xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm không ra ca khúc hay trong MV

THỤY VŨ

Khi thị trường âm nhạc là những cuộc cạnh tranh bằng lượt view và âm nhạc không còn trở thành nền cho những câu chuyện được thêu dệt bằng ngôn ngữ điện ảnh, làm sao có được ca khúc hay?

"Không thể cùng em suốt kiếp" - MV mới của ca sĩ Hòa Minzy, ra mắt cách đây ít ngày, chiếm mọi spotlight (tiêu điểm) trên nhiều bảng xếp hạng âm nhạc trong nước thu hút sự quan tâm của cả khán giả lẫn người trong giới. Lý do khiến MV này gây "sốt" không ở phần âm nhạc mà là bởi hình ảnh kể câu chuyện tình của vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu.

Bài hát nhạt như nước ốc

Mối tình nhiều day dứt của Nam Phương hoàng hậu được đạo diễn MV Kawaii Tuấn đặt trong những diễn biến của dòng chảy lịch sử, không chỉ khắc họa nỗi đau của người phụ nữ - cho dù cao quý như hoàng hậu - giữa sóng gió cuộc đời mà còn tái hiện một giai đoạn lịch sử, tuy không xa nhưng không nhiều người trẻ biết đến "với mong muốn vẽ lên nét đẹp văn hóa Việt bằng ngôn ngữ điện ảnh", như anh bày tỏ. Và MV này đã thành công như mong đợi.

Nhìn lại, thị trường nhạc Việt không chỉ có MV "Không thể cùng em suốt kiếp" thu hút người xem bởi những câu chuyện kịch tính: MV "Mặt trăng" của Bùi Lan Hương với nội dung về mối tình buồn của Mỵ Châu - Trọng Thủy; MV "Hết thương cạn nhớ" của Đức Phúc với mối tình của Chí Phèo - Thị Nở; MV "Anh ơi ở lại" khai thác câu chuyện cổ tích "Tấm Cám" của Chi Pu... Rồi MV "Tự tâm" của Nguyễn Trần Trung Quân khai thác câu chuyện tình đồng tính cổ trang, MV "Em đã thấy anh cùng người ấy" của Hương Giang lấy chủ đề về người thứ ba…

Điều đáng nói là những MV đầu tư tiền tỉ và gặt hái thành công về lượng view, lên đến hàng chục, hàng trăm triệu lượt nghe - xem chỉ được bàn luận, nhắc đến bởi những câu chuyện nhiều nút thắt - mở kịch tính; ý tưởng, cách thức dàn dựng MV, hình ảnh được lựa chọn với nhiều lời tán dương cho nỗ lực sáng tạo của ê-kíp thực hiện. Tuyệt nhiên không luận bàn về ca khúc, nếu có cũng chỉ thoáng qua, dù mọi người đang xem MV là sản phẩm âm nhạc.

Mới đây, cùng với sự nóng lên của MV "Không thể cùng em suốt kiếp" trên công luận là những tranh cãi về bình luận của streamer ViruSs khi phản hồi về MV này. Theo đó, ViruSs thẳng thắn nhận xét sản phẩm MV "Không thể cùng em suốt kiếp" quá thành công về mặt ý tưởng, câu chuyện lịch sử nhưng khiến giá trị về phần âm thanh bị đánh giá thấp… Cần tách biệt sự thành công của MV và âm thanh vì cứ để phần hình ảnh lấn át âm thanh, giọng hát thì vai trò ca sĩ là số không.

Nhận xét này gần như phản ánh tình trạng chung của nhiều sản phẩm MV thời gian gần đây. Nhiều người trong giới chuyên môn cho rằng nếu tách khỏi phần hình ảnh được dàn dựng như một phim ngắn, có mấy ca khúc trong những MV hàng chục, hàng trăm triệu view thời gian qua có được đời sống độc lập? Toàn là những ca khúc nhạt nhẽo không muốn nghe lại lần thứ hai.

Tìm không ra ca khúc hay trong MV - Ảnh 1.

Cảnh trong MV “Không thể cùng em suốt kiếp” của ca sĩ Hòa Minzy. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Âm nhạc đến ngày tiêu điều?

Thực tế cho thấy, diện mạo của thị trường nhạc Việt hiện tại là vô số kỷ lục được lập nhưng âm nhạc đang được thưởng thức bằng cách thụ hưởng trực quan giống với phim ảnh. Thời đại của những ca khúc độc lập với sức sống lâu bền được nuôi dưỡng trong những thiết bị phát nhạc đơn thuần đã nhanh chóng bị thay thế bằng thời đại nghe nhìn trên YouTube, với những câu chuyện drama, của ảnh chế, của nội dung viral… Theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm quốc tế (IFPI), từ năm 2018 đến nay, lượt xem video âm nhạc trên YouTube nhiều hơn lượt nghe nhạc của tất cả các nền tảng nghe nhạc trực tuyến cộng lại. Tức khán giả bây giờ thích xem MV hơn nghe nhạc. Vậy nên, những trải nghiệm âm nhạc thực sự mở rộng biên giới vượt khỏi thính giác, trở thành câu chuyện của cả thị giác. Và với ca sĩ, một bài hát không dựng MV kèm theo, cũng có nghĩa không được tính là sản phẩm âm nhạc.

Cuộc chạy đua giành ưu thế bằng sản phẩm MV đang khiến thị trường nhạc Việt rơi vào tình cảnh là âm nhạc không còn được quan tâm như trước. Một ca khúc chất lượng tàm tạm cũng được ca sĩ chọn làm MV, chỉ cần câu chuyện trong MV xuất sắc là đủ chiếm spotlight như cái cách vận hành của nhiều bảng xếp hạng âm nhạc hiện nay, điều này khiến đời sống âm nhạc Việt càng ngày càng khan hiếm ca khúc hay sáng tác mới. Giới chuyên môn cho hay nhiều ca khúc chất lượng không bước ra được thị trường âm nhạc chỉ vì chủ nhân không đủ tài chính làm MV hoặc đó là một ca khúc không ăn khớp với những câu chuyện đậm chất drama cho một MV ăn khách.

Khi không có thị trường tiêu thụ những tác phẩm âm nhạc đúng nghĩa, người sáng tác âm nhạc cũng không còn hứng thú tham gia, ca sĩ buộc phải lấp đầy sự nghiệp âm nhạc của mình bằng các sản phẩm âm nhạc nặng phần nhìn. Từ đó, tạo nên vòng luẩn quẩn. 

Phương tiện quảng bá của nhiều nhãn hàng

Với chi phí sản xuất đắt đỏ từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng cho mỗi MV nên ca sĩ cần tài trợ. MV trở thành phương tiện quảng bá hữu hiệu của nhiều nhãn hàng. Mối quan hệ cộng sinh này chẳng có gì để nói nếu nghệ thuật không bị chi phối bởi tiền bạc. Chỉ cần tài trợ một khoản tiền tương đối là thương hiệu đó có thể lồng ghép nội dung mong muốn, kiểm soát thông điệp của MV. Hồ Ngọc Hà triệt tiêu nghệ sĩ tính của mình bằng một sản phẩm tràn ngập quảng cáo trong sản phẩm "Vẻ đẹp 4.0" khi từ nội dung bài hát cho tới kịch bản MV đều phục vụ nhu cầu bán dịch vụ của nhà tài trợ. Dạo gần đây, tưởng như Tiki đã thống trị cả thị trường MV Việt, khi từ nam chính trong MV "Đừng yêu nữa, em mệt rồi" của Min đến nhân vật bạn gái của Erik trong MV "Anh ta là sao?", rồi nàng Cám Chi Pu trong MV "Anh ơi ở lại?" và hằng hà sa số các nhân vật khác, dù trong bối cảnh MV hết sức khác nhau, không loại trừ cả cổ trang, mỗi người đều được dúi vào tay một gói hàng của Tiki với thông điệp "cần là có ngay".

Tất nhiên, nghệ sĩ khắp thế giới đều cần nhà tài trợ cho sản phẩm của mình. Nhưng phần thu âm của ca khúc vẫn cần có một đời sống rất riêng: tạo nên doanh số vật lý, xuất hiện trên radio, tồn tại trong các nền tảng nghe nhạc trực tuyến để mang lại lợi nhuận cho ca sĩ. Nhưng, thị trường nhạc Việt thì chưa đủ đẳng cấp để làm nên điều ấy.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo