Dự án phim hoạt hình Việt chiếu ở rạp "Hành trình nhân quả" (Karma - The Journey) đang được ê-kíp thực hiện nỗ lực từng ngày để sớm ra mắt khán giả. Những người trẻ đam mê hoạt hình, muốn kể những câu chuyện thấm đẫm văn hóa, lịch sử nước nhà thông qua loại hình nghệ thuật này vẫn lấy ngắn nuôi dài, từng bước biến giấc mơ thành hiện thực.
Đam mê cháy bỏng
Năm 2018, dự án phim hoạt hình Việt chiếu ở rạp "Hành trình nhân quả" được Red Cat Motion giới thiệu, mang đến sự thích thú và chờ đợi từ người làm nghề lẫn khán giả. Những kỳ vọng đến với dự án do Red Cat Motion là đơn vị từng phối hợp thực hiện thành công phim hoạt hình "Con Rồng cháu Tiên", phát trên YouTube năm 2017, mang đến phản hồi tốt từ người xem.
"Hành trình nhân quả" kể về Leng Keng - một con nghê thần - chuyên làm nhiệm vụ chuyển trái nhân quả từ Linh giới sang Nhân giới. Người nào làm việc tốt, Leng Keng sẽ chuyển trái tốt, còn làm điều xấu thì nhận trái xấu. Trong một lần đi giao quả, Leng Keng vô tình làm rớt trái xấu cho một cô bé 4 tuổi tên Gạo. Vì còn nhỏ mà phải nhận trái xấu, Gạo dần bị tan biến. Để cứu Gạo, sửa sai, Leng Keng đưa bé về Linh giới. Trên đường đi, cả hai bị Đông - một cậu bé - vô tình trông thấy và đồng hành. Cả ba thực hiện chuyến phiêu lưu ý nghĩa đến Linh giới.
Cảnh trong dự án phim hoạt hình “Hành trình nhân quả” giai đoạn đầu. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Ông Đinh Kiều Anh Tuấn (Leo Đinh) - Giám đốc điều hành, người sáng lập Red Cat Motion - cho biết: "Do nhiều khó khăn nên các dự án của chúng tôi đã kéo dài đến nay. Dự kiến mốc hoàn thành tác phẩm có thể là năm 2025 rồi đến 2028, 2030. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực thực hiện khát vọng đưa phim hoạt hình Việt ra rạp khai thác thương mại".
"Ngoài "Hành trình nhân quả", chúng tôi phát triển song song dự án chiếu ở rạp khác có tên "Tản Viên phong châu". Trước đó, ê-kíp đã hoàn thành phim ngắn "U Linh tích ký: Bột thần kỳ" - thuộc khuôn khổ dự án "Hành trình nhân quả", giới thiệu về Linh giới. Hệ sinh thái Linh giới là nơi có một xã hội văn minh, trật tự, nhiều chủng tộc cùng sinh sống và nhờ vậy, những câu chuyện được kể cũng kéo dài vô tận" - ông Anh Tuấn thông tin.
Theo ông Anh Tuấn, những phim hoạt hình do ê-kíp của ông sản xuất sẽ tập trung khai thác nét đẹp văn hóa dân gian nhằm giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới. "U Linh tích ký: Bột thần kỳ" dài 8 phút đã được trình chiếu tại Liên hoan Phim quốc tế Seattle lần thứ 48 vào tháng 4-2022 và Liên hoan Phim hoạt hình quốc tế Stuttgart lần thứ 29 vào tháng 5-2022.
Khán giả mê phim hoạt hình cũng từng háo hức khi thưởng thức phim hoạt hình ngắn dạng 3D có tên "Dưới bóng cây" do Colory Animation Studio thực hiện; loạt phim hoạt hình nhiều tập "Monta trong dải ngân hà kỳ cục" của hãng phim hoạt hình Vintata do Tập đoàn Vingroup thành lập, thực hiện; loạt phim hoạt hình phong cách diễn họa "Việt sử kiêu hùng" do nhóm Đuốc Mồi thực hiện… Tuy nhiên, phim hoạt hình Việt chiếu ở rạp, khai thác thương mại vẫn là một nhu cầu, khát vọng chờ được lấp đầy.
Nỗ lực vượt khó
Mang nhiều đam mê, nhiệt huyết nhưng người làm nghề đều thừa nhận để có thể thực hiện một tác phẩm phim hoạt hình Việt chiếu ở rạp là vô cùng khó khăn. Đầu tiên, kịch bản phim phải tốt và mới lạ, không thể chỉ là minh họa lại một câu chuyện cổ tích, kể về một nhân vật lịch sử theo kiểu tài liệu. Tiếp theo, nhà sản xuất phải có đội ngũ nhân lực đồng đều, thiết bị hiện đại đáp ứng yếu tố kỹ thuật vì phim chiếu ở rạp khác với chiếu trên truyền hình. Để có đội ngũ nhân lực hợp ý và đồng đều, nhà sản xuất phải xây dựng, đào tạo trong thời gian nhất định với chi phí không nhỏ.
"Tôi biết nhiều người trẻ đam mê làm phim hoạt hình, khát vọng thực hiện phim chiếu ở rạp nhưng điều này không dễ tại thị trường Việt Nam hiện nay. Chúng ta không có máy móc, kỹ thuật hiện đại, nhân lực đủ kỹ năng cạnh tranh và nguồn kinh phí đầu tư cho những người tiên phong. Nhiều hãng phim hoạt hình lớn của thế giới đã dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất phim, giảm bớt thời gian ngồi vẽ của họa sĩ. Kịch bản của họ ngày càng sâu trong việc khai thác văn hóa bản địa thông qua tạo hình, câu chuyện như phim "Coco" khai thác văn hóa Mexico. Các nhà đầu tư không mặn mà với phim hoạt hình vì làm phim do người đóng thì thời gian hoàn thành nhanh hơn" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh trăn trở.
Ông Trần Minh Tuấn - Trưởng nhóm Đuốc Mồi - cũng cùng quan điểm khi cho rằng cái khó lớn nhất của làm phim hoạt hình Việt nói chung là kinh phí, nhân lực. Nhóm của ông chỉ làm với hình thức diễn họa chiếu YouTube phục vụ miễn phí cho khán giả nhưng vẫn mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng người làm nghề với đam mê cháy bỏng luôn sẵn sàng vượt khó. Thị trường phim hoạt hình chiếu ở rạp tại Việt Nam rất tiềm năng, thể hiện qua hàng loạt phim từng đạt doanh thu cao. Tuy nhiên, từ trước đến nay, thị trường này vẫn bỏ trống cho các hãng quốc tế như Walt Disney thoải mái khai thác. Những bước đi đầu tiên cùng nỗ lực vượt khó đang là tín hiệu vui, mang nhiều kỳ vọng về phim hoạt hình Việt ra rạp.
Bình luận (0)