Sau dự án phim "Phượng khấu" ra mắt, mới đây, nhà sản xuất kiêm diễn viên Trương Ngọc Ánh công bố dự án phim huyền sử "Trưng Vương" (tên tiếng Anh: She-kings) ca ngợi Hai Bà Trưng trong lịch sử Việt Nam. Dự án được khán giả chờ đợi bởi đã lâu điện ảnh Việt mới lại có tác phẩm về nhân vật lịch sử Việt Nam sau hàng loạt các phim ngôn tình, hài, kinh dị.
Mất 3 năm chuẩn bị
Hầu hết các phim đề tài sử Việt đều mất nhiều thời gian cho phần tiền sản xuất. Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cho biết cô và cộng sự Janet Ngô cùng ê-kíp mất đến 3 năm chuẩn bị cho dự án phim "Trưng Vương". "Chúng tôi mong muốn mang đến khán giả bộ phim đề tài lịch sử chân thực nhất của Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc với nhiều giáo sư sử học, nhà nghiên cứu lịch sử... nhằm tạo nên dự án chỉn chu từ kiến trúc, trang phục, bối cảnh và câu chuyện liên quan đến Hai Bà Trưng. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là tác phẩm mang lại niềm tự hào cho công chúng Việt Nam, cũng như giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc ta đến với bạn bè quốc tế" - Trương Ngọc Ánh bày tỏ.
Phim "Trưng Vương" lấy bối cảnh gần 2.000 năm trước, xoay quanh sự nghiệp của 2 nữ anh hùng Trưng Trắc - Trưng Nhị cùng các nữ tướng khác. Thông qua cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ Đông Hán, phim cũng khắc họa cuộc sống của dân Việt giai đoạn đó. Bên cạnh 2 nhân vật Trưng Trắc - Trưng Nhị, phim còn xây dựng chân dung 6 nữ tướng gồm: Bát Nàn, Ả Chạ, Hồ Đề, Lê Chân, Phật Nguyệt và Thánh Thiên. Mặc dù vẫn còn ở giai đoạn khởi động, tiếp tục phát triển kịch bản, chưa công bố đạo diễn hay diễn viên nhưng nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cho biết: "Nhắc đến những dự án lớn như thế này, khán giả thường nghĩ chỉ có Hollywood hay những đất nước có ngành công nghiệp điện ảnh lớn mới đủ sức thực hiện. Nhưng Trương Ngọc Ánh và Janet Ngô nghĩ rằng bộ phim này mang đậm bản sắc dân tộc Việt, nên do người Việt thực hiện là phù hợp nhất. Bởi chỉ có người Việt mới hiểu đúng về lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa của mình hơn cả. Tất nhiên, chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác nước ngoài về kỹ thuật, kỹ xảo tân tiến, để bộ phim đạt được chất lượng tốt nhất".
Poster ban đầu của dự án “Trưng Vương”. (Nhà sản xuất cung cấp)
Đoàn phim cũng làm việc với hơn 10 họa sĩ để tìm tòi, sáng tạo về trang phục, hoa văn, hình tượng, vật dụng, vũ khí gần nhất với thời điểm đó. Để góp phần quảng bá, làm nóng, dự án đầu tư một số phim hoạt hình ngắn đi kèm để giới thiệu nhân vật. Mỗi phim là một câu chuyện riêng, được sáng tạo cuốn hút. Phim được kỳ vọng sẽ đến được khán giả, giúp nhà sản xuất hoàn vốn đầu tư, không vướng tình cảnh của những phim đề tài lịch sử trước đó.
Quyết tâm mới làm được
Sau một thời gian dài, màn ảnh rộng mới có lại dự án khai thác đề tài lịch sử Việt. Nguyên nhân, theo người trong giới, làm phim lịch sử hết sức khó khăn, vốn đầu tư cao nhưng lại khó hoàn vốn, sinh lợi. Đạo diễn Đức Thịnh từng nhận định rằng ở Việt Nam, làm phim dã sử, lịch sử, cổ trang khó gấp 10 lần thể loại khác bởi đoàn phim phải đầu tư vào bối cảnh, phục trang...
Nhà sản xuất phim "Phượng khấu" cũng cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi triển khai dự án, ngoài vấn đề vốn. Đoàn phim cố xây dựng một kịch bản vừa hài hòa giữa các dữ kiện lịch sử được ghi chép lại vừa bảo đảm tính gay cấn và hấp dẫn cần có. Thêm vào đó, vấn đề bối cảnh cũng khiến đoàn phim đau đầu. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết: "Các công trình tại Đại nội Huế hiện tại không đáp ứng đủ cho bối cảnh kịch bản của bộ phim miêu tả. Đoàn phim định tìm đến các khu phủ đệ của các hoàng tử nhưng vẫn không khả thi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã khảo sát khu vực các lăng tẩm của các vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức nhưng vẫn gặp nhiều bất cập. Việc quay 100% ở Huế có quá nhiều rủi ro với đoàn làm phim, không thể mạo hiểm". Cuối cùng, sau thời gian đắn đo, ê-kíp quyết định thực hiện các cảnh quay nội tại khu du lịch làng cổ Phước Lộc Thọ (ở tỉnh Long An), các cảnh quay ngoại và đại cảnh sẽ thực hiện ở Huế. "Tôi nghĩ nhà làm phim nào chọn chủ đề lịch sử cũng phải đam mê lắm! Gia đình tôi có truyền thống làm phim và võ thuật, cha tôi - NSND Lý Huỳnh say mê làm phim lịch sử, ngợi ca tinh thần dân tộc, thượng võ nên gia đình mới dốc sức làm cho được "Tây Sơn hào kiệt" về nhân vật Hoàng đế Quang Trung dẫu phải trải qua nhiều khó khăn" - diễn viên Lý Hùng tâm sự.
Poster phim “Phượng khấu” sẽ phát hành tháng 3-2020. (Nhà sản xuất cung cấp)
Ông Tôn Thất Minh Khôi, Giám đốc truyền thông của dự án "Phượng khấu", bộc bạch: "Có những lúc khó khăn đến nản lòng nhưng chúng tôi vẫn giữ được thiện tâm ngay từ lúc đầu để vững bước. Chúng tôi có thể không tạo nên một tác phẩm hoàn hảo, đáp ứng tất cả kỳ vọng quá lớn từ khán giả lúc này nhưng sẽ là một tác phẩm tử tế và được làm bằng tất cả tâm huyết của đoàn làm phim. Không chỉ là "Phượng khấu", chúng tôi có một kế hoạch đường dài trong tương lai, có thể sẽ là triều Lê, triều Lý hoặc triều Trần".
Trương Ngọc Ánh cũng chia sẻ Janet Ngô là người Úc gốc Việt, luôn mơ ước thực hiện một sản phẩm văn hóa, lịch sử, mang đậm bản sắc Việt. Trong quá trình về Việt Nam nghiên cứu, cô gặp Trương Ngọc Ánh cũng có cùng ý tưởng. Như một cái duyên, cả hai quyết định hợp tác. Nếu không phải gặp nhau ở niềm đam mê lịch sử và điện ảnh, khao khát mang văn hóa Việt ra thế giới thông qua điện ảnh thì "Trưng Vương" cũng khó ra đời. Có lẽ, đằng sau mỗi dự án chủ đề lịch sử, ngoài đam mê, còn là niềm tự hào dân tộc, mong muốn được kể câu chuyện về những anh hùng dân tộc, tiền nhân... Những khát vọng tạo nên giá trị đặc biệt mang đậm dấu ấn văn hóa là động lực để giúp các nhà làm phim vượt khó khăn.
Nhà nước nên hỗ trợ!
Nhiều người trong giới cho rằng những dự án phim chủ đề lịch sử do tư nhân bỏ vốn sản xuất đa phần đều là dự án tâm huyết. Vì những yếu tố rủi ro khác nhau, nhà nước cần có sự tài trợ cho những dự án này sau khi trải qua thẩm định, chứng thực. Với những dự án truyền hình, cần có sự hỗ trợ để phát sóng giờ vàng, còn điện ảnh thì hỗ trợ kinh phí sản xuất theo khung quy định. Đây là giải pháp nối dài đam mê, giữ lửa để nhà làm phim hăng hái sản xuất phim đề tài lịch sử, tạo kho phim lịch sử sống động góp phần giúp khán giả hiểu biết thêm lịch sử nước nhà một cách hiệu quả.
Bình luận (0)