Từ bao giờ tháng ba trở thành một thời điểm lay động tâm thức chúng ta? Lướt nhanh qua trường liên tưởng sẽ gặp: Tháng ba, mùa chay, lễ lá (Công giáo), "Thanh minh trong tiết tháng ba" ("Truyện Kiều" của Nguyễn Du), "Lễ hội tháng ba" (Martin Heidegger), "Tháng ba ở Tây Nguyên" (Nguyễn Khải), "Tháng ba gãy súng" (Cao Xuân Huy)... Tháng ba như vậy đã là một cổ mẫu văn hóa mang tầm nhân loại.
Chạm vào cổ mẫu này bằng cảm quan lịch sử hòa quyện trong bút pháp văn chương, Lê Khải Việt như vừa có một trực giác nào đó kết tinh từ hành trình đọc, vừa nắm bắt được những ám ảnh không thôi của cộng đồng Việt, cứ lại đến mùa lại trào lên xao xác.
Hẳn đã nung nấu nhiều ngày cho một khởi đầu mới lạ, Lê Khải Việt (nhà giáo, biên tập viên) gần như băng qua những cái đọc, cái nhìn, gắn với tâm cảm xã hội trong dòng chảy văn nghệ đương đại thế giới, bước vào khu vườn văn chương, chạm đôi chân tuổi gần bốn mươi của mình trên "cỏ xám".
Những ám ảnh đã kết thành, không từ "những điều trông thấy" hôm nay, mà từ phù sa kiến thức. Những dòng chữ đã bật ra không phải từ bản năng nghệ thuật mà là từ những quan sát về kỹ thuật. Và như vậy, "Chuyến bay tháng ba" như là giao điểm của nhiều chất liệu khác nhau mà tác giả không ngại ngần phô ra trước chúng ta; cũng như các yếu tố liên văn bản (hiển lộ và ẩn ngầm) cùng hội tụ, hòa điệu hay nghịch âm trong từng truyện ngắn.
Lê Khải Việt không kể chuyện theo lối thông thường. Truyện gọn mà không thể đọc nhanh, thậm chí phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới lần được mạch truyện: có những mê cung ở đó. Độ đục mờ của văn bản rõ rệt nơi các suy tư đậm sắc về lịch sử, náu mình nơi các ẩn dụ, các huyền tố, các diễn ngôn bỏ lửng, các đối thoại tay đôi truy vấn tưởng chừng chỉ ở cấp độ cá nhân.
Ký ức tháng ba của Lê Khải Việt
Xuyên suốt các truyện là nguyên tắc vòng loang, từ một nét rất nhỏ tưởng chừng không đáng nói ("Tấm ảnh, ánh nhìn: Người đàn ông trung niên"; "Tấm ảnh, phù điêu: Đấu tranh"; "Tấm ảnh, bài hát: Năm anh em trên một chiếc xe") bỗng trở thành một thôi thúc không rời, một câu chuyện gia đình đầy kịch tính mang dư vang lịch sử, một cuộc đối thoại xuyên lục địa bằng chữ giữa hai người bạn mà vết hằn năm tháng không đáng kể bằng vết hằn văn hóa.
Các điểm nhìn của nhân vật di động không ngừng, từ các nhân vật người Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam (Người đàn ông trung niên, Nước đen, Chuyến bay tháng ba) đến các nhân vật người Việt ở các thế hệ trẻ già khác nhau (trong các truyện còn lại). Không gian và thời gian cũng xê dịch tương ứng (Việt Nam, Mỹ; nông thôn, đô thị; các địa điểm chiến trường xưa; gia đình, lứa đôi; quá khứ; hiện tại). Các khớp nối của cấu trúc truyện lỏng lẻo, hụt hẫng, bất ngờ. Tính đa sắc và đa âm quyện vào nhau, bề bộn, ngổn ngang, như cái thời chúng ta đang sống.
Lê Khải Việt đã chọn nhiều cách viết khác nhau cho các truyện ngắn của mình. Là hiện thực huyền ảo (Đấu tranh, Nghiên cứu); là liên văn bản hiển lộ (Chuyến bay tháng ba); là đối thoại văn chương, văn hóa, tâm lý (Tháng ba ở ngã ba mà chúng ta, Năm anh em trên một chiếc xe, Ăn tối); là ẩn dụ và ký hiệu (Bốn mùa của vùng sa mạc, Truyện số...); là hình sự (Nước đen).
Trong cách đọc thiên về dung hòa của tuổi già, tôi thích nhất hai truyện: "Tháng ba ở ngã ba mà chúng ta" và "Nước đen". Lý do đơn giản là ở đó tôi đã tìm thấy tính dẫn truyền của văn chương, đã nhận được từ chúng một hiệu ứng trọn vẹn: với tác phẩm thứ nhất, tôi xúc động trước những biểu đạt tinh tế về một trải nghiệm tương thông tinh thần quý giá; với tác phẩm thứ hai, tôi rùng mình kinh sợ trước cái ác: có những guồng máy, những vũng lầy như nghiệp chướng, mà con người khi bước chân vào đó, sẽ không có cơ hội lấy lại tính người. Xóm Gò, 18-5-2021
Bình luận (0)