Phim tài liệu lịch sử "Những cánh én đầu tiên" (tiếng Anh: The First Swallows) thuộc loạt phim "Không chiến Việt Nam" do các thành viên Xưởng phim Én Bạc (Silver Swallows Studio) của Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) sản xuất được công chiếu tại các cụm rạp ở TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội từ ngày 9-8. Không chỉ tái hiện đầy sinh động trận không chiến của Không quân Việt Nam với Không quân Mỹ trên cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 4-4-1965, "Những cánh én đầu tiên" còn mang đến niềm tin điện ảnh Việt Nam có thể làm nên những tác phẩm điện ảnh về lịch sử nước nhà đầy cuốn hút bằng tư duy mới và công nghệ hiện đại trong tương lai gần.
"Người trẻ Việt quá giỏi"
Đây lại là tác phẩm của một xưởng phim thuộc một trường đại học thực hiện nên con đường ra rạp mất nhiều thời gian. "Những cánh én đầu tiên" được chiếu ra mắt ở Đà Nẵng dịp 30-4 rồi đến Hà Nội vào tháng 5 nhưng đến tháng 8 mới ra rạp. Dù suất chiếu chưa nhiều bởi đặc thù thể loại nhưng bước đầu chinh phục được khán giả. Những lời khen ngợi xen lẫn bình luận, góp ý những thiếu sót, tiếc nuối được cập nhật công tâm trên trang fanpage của đơn vị sản xuất. "Phim rất cảm xúc, quá mãn nguyện với bao lâu chờ đợi" - khán giả Nguyen Phan Anh nhận định; "Một câu thôi, phim hay. Các cảnh chiến đấu trên không thật mãn nhãn, chỉ tiếc thời lượng hơi ngắn. Phim Việt Nam đã có những cảnh chiến đấu trên không thật hào hùng" - khán giả Ngô Bá Nhất viết; "Người trẻ Việt quá giỏi, với phim này, chúng ta có quyền kỳ vọng sớm có tác phẩm điện ảnh lịch sử không thua kém phim của thế giới đâu" - khán giả Nguyên Nguyễn khẳng định.
Cảnh trong phim “Những cánh én đầu tiên”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Phim có thời lượng gần 40 phút chia làm 2 phần với phần đầu xâu chuỗi sự kiện qua lời kể của phi công Trần Hanh cùng những nhân chứng lịch sử khác. Phần thứ hai khoảng hơn 10 phút là tái hiện trận chiến trên không chân thật, sống động bằng công nghệ 3D, công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (Computer-generated imagery - CGI)... Phim thể hiện rõ nét thời khắc oanh liệt của những người anh hùng trong các trận đánh lịch sử đầu tiên ở Hàm Rồng - cây cầu huyết mạch trên tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam. Hình ảnh cùng âm thanh sống động, chân thật là lợi thế khiến "Những cánh én đầu tiên" chinh phục được khán giả.
Bày tỏ trong buổi họp báo ra mắt phim, ông Hồ Văn Quỳ, thành viên số 3 trong trận đánh ngày 30-4-1965, chia sẻ: "Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, dù ký ức không còn rõ nét vì tuổi già nhưng sau khi xem xong những thước phim tái hiện lại trận chiến đầu tiên của Không quân Việt Nam, tôi đã rất xúc động, nhớ về những anh em đồng đội của mình đã chiến đấu anh dũng như thế nào".
Khát vọng lớn
Dẫu vẫn còn thiếu sót, còn "sạn" trong khâu lồng tiếng nhưng nhiều người trong giới lẫn khán giả nhận định loạt "Không chiến Việt Nam" bước đầu mang đến hy vọng lớn cho công chúng. Nó chứng tỏ rằng người trẻ Việt có thể tạo ra những phim ấn tượng bằng kỹ xảo, công nghệ hiện đại.
"Những cánh én đầu tiên" là một trong những dự án nhân văn, phi lợi nhuận của Xưởng phim Én Bạc. Đạo diễn, người khởi xướng là TS Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thuộc thế hệ 8X. "Từ thời học đại học, tôi đã thích máy bay, thích tìm hiểu về lịch sử và những trận không chiến. Tôi từng xem phim Mỹ làm về không chiến, thấy được các trận không chiến giữa họ với Việt Nam nhưng với góc nhìn của người Mỹ. Tôi nghĩ lịch sử Việt cũng có nhiều trận không chiến khốc liệt và chúng ta giành thắng lợi vẻ vang thì sao lại không tái hiện trên màn ảnh. Những ý tưởng về không chiến Việt Nam manh nha từ đó" - TS Lê Nguyên Bảo cho biết. Phim được thực hiện trong suốt 5 năm bao gồm cả giai đoạn thu thập tài liệu, phỏng vấn nhân vật, thực hiện quay, dựng, kỹ xảo. "Trong 5 năm, chúng tôi bỏ ra 3 năm cho phần tài liệu, phỏng vấn nhân vật, so sánh tư liệu công bố của ta và Mỹ để có được cái nhìn khách quan nhất cho người xem" - ông Thái Bảo Long (chuyên viên xưởng phim, biên tập hình ảnh, quay dựng phim) nói.
Theo Bảo Long, ban đầu tiếp cận nhân vật trong phim rất vất vả bởi xưởng phim mới, chưa tạo dựng được niềm tin. Trung tướng Trần Hanh cũng từ chối 2 lần, đến lần thứ ba mới đồng ý. Vì nhân vật đều tuổi cao, xưởng phim phải bám sát lịch trình của họ, tìm thời gian trống để không ảnh hưởng đến lịch trình, sức khỏe mới có thể hoàn thành khâu phỏng vấn. Phần kỹ xảo của phim "ngốn" thời gian nhiều nhất có lẽ là khâu vẽ chiếc MiG-17, gần 3 năm. Chiếc MiG-17 được vẽ bằng sự tỉ mỉ cao, chi tiết đến từng con ốc, từng nét chữ Nga bên trong buồng lái để khi quay cận có thể thấy rõ, đúng. Nếu không có đam mê, nhiệt huyết, đeo bám dự án thì "Những cánh én đầu tiên" rất khó ra được rạp như hiện nay.
"Khi làm phim, tôi và ê-kíp cố gắng tạo ra được sản phẩm chứ không nghĩ đến chuyện được khán giả trẻ đón nhận như hiện nay. Chúng tôi sẽ làm tiếp loạt "Không chiến Việt Nam" nhưng lần này chọn thể loại phim truyện điện ảnh. Tôi nghĩ thể loại này phổ biến hơn, khán giả dễ tiếp nhận và có thể sáng tạo trong kịch bản, đẩy mạnh cảm xúc cùng mạch phim" - TS Lê Nguyên Bảo bày tỏ. Theo anh, "Những cánh én đầu tiên" sẽ như giấy thông hành, chứng minh khả năng của xưởng. Rõ ràng, sự đón nhận của khán giả cho thấy người trẻ Việt không thờ ơ với phim về lịch sử, phim chiến tranh hay ca ngợi anh hùng đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện thế nào để phù hợp xu hướng nghe, nhìn hiện đại, đủ sức chinh phục họ là điều không dễ dàng.
Đáng được nhà nước tài trợ
Vì kinh phí không nhiều nên cả 4 nhân vật phi công Trần Hanh, Phạm Giấy, Trần Nguyên Năm, Lê Minh Huân đều do nhân viên trong xưởng phim đảm nhận diễn xuất. Cả ê-kíp hơn 20 người, tuổi từ 25 đến 30, tổng hòa giữa lực lượng sinh viên, người đã đi làm nhưng là tay ngang về phim. Họ có chuyên ngành công nghệ thông tin, kiến trúc, đồ họa... nhưng chưa biết nhiều về diễn xuất, quay nên nỗ lực vừa làm vừa học, bổ sung kiến thức. "Tôi thấy khó khăn nhiều nhất trong suốt thời gian làm phim là nhân lực. Nhiều người làm chỉ 1-2 năm rồi chán, di chuyển nên phải xây dựng lại đội ngũ và tiếp tục. Kinh phí không cao, chúng tôi phải đối mặt với cơ sở vật chất, thiết bị thiếu" - ông Thái Bảo Long thông tin.
Các nhà chuyên môn cho rằng chính sách tài trợ điện ảnh hằng năm của nhà nước nên dành cho những dự án như thế này. Bởi đầu tư đúng sẽ chắp cánh cho nhiều ý tưởng sáng tạo khác, góp phần phát triển điện ảnh ở mảng đề tài không nhiều người dám đầu tư kinh phí để làm.
Bình luận (0)