Tài năng văn chương của Dostoevsky không chỉ thể hiện qua những tiểu thuyết sử thi kinh điển về đời sống văn hóa tinh thần của xã hội Nga thế kỷ XIX; văn nghiệp của ông còn bao gồm các hình thức truyện ngắn, truyện vừa, trong đó "Двойник" (Dvoinik) được xem là tác phẩm xuất sắc của một Dostoevsky thời kỳ đầu, thể hiện cái nhìn tinh tế và nghệ thuật miêu tả tâm lý tài tình của Dostoevsky.
Bìa sách “Tuy hai mà một”
"Двойник" ra mắt lần đầu năm 1846, sau đó được chính tác giả sửa lại và tái bản năm 1866. Năm 1973, "Двойник" được dịch sang Việt ngữ từ bản Anh ngữ với tựa "Là bóng hay là hình" (NXB Đất Sống). Sau 46 năm, "Двойник" có dịp tái ngộ độc giả Việt Nam qua bản dịch từ nguyên tác Nga ngữ với tựa "Tuy hai mà một" (Phoenix Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019), việc chuyển ngữ do dịch giả Phạm Ngọc Thạch đảm trách.
Yakov Petrovich Golyadkin là viên chức cấp thấp của cơ quan thuộc bộ. Anh ta sớm mang trong mình tâm lý "dưới hầm", tự cách ly bản thân, tránh giao du với mọi người xung quanh. Trong con người anh ta luôn sục sôi những mâu thuẫn; một mặt, khinh thường các đồng sự, cho rằng bọn họ chỉ là những kẻ hời hợt, kém cỏi về mặt trí tuệ, song đồng thời lại nghi ngờ trí thông minh của bản thân rốt cuộc cũng chẳng đem lại lợi ích gì. Trong thâm tâm, anh ta căm ghét xã hội thượng lưu giả dối nhưng đồng thời lại khao khát được công nhận thuộc về xã hội ấy... Trong cơn quẫn trí và thất vọng cùng cực vì bị tống cổ khỏi buổi dạ vũ mừng sinh nhật ái nữ của ủy viên hội đồng quốc vụ, nhân vật chính lang thang trong đêm khuya Petersburg đầy gió tuyết, cái phản đề của anh ta xuất hiện, một Yakov Petrovich Golyadkin giống y hệt từ tên họ cho đến hình dáng bên ngoài. Kể từ đấy 2 nhân vật Golyadkin thứ nhất và Golyadkin thứ hai tồn tại song song với những tính cách hoàn toàn trái ngược.
Nếu Golyakin thứ nhất là người sống khép kín, không thích tham gia những cuộc nói chuyện xã giao và luôn tự tách mình khỏi đám đông thì Golyadkin thứ hai quảng giao và hài hước. Nếu Golyadkin thứ nhất là sự tích lũy của những dồn nén ẩn ức thì Golyadkin thứ hai là sự giải tỏa những ẩn ức dồn nén đó. Golyadkin vừa căm ghét con người có vẻ ngoài giống hệt mình, đồng thời lại muốn kết giao với hắn. Tâm trí Golyadkin là một bãi chiến trường trước sự giằng co giữa hai con người đó...
Qua Golyadkin, Dostoevsky khắc họa một hình ảnh con người lạ lùng: vừa thân thiết vừa hận thù vừa gần vừa xa và luôn giằng xé giữa cái tôi với cái ta - một cuộc chiến giằng co muôn thuở không hồi kết.
Bình luận (0)