Tối 12-5, chương trình Giao lưu - Truyền nghề do Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM tổ chức tại sân khấu Sen Việt, nghệ sĩ Hồng Trang (Giải Mai Vàng lần 27-2021) và đạo diễn Trần Bảo Châu đã có dịp hội ngộ với Kỳ nữ Kim Cương, bày tỏ những suy nghĩ và trao đổi về nghệ thuật sân khấu.
Nhiều diễn viên trẻ từ Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM và Sân khấu kịch Hồng Vân đã đến tham dự chương trình.
Diễn viên Ngọc Bích, NSND Kim Cương, diễn viên Đổng Tường, Huỳnh Nhật Bảo trong chương trình Giao lưu - Truyền nghề (từ trái sang)
Ông Tôn Thất Cần - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM đã bày tỏ sự cảm kích đối với NSND Kim Cương khi bà đã nhiệt tình tham gia chương trình này 3 lần, với 3 chủ đề khác nhau về nghệ thuật sân khấu. Vốn giữ trọng trách ở ba lĩnh vực: quản lý với vai trò trưởng Đoàn kịch nói Kim Cương; tác giả kịch bản và diễn viên chính, NSND Kim Cương đã truyền những kinh nghiệm của bản thân bà cho diễn viên trẻ.
Diễn viên Bảo Kiệt, Yến Phương, NSND Kim Cương, diễn viên Vương Quỳnh Anh, Yến Nhi trong chương trình Giao lưu - Truyền nghề (từ trái sang)
"Tôi không dám cho rằng mình tham gia chương trình này là truyền nghề, vì tôi rời xa sân khấu 20 năm, những kinh nghiệm của tôi so với thời nay đã lạc hậu. Nhưng qua các chuyên đề giao lưu với diễn viên trẻ, tôi muốn truyền lửa yêu nghề để các em ý thức rõ trách nhiệm của người nghệ sĩ. Nghề diễn viên rất thiêng liêng, đó là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, mỗi vai diễn, mỗi vở kịch của mình có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng, cảm hóa được những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực, nên bản thân mình muốn diễn giỏi thì phải có trái tim nhân ái" - NSND Kim Cương đã gửi gắm đến các bạn diễn viên trẻ.
Diễn viên Hồng Trang, NSND Kim Cương, đạo diễn Trần Bảo Châu, nhà báo Minh Phương (HTV) trong chương trình Giao lưu - Truyền nghề (từ trái sang)
Nghệ sĩ Hồng Trang hiện là trưởng nhóm Kịch Đời đang diễn tại Cung Văn hóa Lao Động TP HCM chia sẻ, nhóm kịch của cô có hai nguyên tắc "bất di bất dịch", đó là khi diễn không được "xì cười" khi bạn diễn gặp sự cố, phải tôn trọng khán giả và bạn diễn; thứ hai là không được diễn "mảng miếng ngoài vở", tự ý thêm vào câu thoại những từ ngữ không có trong kịch bản.
Nói về việc này NSND Kim Cương cho rằng đó là điều tối kỵ đối với nghề, bà kể rằng "Mẹ của bà - cố NSND Bảy Nam luôn xem một suất diễn như tình yêu chung thủy, diễn cương, diễn ẩu, lố lăng là bà cho rằng người diễn viên đã phạm tội ngoại tình".
Các diễn viên trẻ Sân khấu kịch Hồng Vân và NSND Kim Cương trong chương trình Giao lưu - Truyền nghề
Đạo diễn Bảo Châu nêu thắc mắc trong trường hợp diễn viên tự ý viết thêm lời thoại vì sợ vai diễn của mình không hay, với vai trò trưởng đoàn và tác giả, NSND Kim Cương sẽ giải quyết việc này như thế nào? NSND Kim Cương phân tích: "Không có vai diễn dở, chỉ có diễn viên tồi. Hồi đó đoàn của tôi có nghệ sĩ Hoàng Mai, ông được giao vai câm, trong 10 phút không được nói một lời nào nhưng phải vượt qua chốt gác của giặc, để về báo tin cho quân khởi nghĩa trong một vở kịch viết về thời kháng chiến chống Pháp. Ông đã sáng tạo cách đóng vai người ngư phủ đi câu cá, dùng ngôn ngữ của người câm để xin qua bót, bằng cách tặng lính canh con cá lóc, ông lôi con cá đạo cụ và diễn bằng cách điều khiển con cá quẩy đuôi rất sống động, khán giả vỗ tay tán thưởng, vai của ông chỉ 10 phút nhưng đêm nào cũng được khán giả hoan nghênh".
NSND Kim Cương và ca sĩ Lý Nhật Thành trong chương trình Giao lưu - Truyền nghề
"Làm trưởng đoàn, làm đạo diễn trước hết phải đối xử với diễn viên như người thân trong gia đình. Mỗi diễn viên là mỗi thế giới, cá tính khác biệt. Nghệ sĩ phần nhiều sống nhạy cảm, dễ bốc đồng, tự ái, phải phân tích, động viên, gợi mở những sáng tạo để làm nên sự khác biệt cho mỗi vai diễn, dù đó là vai phụ. Như má của tôi - cố NSND Bảy Nam, có bao giờ đóng vai chánh đâu, chỉ toàn vai phụ nhưng khán giả vẫn nhớ đến bà" - Kỳ nữ Kim Cương đã làm cho những trái tim non trẻ của thế hệ hậu bối cảm phục.
NSND Kim Cương và diễn viên Trần Thanh Tỉnh - người vừa tạo ấn tượng đậm nét trong vở kịch "Tấm lòng của biển" trên sân khấu kịch Hồng Vân
Diễn viên Ngọc Bích (lớp Nâng cao 3.2 Sân khấu kịch Hồng Vân) hỏi bà vì sao hồi ký mang chủ đề "Sống cho người, sống cho mình?" mà không phải ngược lại, vì mình phải sống tốt trước thì mới đủ sức lo cho người.
Bà giải thích: "Người nghệ sĩ là phải biết thăng hoa cảm xúc, phải biết đặt sự nhân ái lên trên quyền lợi cá nhân. Hồi ký là chuyện viết lách, diễn xuất là chuyện nghề nghiệp, nghệ sĩ có hai con người trong cùng một thân xác, sống cho người để dung nạp những thương yêu, còn sống cho mình chỉ biết giữ những lợi ích bản thân, thì cả đời cũng chẳng lo được cho ai. Nên phải xác định làm nghề diễn viên là sống cho người thì mới diễn giỏi. Cụ thể nhất là ngày tết, lễ, thiên hạ nghỉ ngơi còn mình thì phải đi diễn, đó là sống cho người và nhận lại những thương yêu".
NSND Kim Cương và diễn viên Tường Oanh - người diễn vai Thái hậu Dương Vân Nga trong vở kịch cùng tên trên Sân khấu kịch Phú Nhuận
Hầu hết các diễn viên trẻ đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với NSND Kim Cương, bà không giấu số tuổi thật của mình, đã 86 tuổi nhưng vẫn bôn ba làm công tác thiện nguyện và tích cực tham gia "đứng lớp", đồng hành với Ban Lý luận Phê bình của Hội Sân khấu TP HCM.
Bà nói: "Hôm trước Hội Sân khấu TP HCM kết nạp hơn 50 hội viên mới, tôi khóc vì thương các bạn trẻ. Ngày nay bộn bề công việc mưu sinh vẫn bám chặt với ngôi nhà của Hội, cho thấy sự khởi sắc của sân khấu và có một thế hệ diễn viên trẻ làm nghề tử tế".
"Tôi vô cùng xúc động và hãnh diện vì có rất đông các bạn thế hệ trẻ đã tiếp nối con đường mà tôi đã đi hơn 70 năm. Gần đây các vở diễn như: "Thái hậu Dương Vân Nga", "Tấm lòng của biển", "Macbeth"...đã giành vai chính cho các diễn viên trẻ, tạo cơ hội cho họ thăng hoa trên sân khấu" - kỳ nữ Kim Cương bộc bạch.
Bình luận (0)