Từ nhiều năm nay, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Ngọc Dũng đã bền bỉ thực hiện các tập sách chủ đề "Lang thang phố thị". Mới đây nhất, "Miền di sản" (NXB Hồng Đức - 2020) là ấn phẩm thứ 5 của anh, sau những tập sách xuất bản đã viết về TP HCM, đồng bằng sông Cửu Long, Huế… Lần này, anh đã hào hứng đến với Hội An, Tam Kỳ, Đà Nẵng… với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Theo anh trong sự hội nhập toàn cầu hóa hiện nay đã dẫn đến "Ăn, ở, làm việc, sinh hoạt gần giống nhau về căn bản quy hoạch vùng về nhiều phương diện", tuy nhiên có khác đấy, vẫn chính là "những di sản, làng cổ, làng nghề, chùa chiền, nhà thờ miếu mạo, lễ hội đang còn bản sắc riêng, đang được trân trọng gìn giữ… Chính những di sản vật thể và phi vật thể này đã phân biệt được bản sắc văn hóa vùng miền, những món ăn thức uống, những trang phục không bị toàn cầu hóa". Quan điểm này chắc chắn được mọi người đồng tình.
Và cũng chính từ suy nghĩ này, khi đến với một vùng đất, trong quá trình khảo sát, chiêm nghiệm có tính cách phát hiện, anh đã chú trọng nhấn mạnh và làm rõ bản sắc này. Với Quảng Nam, anh đã viết kỹ về sinh hoạt của các lễ hội, và tất nhiên, không thể bỏ qua những món ăn có tính cách đặc trưng như cao lầu, xí mà (chi mà phù), phở sắn Quế Sơn, bánh tráng Đại Lộc, bánh bao quai vạc… Bên cạnh đó, các danh lam thắng cảnh, điểm du lịch của vùng đất này không "đụng hàng" với nơi khác cũng trong "tầm ngắm" của anh, chẳng hạn, địa danh từng nổi tiếng trong câu ca dao xứ Quảng: "Ngó lên hòn Kẽm đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi" hay Cù Lao Chàm, Ngũ Hành Sơn…
Lang thang cùng KTS Nguyễn Ngọc Dũng qua "Miền di sản", tôi tin rằng ngay cả người Quảng Nam cũng ngạc nhiên với các làng nghề mà anh nhắc đến. Chẳng hạn, làng chiếu Bàn Thạch mà ngày thơ bé tôi đã từng nghe qua lời mẹ ru: "Anh về Bàn Thạch, em trải chiếu cho anh nằm/ Tình sâu nghĩa nặng mấy con trăng rằm không phai" hay làng trống Lâm Yên… Rồi các làng cổ gắn liền với mái đình lưu giữ ký ức êm đềm của nhiều thế hệ như đình làng Chiên Đàn, Túy Loan, Cẩm Phô, Hải Châu…
Bìa sách “Miền di sản”
Thế thì "toàn cầu hóa" dù có mãnh liệt đến dường nào đi nữa, chắc chắn sự tồn tại này đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của cư dân bản địa. Nhờ thế, các địa danh này vẫn là nơi hấp dẫn cho du khách phương xa tìm đến. Bởi ngày nay khi du lịch không chỉ ăn uống, tận hưởng thiên nhiên, phong cảnh… mà còn là lúc người ta muốn thỏa mãn nhu cầu tìm về dấu tích cổ xưa của vùng đất đó nữa.
Tất nhiên không chỉ hoài cổ, tìm về cổ tích, du khách còn muốn đặt chân đến những công trình văn hóa lẫn tâm linh, hệ thống giao thông mới xây dựng gần đây. Phải nói, KTS Nguyễn Ngọc Dũng rất thấu hiểu tâm lý này, đơn giản vì anh cũng là người nơi xa đến, vì thế, đã kịp thời có những trang viết mà trước đây nhiều "cẩm nang" du lịch chưa cập nhật, thí dụ Công viên Suối khoáng núi Thần Tài, cầu khóa Tình yêu…
Thêm một điều cần ghi nhận, theo tôi, vẫn là ở chỗ anh thể hiện theo cách riêng của mình: Dù là sách nhằm giới thiệu cảnh quan vùng đất đó nhưng khác với người khác vẫn là ở chỗ anh chọn cách viết ngẫu hứng, nói nôm na là viết theo phong cách "lang thang phố thị". Do lang thang nên anh đã có cơ hội gặp gỡ cư dân địa phương để cùng tâm tư, trò chuyện rồi thể hiện nên nhưng trang viết thân mật như thể "người trong cuộc".
Không những viết, nếu cảm thấy hứng, anh lại vẽ. Vẽ bút sắt, màu nước, sơn dầu… như một cách thể hiện sự yêu dấu lòng mình với nơi đã đến. Với tôi, những bức tranh vẽ về tháp Mỹ Sơn, tháp Chiên Đàn hoặc đền chùa xứ Quảng… vẫn là những tác phẩm độc lập, có dấu ấn riêng của một họa sĩ tài hoa.
Đọc "Miền di sản", với những gì anh đã thể hiện trong sách, tôi nghĩ đây cũng là một tích cực cho phong cách làm sách du lịch hiện nay. Tức là ngoài các số liệu thông kê, thông tin chính xác về địa chỉ nọ kia thì cái cần không thể thiếu vẫn là cảm xúc của tác giả. Không dừng lại đó, thêm một điều nữa còn là cách in song ngữ Việt - Anh như một cách tiếp cận với du khách nước ngoài nữa.
Bình luận (0)