Đã bao giờ bạn dừng lại, nhìn xem thế giới xung quanh mình xoay vần thế nào như anh chàng Palomar trong tiểu thuyết "Palomar" (Vũ Ngọc Thăng dịch), tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Italo Calvino.
Tiểu thuyết phi tiểu thuyết
Gọi "Palomar" là tiểu thuyết thì cũng có gì đó hơi lấn cấn. Đầu tiên, nó khước từ tự sự, không có truyện kể, anh chàng Palomar không tiểu sử, không ngoại hình, ta sẽ không nhận ra anh giữa đám đông. Ở giữa đám đông, anh lặng lẽ quan sát về thế giới dưới nhãn quan lý tính, vạn vật đối với anh là những sắc diện, hình thái hệt như cuộc sống được đặt dưới một cỗ máy quan trắc.
Tiểu thuyết “Palomar” xuất bản tại Việt Nam
Palomar quyết định miêu tả lại từng khoảnh khắc đời mình, khởi sự từ những thứ nhỏ nhặt cho đến rộng lớn, từ cái nhìn tiệm cận đến viễn vọng. Càng nhìn ngắm lâu bao nhiêu anh càng nhận ra thế giới vốn không phải như anh thấy, càng cố tìm tính liên đới của vạn vật, anh càng nhận ra tất cả đã vỡ toạc, thành những hiện tượng đơn nhất.
Lạnh lùng, "Palomar" khước từ các hình thức tu từ. Không hoán dụ, không ẩn dụ, không uyển ngữ. Nó không cho ta đắm chìm trong câu chuyện của nhân vật, cảm nhận vẻ đẹp của ngôn ngữ, băn khoăn trước những tư tưởng của tác giả. "Palomar" hiện hữu như thể nó là chính nó, không nên ưu tư vì sự tồn tại của nó trên thế gian này.
Tác phẩm này đã được tạo ra như thế. Dưới bàn tay của bậc thầy Italo Calvino - người mà năm 1968 đã tham gia nhóm Oulipo, có thành viên là các nhà văn và nhà toán học với tôn chỉ tìm kiếm các cấu trúc và mô hình mới có thể được các nhà văn sử dụng một cách tùy thích. Các thành viên của nhóm này như Raymond Queneau trong "Những bài tập phong cách" đã viết đi viết lại 99 lần một trường cảnh chỉ thay đổi phong cách hay Georges Perec viết một cuốn tiểu thuyết gần 300 trang mà không có sự xuất hiện của chữ "e" nào. Chính Calvino trước đó đã viết cuốn "Nếu một đêm đông có người lữ khách" - một tiểu thuyết gồm những đoạn mở đầu của nhiều tiểu thuyết khác nhau. "Palomar" chính là đỉnh cao của Calvino trên tinh thần Oulipo.
Thế giới như ta thấy
Các nhà phê bình thường nhắc nhiều đến cấu trúc của "Palomar". Tiểu thuyết này được chia thành 3 phần lớn, mỗi phần lớn lại chia thành 3 phần nhỏ, mỗi phần nhỏ lại chia thành 3 phần nhỏ hơn. Sự phân chia theo nguyên tắc 3x3x3 này khiến ta liên tưởng đến khối lập phương rubik, gồm 3 tầng. Khi đọc tác phẩm này, người đọc cũng giống như đang cầm trong tay khối rubik, xoay trở thế nào để giải được khối ấy, từng tầng một. Người ta xáo trộn khối rubik như một thách đố cho những kẻ dấn mình vào mê cung của những ô vuông sắc màu, hòa trộn vào nhau, để tìm trong sự hỗn độn ấy một lối đi, một phương thức đưa các màu sắc về lại đồng nhất và trật tự.
Cũng như một ô trong khối lập phương, Palomar nhận mình là "một vật trôi dạt giữa những vật trôi dạt". Thế giới của "Palomar" là thế giới phân tầng, chẻ ba, tứ tán, rời rạc của nhiều cá thể trong một tổng thể. Nó là một thế giới dưới đôi mắt của anh chàng Palomar, loại bỏ những phóng chiếu của trí tưởng tượng về cái toàn cục, vón lại thành những thứ không vượt ra khỏi tầm mắt, cái với tay hay khoảng cách để nghe âm thanh. Điều này được thể hiện trực quan bằng chính văn bản của tiểu thuyết, nơi mà mỗi chương, mỗi phần đều ngắn, chỉ là những phiến đoạn cố thâu hết vào nó cái vũ trụ mà nó phản chiếu hệt như một giọt sương đọng trên lá non có thể chứa trong nó mặt trăng.
Palomar cũng là giọt sương như thế, là một phần của vạn vật và cùng lúc, cũng chứa đựng vạn vật. Anh tồn tại, anh kiểm chứng sự tồn tại của mình, anh xác lập không gian sống, như một thỏi nam châm, xuyên qua cũng bằng cách để cho mình hút lấy tất cả; để nhìn thấy một nền văn minh trong một miếng phô mai, cũng giống như thấy cả cõi sinh diệt trong một dải ngân hà chảy dọc bầu trời.
"Nếu thời gian phải kết cuộc, ta có thể miêu tả nó, khoảnh khắc tiếp nối khoảnh khắc" - Palomar nghĩ - "và mỗi khoảnh khắc, khi được miêu tả, lại tự nở rộng đến mức cái kết cuộc của nó không còn thấy được".
Với tâm niệm đó, Palomar dấn thân vào cuộc tái khám phá thế giới, để không phải tận hưởng mà là bắt trọn từng khoảnh khắc, bằng việc miêu tả, sống trong mọi khoảnh khắc của thế gian, đến khi anh không còn có thể miêu tả được các khoảnh khắc trần thế nữa cũng là lúc anh chạm ngõ cái chết.
Nhà văn tiếng Ý xuất sắc nhất mọi thời đại
Nhà văn Italo Calvino (1923-1985) là một trong những nhà văn tiếng Ý xuất sắc nhất mọi thời đại, từ lâu đã không còn xa lạ với độc giả Việt Nam, các tiểu thuyết của ông hầu hết đều đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt, được bạn đọc Việt Nam đón nhận và phản hồi tích cực như: "Nam tước trên cây", "Tử tước chẻ đôi", "Hiệp sĩ không hiện hữu", "Những thành phố vô hình"...
Giới phê bình nhận định rằng ông là một trong những nhà văn bị giải Nobel bỏ quên. Điều này là đáng tiếc cho giải thưởng hơn là cho Calvino. Bởi từ lâu, ông được xem là bậc thầy của văn chương thế giới với những tác phẩm thách thức sự đọc, đem lại niềm vui được khám phá đối với những ai bước vào chữ nghĩa của Calvino.
Bình luận (0)