Chuyện kịch xảy ra ở một xóm nhỏ bình dị, cô Út Diệu là hàng xóm của ông Tư, đã dành cả tuổi trẻ để nuôi nấng dạy dỗ đứa cháu trai sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tình yêu thương của Diệu được ví như những đóa hoa hồng dù chịu nhiều thử thách nhưng vẫn nở bừng trong gian khó. Gia cảnh ông Tư cũng "gà trống nuôi con". Ông rất ghét cải lương từ khi vợ ông mê kép hát cải lương bỏ cha con ông ra đi nhưng cô con gái lại say mê bộ môn nghệ thuật này khiến vết thương lòng ông rỉ máu.
Cảnh trong vở “Trời trao của lạ”
Để chia cách tình yêu của con gái lớn với Tùng, cháu của bà Diệu, ông Tư đã dựng hàng rào giữa hai nhà. Nhưng rồi tình yêu của hai trẻ ông vẫn không thể ngăn cản, cả cái việc cô con gái út có giọng ca cải lương ngọt ngào, phút chốc đã được số đông khán giả yêu thích, buộc ông Tư đứng trước lựa chọn: giữ trong lòng vết thương hay buông bỏ để con gái thành danh? Câu chuyện tình xóm giềng không dừng lại ở đó, khi thông điệp "Trời trao của lạ" còn đưa đẩy bà Diệu bị kẻ gian hãm hại, chính ông Tư lại là người vào cuộc, ngăn cản màn lừa tình, gạt tiền của tên Phú, kẻ giả vờ yêu bà Diệu sắp đặt.
Cái kết có hậu khi hai người lớn kết nối tình cảm chân thành. Bà Diệu và ông Tư trở thành những mảnh ghép không thể rời nhau.
Bằng cảm xúc chân thật, các diễn viên đã đi vào vai diễn hết sức nhẹ nhàng. Nghệ sĩ Nhã Thy với giọng ca cải lương ngọt ngào, đã thu hút người xem khi thể hiện nhiều bài ca vọng cổ về thân phận người trẻ mê sân khấu cải lương hôm nay. Có thể nói, nữ đạo diễn Mai Thắm đã có một bản dựng "Trời trao của lạ" đậm chất Nam Bộ.
Bình luận (0)