Tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Văn hóa Việt Nam (Vietnam Centre) đang kêu gọi đầu tư làm phim "Lý Chiêu Hoàng". Trong khi đó, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chuẩn bị bấm máy phim dã sử "Huyết rồng" vào hè năm nay...
Say mê sử Việt
Bên cạnh phim "Lý Chiêu Hoàng" và "Huyết rồng", nhóm Đuốc Mồi và Đạt Phi Media đang thực hiện dự án phim dài hơi "Việt sử kiêu hùng" được dựng theo lối diễn họa (animation), tiếp tục gây quỹ cộng đồng cho giai đoạn 2 và hiện đã thu hơn 800 triệu đồng.
"Việt sử kiêu hùng" là dự án phi lợi nhuận với sứ mệnh kết nối những giá trị lịch sử của dân tộc với thế hệ người trẻ Việt, đã hoàn thành hơn 270 phút phim. Tất cả đều là tâm huyết của các cộng sự trẻ say mê sử Việt, sự ủng hộ từ cộng đồng với hơn 3 tỉ đồng.
“Bình Ngô đại chiến” nhận được nhiều tán thưởng từ công chúng. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
"Việt sử kiêu hùng" đã làm được 3 loạt lớn: "Bình Ngô đại chiến" (2 tập), "Tử chiến thành Đa Bang (3 tập), "Lý Thường Kiệt" (3 tập) và 2 loạt nhỏ: "Khai mở triều Trần" (5 tập), "Việt Nam trăm bậc vĩ nhân" (9 tập). Đặc biệt, loạt "Bình Ngô đại chiến" nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng lẫn người làm nghề.
Đạo diễn Charlie Nguyễn khen ngợi: "Tôi rất thích cách đạo diễn dựng phim cũng như thiết kế âm thanh trong "Bình Ngô đại chiến", rất thỏa mãn về mặt thị giác. Hy vọng các bạn giữ được lửa đam mê để vượt qua khó khăn phía trước, để một ngày nào đó đưa "Việt sử kiêu hùng" ra màn ảnh lớn, xứng đáng với tất cả tâm huyết mà các bạn trẻ đã dành cho dự án".
Kết thúc giai đoạn 1, "Việt sử kiêu hùng" bắt đầu gây quỹ cộng đồng cho giai đoạn 2 với kỳ vọng đạt 2,6 tỉ đồng. "Chúng tôi hiện đã gây quỹ được hơn 800 triệu đồng, hành trình gây quỹ vẫn tiếp diễn. Chúng tôi cũng đã bắt tay vào việc thực hiện "Bình Ngô đại chiến 2" và dự kiến hoàn tất năm 2022 để phục vụ khán giả" - anh Trần Minh Tuấn, Trưởng dự án Đuốc Mồi, chia sẻ.
Phim thể loại dã sử về Lý Chiêu Hoàng sẽ do Vietnam Centre phối hợp cùng nhà biên kịch người Hàn Quốc Paek Seong Og phát triển. "Vietnam Centre chịu trách nhiệm chính về nội dung. Nhà biên kịch Paek Seong Og sẽ chuyển thể câu chuyện thành kịch bản, cân bằng yếu tố lịch sử, nghệ thuật và yếu tố thu hút đại chúng" - Vietnam Centre cho biết.
Trong khi đó, phim dã sử "Huyết rồng" của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh hiện trong giai đoạn chuẩn bị ráo riết để bấm máy vào mùa hè này. Phim có nội dung xoay quanh thời khắc chuyển giao quyền lực từ nhà Tiền Lê (vua Lê Long Đĩnh, còn gọi là Lê Ngọa Triều) sang nhà Lý (vua Lý Công Uẩn - Lý Thái Tổ) năm 1009.
Cần sự chính danh
Việc các nhà làm phim tìm về các chất liệu lịch sử, văn hóa dân tộc và những người mê sử tìm đến phim ảnh để phối hợp cũng là điều tất yếu. Bởi lẽ, phim ảnh là cách trực quan và sinh động nhất để truyền tải các giá trị sử liệu một cách tự nhiên đến khán giả.
Tuy nhiên, sự kết hợp giữa sử và phim ở thị trường điện ảnh Việt chỉ mới dạng sơ khai, nặng tính tự phát, chưa thấy rõ hướng đi bền vững. Nhiều nhóm mê sử chọn phim ảnh để kết hợp hoạt động nhỏ lẻ, dựa vào nguồn gây quỹ cộng đồng hơn là chính danh và có được sự đầu tư chỉn chu.
"Xu hướng làm phim lịch sử Việt hiện nay chủ yếu là tự phát nên sẽ khó lâu bền, cầm chừng là chủ yếu. Làm phim lịch sử nếu là tư nhân thì phải là tập đoàn lớn hoặc là chủ trương chiến lược văn hóa của cả quốc gia. Khi đó, sự đầu tư, quản lý, nguồn kinh phí từ nhà nước sẽ góp phần tạo ra một dòng phim lịch sử mang tính chính quy và bền vững hơn. Hiện nay, vì là tự phát nên mọi việc như lên ý tưởng, kêu gọi đầu tư, tự sản xuất, tìm kênh phát sóng… nếu không có đam mê lớn, các bạn trẻ rất khó để theo đuổi đường dài. Trong khi đó, các nền điện ảnh lớn xung quanh khu vực đã làm từ lâu bằng chính sách quốc gia để phát triển dòng phim này chứ không thể phó mặc cho tư nhân" - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh bày tỏ.
Thực tế cho thấy mặc dù nhiều khó khăn nhưng nhiều người đam mê vẫn không ngại dấn thân góp sức cho sự thăng hoa giữa lịch sử và phim ảnh. Nhà nghiên cứu cổ vật Tuyết Nguyễn tâm sự nếu không ai đặt những viên gạch đầu tiên thì tất cả chỉ trên giấy, không thể tạo được bất kỳ tiến triển nào.
"Tôi đang cùng ê-kíp nỗ lực nghiên cứu, tạo ra quy chuẩn cho trang phục từ các thời Nguyễn, Lê… một cách sát sao nhất. Để làm được điều này, ngoài đam mê còn phải có tiềm lực tài chính và nhiều yếu tố khác. Khi đã có quy chuẩn, nhà làm phim hay các bạn trẻ mê nghiên cứu lịch sử sẽ không phải loay hoay tìm tư liệu" - nhà nghiên cứu Tuyết Nguyễn lạc quan.
Để sự kết hợp giữa lịch sử và phim ảnh thăng hoa, rõ ràng cần sự hỗ trợ thiết thực từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Trưởng dự án Đuốc Muồi Trần Minh Tuấn cho biết rất mong mỏi cơ quan quản lý hỗ trợ chủ trương, chính sách. "Không cần phía cơ quan quản lý phải chi ngân sách, chúng tôi chỉ cần chủ trương. Chúng tôi cần một sự chính danh chứ không phải tự phát một cách bấp bênh như hiện nay. Đó mới là nền tảng cho sự phát triển bền vững sau này" - Trần Minh Tuấn bộc bạch.
Bình luận (0)