Biên tập, chỉnh lý và cập nhật các kịch bản cải lương tuồng cổ về đề tài lịch sử Việt Nam đưa lên sàn diễn phục vụ công chúng trong giai đoạn hiện nay là giải pháp được các nhà chuyên môn đánh giá cao.
Gầy dựng lại thương hiệu
Gia tộc Minh Tơ hiện có 2 nhóm nghệ sĩ gầy dựng lại thương hiệu. Đó là nhóm nghệ sĩ Công Minh, trụ diễn tại sân khấu Sen Việt (số 5B Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM) và nhóm nghệ sĩ Thanh Sơn với bảng hiệu "Đoàn hậu duệ Minh Tơ", trụ diễn tại Nhà Văn hóa Sinh viên (643 Điện Biên Phủ, phường 1, quận 3).
Cả 2 nhóm nghệ sĩ này hoạt động khá sôi nổi với quyết tâm gầy dựng lại thương hiệu của gia tộc nghệ thuật có 6 đời cống hiến cho sân khấu. Sau gần 30 năm tạm cất bảng hiệu, Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ với sự chỉ huy của nghệ sĩ Công Minh đã tái ngộ khán giả với vở "Lưu Bị cầu hôn giang tả". Đoàn đang chuẩn bị dàn dựng vở "Thanh gươm và nữ tướng", nói về các nữ tướng trong lịch sử Việt Nam.
Một cảnh trong vở cải lương tuồng cổ sử Việt “Bạch Đằng Giang” của đạo diễn Kim Tiến
Nghệ sĩ Công Minh cho biết muốn phục hồi các vở cải lương tuồng cổ đề tài lịch sử thì phải khoác chiếc áo mới cho kịch bản. Bên cạnh việc xem trọng khâu đầu tư phần âm nhạc, bài bản Hồ Quảng, ông còn chủ trương đưa những điệu lý, đờn ca tài tử Nam Bộ và âm nhạc cải lương được phối mới vào vở diễn.
Trong khi đó, nghệ sĩ Thanh Sơn tạo điều kiện cho học trò tiếp nối sáng tạo để các chương trình "Nghề nối nghề" do ông dàn dựng luôn đạt được chất lượng nghệ thuật. "Dù chỉ dàn dựng các trích đoạn trong chương trình "Nghề nối nghề" cho diễn viên trẻ thể hiện tài nghệ, tôi vẫn chủ trương làm mới các khâu: âm nhạc, phục trang, vũ đạo, võ thuật... để đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của khán giả" - nghệ sĩ Thanh Sơn giải thích.
Với đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, kho tàng kịch bản do cố nghệ sĩ Bạch Mai để lại có nhiều vở về sử Việt. Nghệ sĩ Bình Tinh cho biết sẽ dàn dựng những vở này để đưa các tích truyện trong lịch sử dựng nước, giữ nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm đến gần hơn với công chúng trẻ. Cụ thể, đó là các vở: "Anh hùng bán than", "Trưng nữ vương", "Cờ lau dựng nước", "Mặt trời đêm thế kỷ"...
"Khoác áo mới cho vở tuồng sử Việt là điều tất yếu, vì không làm mới sẽ khó thu hút được khán giả khi trình độ thưởng thức của họ ngày càng cao, do sự tác động của nhiều chương trình hấp dẫn trên nền tảng số" - nghệ sĩ Bình Tinh nhìn nhận.
Các nhóm sân khấu xã hội hóa như: Vũ Luân, Chí Linh - Vân Hà, Kim Tử Long, Kim Tiến... cũng chuẩn bị dàn dựng những vở diễn tuồng cổ lịch sử. Sau "Rạng ngọc Côn Sơn" nói về nhân vật Nguyễn Trãi, NSƯT Kim Tử Long có kế hoạch dựng lại vở "Tô Hiến Thành xử án". Nhóm nghệ sĩ Kim Tiến cũng sẽ diễn lại vở "Bạch Đằng Giang" ca ngợi công lao của Ngô Quyền...
Cần truyền nghề sáng tác cho tác giả trẻ
Trong bối cảnh sân khấu gặp nhiều khó khăn như hiện nay, sự trở lại của dòng sử Việt trên sân khấu tuồng cổ được giới chuyên môn đánh giá là nỗ lực đầy tâm huyết của các nghệ sĩ.
Lâu nay, khán giả sân khấu tuồng cổ đã được xem nhiều vở tuồng dựa theo tích truyện của Trung Quốc mà thế hệ nghệ sĩ tiên phong đã sáng tạo từ cách "hát cương" của sân khấu hát bội thập niên 1950-1960. Nghĩa là, chỉ dựa theo câu chuyện từ sách hoặc do dân gian truyền miệng, các nghệ sĩ thời đó tự sắp lớp, phân vai rồi ứng biến ngẫu hứng theo cách sáng tạo của mình. Sự tương tác, phối hợp từ ca đến diễn rất điệu nghệ và việc vận dụng vũ đạo, võ thuật vào từng lớp diễn cũng rất độc đáo.
Từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, 2 đoàn Minh Tơ và Huỳnh Long đã đưa sử Việt lên sàn diễn. Việc này đã tạo tiền đề cho sân khấu tuồng cổ khơi dòng chảy sáng tác kịch bản ca ngợi tinh thần yêu nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm và các đoàn hát dựa theo đó mà phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay, nếu không đầu tư nguồn kịch bản mới thì kho tàng tuồng sử Việt sẽ dần cạn kiệt. Nghệ sĩ Công Minh cho rằng cần đặt hàng ngay các tác giả trẻ để họ sáng tác kịch bản lịch sử Việt. Thế nhưng, đội ngũ tác giả trẻ chuyên viết về lãnh vực tuồng cổ ngày càng hiếm, trong khi các soạn giả tên tuổi thì đều tuổi cao và dần rơi rụng.
"Tôi kiến nghị Hội Sân khấu TP HCM tổ chức các đợt tập huấn đội ngũ tác giả, chỉ chuyên sáng tác kịch bản tuồng cổ lịch sử. Nếu không làm việc này ngay thì khi thế hệ soạn giả cao tuổi mất đi, họ sẽ mang theo kiến thức, kinh nghiệm sáng tác, lúc đó kịch bản tuồng cổ sử Việt sẽ bị mai một" - nghệ sĩ Thanh Sơn băn khoăn.
Theo tác giả Tô Thiên Kiều - một trong những cây bút còn sáng tác kịch bản cải lương sử Việt - giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương tuồng cổ với dòng kịch bản sử Việt là việc rất cần thiết. Một kịch bản mẫu mực với nhiều lớp diễn hay của nghệ thuật cải lương tuồng cổ là phải phô bày được tất cả sự hấp dẫn của âm nhạc, vũ đạo, võ thuật và xoáy sâu vào tính cách nhân vật lịch sử.
"Truyền nghề cho diễn viên mà không tổ chức truyền nghề sáng tác cho thế hệ tác giả trẻ là một thiếu sót. Khi còn sống, soạn giả Bạch Mai thúc giục tôi đến nhà để bà chỉ dạy cách sáng tác. Thế nhưng, do bận công việc nên tôi trễ hẹn và rồi, bà đã ra đi" - tác giả Tô Thiên Kiều ân hận.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng nếu tổ chức tập huấn cho đội ngũ tác giả trẻ, các nghệ sĩ của 2 gia tộc Minh Tơ - Huỳnh Long chính là nhân chứng sống. Họ sẽ phân tích cái hay, cái đẹp của từng lớp diễn và cung cấp kinh nghiệm thực tiễn để đội ngũ tác giả trẻ dựa theo đó mà sáng tác.
"Cần đặt hàng ngay kịch bản về những nhân vật anh hùng từ thời Đinh, tiền Lê cho đến triều Nguyễn, để sân khấu tuồng cổ có thêm nhiều tác phẩm mới" - NSND Trần Minh Ngọc kỳ vọng.
Bình luận (0)