Ca khúc về Sài Gòn - TP HCM có đến khoảng 200 bài nhưng số bài đi được vào công chúng, trở thành bài hát nằm lòng là không nhiều, nhất là những ca khúc mới viết sau này của thế hệ nhạc sĩ trẻ.
Thiếu những tác phẩm hiện đại
So với Thăng Long - Hà Nội, Sài Gòn - TP HCM có số lượng ca khúc ngang nhau nhưng số bài hát được công chúng nhớ nằm lòng không bằng.
Bài hát về Sài Gòn ra đời trước năm 1975, nằm lòng nhiều thế hệ khán thính giả, đặc biệt là công chúng Sài Gòn - TP HCM, phải kể đến là "Sài Gòn đẹp lắm" của Y Vân. Sau ngày thành lập TP HCM, ca khúc "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" của Xuân Hồng đã trở thành "địa phương ca" của TP này, hầu hết người dân đều cất giọng khi giai điệu bài hát vang lên.
Chương trình nghệ thuật "Sài Gòn - TP HCM, 44 năm tự hào mang tên Bác", diễn ra vào ngày 2-7 tới sẽ là tuyển tập những ca khúc hay về Sài Gòn - TP HCM: "Tiếng hát từ TP mang tên Người" (Cao Việt Bách - Đặng Trung), "Thành phố tôi yêu" (Hoàng Hiệp), "Thành phố của tôi" (Phan Nhân), "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" (Phạm Minh Tuấn; thơ: Nguyễn Nhật Ánh), "Thành phố mười mùa hoa" (Phạm Tuyên; thơ Lệ Bình), "Em còn nhớ hay em đã quên" (Trịnh Công Sơn), "Thành phố trẻ" (Trần Tiến), "Đêm thành phố đầy sao" (Trần Long Ẩn)...
Lớp nhạc sĩ sau này viết về Sài Gòn - TP HCM cũng nhiều, với đủ góc nhìn, đủ tâm trạng cảm nhận và đủ chiều kích không gian, thời gian nhưng để đạt được như "Sài Gòn đẹp lắm" của Y Vân hay "Nắng Sài Gòn" - một sáng tác hiện đại, trẻ trung của Xuân Hồng sau này - là hơi hiếm.
Tuy vậy, ngoài những ca khúc về Sài Gòn - TP HCM đã trở thành "biểu tượng" của nhạc Việt, vẫn còn đó những ca khúc về Sài Gòn - TP HCM trẻ trung hơn, gần gũi với thế hệ trẻ ngày nay hơn như "Góc phố dịu dàng" (Trần Minh Phi), "Phố xa" (Lê Quốc Thắng), "Sài Gòn cô tiên năm 2000" (Phương Uyên), "Sài Gòn, anh yêu em" (Đức Trí), "Sài Gòn trong tâm hồn tôi" (Hồng Xương Long), "Sài Gòn twist" (Trần Quế Sơn), "Tôi yêu thành phố tôi" (Nguyễn Hồng Thuận), "Sài Gòn café sữa đá" (Hà Okio)…
Nhưng nhu cầu của công chúng không chỉ có thế. Ca khúc mới về Sài Gòn - TP HCM ngày càng ít đi, càng khó để kiếm ra những ca khúc mới của người sáng tác trẻ. Ngay trong cuộc vận động sáng tác ca khúc về Sài Gòn - TP HCM của UBND TP HCM lần này, người tham gia gần như là những tên tuổi của các thế hệ trước: Phạm Minh Tuấn, Trương Quang Lục, Huỳnh Ngọc Đông, Ngô Tùng Văn, Giang Hạ, Lê Vinh Phúc, Lê Văn Lộc, Chẩm Hồng Giang, Lê Phúc, Nguyễn Quang Minh, Bảo Huy, Đinh Nhật Minh… Các nhạc sĩ gửi tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động cũng là những tên tuổi quá đỗi quen thuộc: Trần Long Ẩn, Quang Vinh, Đức Trịnh, Võ Thiện Thanh,… Cuộc vận động sáng tác này sẽ thu về ca khúc mới bảo đảm chất lượng chuyên môn nhưng liệu có thiếu sắc màu trẻ trung vốn được tạo nên bởi những người viết trẻ của thời hiện tại?
Ca sĩ Hà Anh Tuấn trình diễn ca khúc “Mưa nắng Sài Gòn”. Ảnh: LEON
Chỉ là thiếu chút lòng
Với chủ đề "Mãi mãi một tình yêu", nhiều nhạc sĩ trẻ bày tỏ nỗi lo của bản thân khi tham gia cuộc vận động sáng tác về Sài Gòn - TP HCM theo chủ đề đã định. Trong hàng trăm lý do, trăn trở của người sáng tác trẻ, "không có đầu ra" là điều họ băn khoăn nhất. Nhiều nhạc sĩ trẻ cho hay họ cũng muốn viết nhưng viết rồi sẽ ra sao? Khát khao của người sáng tác là đứa con tinh thần của mình được công chúng đón nhận. Nhưng thường những ca khúc sáng tác theo chủ đề kiểu như vậy lại khó tạo hiệu ứng với đại đa số khán giả trẻ hiện nay. "Lỗ hổng trong giáo dục thưởng thức âm nhạc hiện tại khiến khán giả trẻ đi tìm và hưởng ứng nhiều tác phẩm không có giá trị về mặt nghệ thuật. Còn những tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng thì bị ngó lơ" - nhạc sĩ Võ Thiện Thanh bày tỏ lo lắng.
Lo lắng của các nhạc sĩ trẻ là có cơ sở khi thị trường những ca khúc ủy mị, bi thương, càng sầu thảm, càng kịch tính thì giới trẻ càng thích. Rõ ràng, sự thắng thế của nhiều ca khúc pop tình yêu sầu bi, thảm thiết trên hầu hết các bảng xếp hạng nhạc Việt là minh chứng thuyết phục.
Dù vậy, thực tế khác cho thấy cũng có không ít ca khúc mới về Sài Gòn - TP HCM của các nhạc sĩ trẻ chiếm lĩnh tình cảm của người yêu nhạc bởi chất nhạc văn minh, tiệm cận với xu hướng thời đại và cũng chỉn chu về ca từ. Trong đó có thể kể đến: "Sài Gòn café sữa đá" của Hà Okio. Lấy thói quen của người Sài Gòn chào ngày mới bằng ly cà phê sữa đá bên vỉa hè thân quen, lướt nhanh những dòng tin tức trên báo, nhìn phố xá đã bắt đầu tấp nập, Hà Okio không chỉ cho thấy tài quan sát tinh tế của anh mà còn chứng minh ca khúc đâu cần nói điều lớn lao, chỉ cần giai điệu hay, ý tứ đẹp ắt được công chúng đón nhận. Hà Anh Tuấn thành công với "Mưa nắng Sài Gòn" cũng với những yếu tố đó. Ca sĩ - nhạc sĩ trẻ Đạt G với ca khúc "Bánh mì không" thời gian gần đây cũng lay động phần nào cảm xúc khán giả yêu nhạc…
Nói vậy để thấy rằng sự khan hiếm ca khúc về Sài Gòn - TP HCM bắt nguồn từ chính sự vô tâm của người viết nhạc. Bởi lẽ, không cứ phải nhắc đến Sài Gòn - TP HCM mới là viết về nó. Mỗi thế hệ sáng tác cho khán giả thấy những tư duy, góc nhìn, cảm nhận khác biệt của họ về TP HCM thông qua âm nhạc. Chỉ là người viết có đủ yêu thương để dành tâm huyết cho nó hay không mà thôi. Hoặc cũng có khi tâm huyết tràn đầy nhưng chưa đủ duyên.
Bình luận (0)