Nói đơn giản một chút, từ điển là "người thầy", là "khuôn vàng thước ngọc" giúp người đọc, người viết hiểu và sử dụng đúng ngôn ngữ mình dùng.
Hiện nay, nhiều trường đại học của nhiều quốc gia trên thế giới, như Mỹ, Đức, Hàn Quốc…, có khoa tiếng Việt. Do vậy, biên soạn và xuất bản từ điển tiếng Việt là việc làm cần thiết, nhưng không thể làm càn, làm ẩu khiến cho tiếng Việt lệch lạc. Rất tiếc, chúng ta đã có những cuốn từ điển tiếng Việt như thế.
Năm 2001, cuốn "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh" của Vũ Chất có mặt trên thị trường, trong thư viện nhưng mãi cả chục năm sau, người học, người đọc mới phát hiện nội dung sai lệch, nhiều lỗi ngô nghê… không thể chấp nhận được. Sáng 21-10-2014, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức họp báo thông tin về việc thu hồi và tiêu hủy cuốn sách này với lý do cuốn sách có nội dung không chính xác, gây ảnh hưởng không tốt cho xã hội.
Ngày 14-11-2014, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ra văn bản đề nghị thu hồi những cuốn "Từ điển tiếng Việt" của NXB Đồng Nai, gồm 6 cuốn từ điển tiếng Việt dành cho các lớp tiểu học của tác giả Khắc Trí - Trọng Tấn và 2 cuốn từ điển tiếng Việt khác của Chí Hùng - Quang Khang và của Cẩm Nhung - Quang Khang.
Tôi còn nhớ, cùng với việc thu hồi và tiêu hủy cuốn sách "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh" của tác giả Vũ Chất, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có công văn gửi các nhà xuất bản về việc rà soát các loại từ điển. Nếu có những vấn đề cần điều chỉnh, nhà xuất bản phải có biện pháp xử lý kịp thời; "trong quá trình xuất bản các loại từ điển, cần thẩm định nội dung của hội đồng khoa học chuyên ngành".
Thế nhưng, không hiểu sao, năm 2017, NXB ĐHQG Hà Nội lại ấn hành cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" do PGS-TS Hà Quang Năng chủ biên, có nhiều lỗi ngô nghê, nội dung sai lệch như mấy bài phản ánh của tác giả Hoàng Tuấn Công trên Báo Người Lao Động mấy ngày qua. Ngoài nội dung sai lệch, cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" này cũng nhầm lẫn cơ bản như cuốn "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh" của Vũ Chất là không phân biệt được S với X, X với S, D hay GI, TR hay CH, N hay NG, IN hay INH, C hay Q, IU hay ƯU, R hay GI, R hay D...
Trong văn bản gửi NXB ĐHQG Hà Nội, ngày 9-6-2020, về cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt", PGS-TS Hà Quang Năng có viết: "Những trường hợp này, như mục đích biên soạn từ điển của chúng tôi đã nêu trên, đều là những dạng chính tả không chuẩn (hoặc chính xác hơn là chưa chuẩn) nhưng vẫn được sử dụng trong tiếng Việt". Ý này, tôi cho không đúng chút nào với người làm từ điển. Văn nói và văn viết không thể đánh đồng với nhau. Nói thì có thể ngọng chứ viết thì phải chuẩn.
PGS-TS Hà Quang Năng hứa: "Sau này nếu có tái bản, chúng tôi sẽ bổ sung sửa chữa". Một cuốn từ điển như thế mà vẫn để phát hành, chờ có tái bản sẽ bổ sung sửa chữa là sao? Mỗi người cần ý thức được việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải trên cơ sở nói và viết đúng chuẩn mực về phát âm, chính tả chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp và phong cách ngôn ngữ. Cần loại bỏ những yếu tố không phù hợp, làm ảnh hưởng đến sự chuẩn mực, trong sáng của tiếng Việt như Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý đúng với cuốn "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh" của tác giả Vũ Chất trước đây, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Bình luận (0)