nhà nghỉ, quán ăn thích hợp và an toàn cho những người da màu, nhằm tránh những rắc rối trong thời kỳ nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn là nỗi ám ảnh của nước Mỹ. Tựa phim chính là phép ẩn dụ, đề cập đến những vấn nạn phân biệt chủng tộc nổi cộm trong xã hội Mỹ trước đây.
Ê-kíp làm phim “Green Book” nhận giải Phim xuất sắc nhất
"Green Book" là bộ phim thể loại tiểu sử pha trộn phong cách hài, lấy bối cảnh nước Mỹ hồi đầu thập niên 1960, khi nạn phân biệt chủng tộc và kỳ thị người đồng tính đang bén rễ, ăn sâu trong đời sống xã hội. Trong đó, Don Shirley (Mahershala Ali đóng) là nghệ sĩ piano da đen tài hoa, được trọng vọng tại thành phố New York (Mỹ). Để chuẩn bị cho một tour diễn, Don thuê Tony Vallelonga (Viggo Mortensen) - một bảo vệ quán bar đang thất nghiệp - làm tài xế kiêm vệ sĩ. Ban đầu, sự khác biệt về tầng lớp xã hội và màu da tạo khoảng cách giữa Don và Tony. Nhưng họ dần gắn bó, vượt qua những tình huống éo le tại miền Nam nước Mỹ - nơi sự kỳ thị chủng tộc còn nặng nề.
Trước khi thắng Oscar 91, phim này đoạt Quả cầu vàng và giải của Hiệp hội Nhà sản xuất Mỹ. Chiến thắng của "Green Book" tại giải Oscar 91 tạo nên nhiều tranh cãi vì có một số ý kiến cho rằng "Green Book" đi theo lối mòn trong cách kể chuyện mang tính kiểu mẫu thường thấy về đề tài phân biệt chủng tộc trước đây. Nói một cách khác, "Green Book" không có cái nhìn mới, một lập luận mới về một vấn đề cũ - dù đó là vấn đề xã hội có thật. Thậm chí, ngay khi ra mắt tại Liên hoan Phim Toronto, phim đã phải đối mặt với nhiều nhận định cho rằng "có nhiều nét tương đồng với bộ phim kinh điển đoạt giải Oscar danh giá "Driving Miss Daisy" (Lái xe cho cô Daisy - 1989), cũng đề cập tới câu chuyện về phân biệt chủng tộc. Đúng 30 năm sau khi "Driving Miss Daisy" giành nhiều tượng vàng tại giải Oscar, trong đó có tượng vàng cho Phim hay nhất, "Green Book" xuất hiện với công thức đảo ngược: một người đàn ông da trắng làm tài xế cho một người đàn ông da màu.
Alfonso Cuarón nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất
Theo đuổi công thức quen thuộc: hai người đàn ông, một da trắng, một da màu, với hai nẻo đường đời hoàn toàn đối lập, tính cách cũng đối lập. Thế rồi họ buộc phải đồng hành cùng nhau trong một hoàn cảnh lạ lùng. Họ học hỏi từ nhau, thay đổi nhau theo hướng tích cực hơn và phát hiện rằng: Hóa ra họ cũng chẳng khác nhau nhiều. Trong đó, anh vệ sĩ da trắng Tony sẽ vượt lên trên những định kiến của mình; còn nghệ sĩ piano da màu Don sẽ thôi kiểu trịch thượng, hợm hĩnh. Đó chính là điều khiến cho chiến thắng của "Green Book" không thuyết phục hoàn toàn với nhiều đối tượng khán giả, trong đó có giới chuyên môn.
Đề cao giá trị nhân văn
Khi "Green Book" chiến thắng tượng vàng Oscar 91, truyền thông lập tức có cùng cảm xúc: Quá bất ngờ! Nhưng hãy lật lại quá khứ không lâu trước đó, bộ phim có mức kinh phí đầu tư thấp này (23 triệu USD) được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ dành nhiều lời khen và bình chọn là một trong 10 bộ phim hay nhất của năm 2018. Thực tế, xét về mặt doanh thu, bộ phim này có con số không tồi, 128 triệu USD, nếu so với mức đầu tư. Thật ra, với đề tài phân biệt chủng tộc, khán giả thường mặc định đó là bộ phim có nội dung nặng nề, hơn nữa, chẳng phải ai cũng có thể thấu cảm được hoàn cảnh, cảm xúc nhân vật một cách thấu đáo bởi mối liên hệ của người xem với câu chuyện trong phim khá mờ nhạt, nhất là với những người không sinh sống trong bối cảnh đó.
Olivia Colman nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất
Nhưng, với Oscar hay bất cứ giải thưởng danh giá nào, yếu tố nhân văn luôn giành điểm cộng. Tính nhân văn giúp người xem soi chiếu bản thân thông qua chuyện của người khác luôn có sức lôi cuốn lạ kỳ. "Green Book" có điều ấy, đến mức người xem thấy bản thân họ có mối liên quan mật thiết với câu chuyện. Qua hình ảnh của nghệ sĩ piano Don Shirley, người đã sống sót sau những định kiến trái ngang, những bất công đau xót, mỗi khán giả lại cảm nhận: À, đó chính là chuyện của mình.
Những lúc yếu đuối nhất là lúc mỗi con người lại cần sự sẻ chia. Một cái buông tay cũng đủ khiến cho người khác suy sụp. Một cái nắm tay nhẹ nhàng cũng đủ vực dậy một tinh thần tưởng chừng không còn cứu vãn. Và đó là câu chuyện của 2 nhân vật trong phim. Không chỉ là sự khốn cùng mà còn là cách để tồn tại, vượt lên trên nghịch cảnh, bộ phim còn là khúc ca đẹp về tình bạn. Nghe tưởng chừng giáo điều, sáo rỗng nhưng hãy xem cách diễn tả của đạo diễn Peter Farrelly, cuộc sống có đắng cay nhường nào, nó cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nếu chúng được soi chiếu dưới góc độ hài hước. Không ai chắc chắn là sau mỗi nụ cười không có nước mắt. Nhưng cười mỗi khi cùng cực nhất, chắc chắn nỗi đau sẽ nhẹ nhàng hơn. Đó chính là cách mà đạo diễn Farrelly hướng tới.
Rami Malek nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất Ảnh: REUTERS
Dẫu "Green Book" được làm theo một dạng thức điện ảnh cổ điển mà nhiều nhà làm phim không còn thực hiện nữa nhưng điều đó không có nghĩa dạng thức kể chuyện ấy không còn sức hấp dẫn. Một bộ phim đủ sâu sắc, thấm thía nhưng cũng chẳng nặng nề. Đấy là điều mà khán giả hôm nay vẫn tìm kiếm đấy thôi.
Phim ảnh là giải trí nhưng cũng phải để lại những suy tư ít nhiều trong lòng khán giả. Tất nhiên, làm nên những giá trị tuyệt vời này phải kể đến công của 2 diễn viên: Mortensen và Ali. Diễn xuất tuyệt vời của họ chính là điểm sáng, quyết định thắng lợi mang tính lịch sử của bộ phim này.
Một số giải thưởng quan trọng khác
Đạo diễn xuất sắc: Alfonso Cuarón với bộ phim "Roma" .
Nữ diễn viên chính xuất sắc: Olivia Colman với vai diễn trong phim "The Favourite".
Nam diễn viên chính xuất sắc: Rami Malek với vai diễn trong phim "Bohemian Rhapsody".
Nam diễn viên phụ xuất sắc: Mahershala Ali với vai diễn trong phim "Green Book".
Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Regina King với vai diễn trong phim "If Beale Street Could Talk" .
Kịch bản chuyển thể xuất sắc: "BlacKkKlansman" (Charlie Wachtel, David Rabinowitz, Kevin Willmott, Spike Lee).
Kịch bản gốc xuất sắc: "Green Book" (Nick Vallelonga, Brian Currie, Peter Farrelly).
Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc: "Roma" (Mexico).
Phim hoạt hình xuất sắc: "Spider-Man: Into the Spider-Verse" (đạo diễn Bob Persichetti, Peter Ramsey, Rodney Rothman).
Quay phim xuất sắc: "Roma" của Alfonso Cuarón.
Dựng phim xuất sắc: "Bohemian Rhapsody" của John Ottman.
Nhạc nền xuất sắc: "Black Panther" dành cho Ludwig Goransson.
Ca khúc chủ đề xuất sắc: "Shallow" trong phim "A Star Is Born" dành cho Lady Gaga, Mark Ronson, Anthony Rossomando, Andrew Wyatt và Benjamin Rice.
Thiết kế phục trang xuất sắc: "Black Panther" dành cho Ruth E. Carter .
Phim tài liệu xuất sắc: "Free Solo".
Phim truyện ngắn xuất sắc: "Skin" của Guy Nattiv.
Phim hoạt hình ngắn xuất sắc: "Bao" của Domee Shi.
Phim tài liệu ngắn xuất sắc: "Period. End of Sentence" của Rayka Zehtabchi.
Bình luận (0)