Tình trạng vi phạm bản quyền gần như đã xảy ra ở mọi lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, văn học, sân khấu kịch, cải lương... khiến những người làm nghề bức xúc.
Cần đối xử tử tế với nhau!
Trong lá đơn gửi đến Hội Sân khấu TP HCM, bà Lê Thị Thiên Hương - vợ của cố nhạc sĩ Thanh Dũng (ông đã qua đời vì dịch Covid-19) - cho biết sau khi NSƯT Bửu Truyện mất thì toàn bộ những kịch bản của cha chồng đều do nhạc sĩ Thanh Dũng - con trai trưởng tiếp nối và quản lý. "Ngày 28-6, NSƯT Vũ Luân có đăng bài trên trang cá nhân (Facebook) là được quyền sử dụng độc quyền kịch bản "Xử bá đao Từ Hải Thọ" của ba chồng tôi, với sự cho phép của vợ ông là nghệ sĩ Thanh Thế và con gái là cô Nguyễn Thị Thanh Liên; về vấn đề này thì tôi và hai cháu nội của NSƯT Bửu Truyện vẫn chưa được biết và thông qua, mọi việc đều được phía NSƯT Vũ Luân và bên phía em chồng tôi tự quyết định. Tôi và hai cháu không chấp nhận việc kịch bản này được bất cứ một cá nhân, tổ chức nào sử dụng độc quyền" - bà Hương đã viết trong đơn.
Một cảnh trong vở kịch “Tía ơi, má Dzìa!” của Sân khấu IDECAF, vở kịch đã từng bị xâm phạm bản quyền. (Ảnh: VŨ MINH)
Bà Thiên Hương cho biết thêm, hiện mẹ chồng là nghệ sĩ Thanh Thế bị đãng trí và không làm chủ được quyết định của mình, nên NSƯT Vũ Luân nói rằng mẹ chồng đã ủy quyền cho anh là không thể chấp nhận được.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, NSƯT Vũ Luân cho biết: "Qua 23 năm làm nghề, tôi đã diễn rất nhiều suất kịch bản cải lương này. Trên thực tế, kịch bản này của hai tác giả: Đào Việt Anh và Bửu Truyện, có cả sự tham gia sáng tác của NSƯT Thanh Thế nhưng bà chỉ để tên của chồng. Tôi đã nhận giấy ủy quyền được phép sử dụng và khai thác kịch bản này từ gia đình soạn giả Đào Việt Anh. Chị Hằng (tức Nguyễn Thị Thanh Liên - PV), em gái của anh Thanh Dũng, cũng đồng ý cho tôi độc quyền khai thác. Nghĩa là tôi được sự đồng thuận của cả hai tác giả. Tôi có công chứng cụ thể giấy xác nhận. Còn chuyện tranh chấp bản quyền của các con của cố NSƯT Bửu Truyện là chuyện của gia đình, tôi không bình luận".
Người trong cuộc cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự việc tranh chấp này là do các phía thiếu sự trao đổi với nhau, không quan tâm đến những vấn đề về quyền thừa kế của các con tác giả. "Nếu có thêm chữ ký đồng ý của chị Thiên Hương - vợ của cố nhạc sĩ Thanh Dũng thì sẽ hợp lý, hợp tình hơn. Quả thật là từ khi anh Thanh Dũng qua đời, chị Hương một mình nuôi hai con trong hoàn cảnh rất khó khăn. Là người trong nghề rất cần sự tử tế trong đối xử với nhau" - NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, bày tỏ.
Đăng ký quyền sở hữu
Thời gian gần đây, trên lĩnh vực sân khấu đã có không ít nghệ sĩ vô tư "cầm nhầm" những trích đoạn cải lương tuồng cổ, kịch bản sân khấu mà không hề xin phép tác giả. Chiều 8-7, trong cuộc họp mặt của CLB Phóng viên Sân khấu, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu IDECAF, cho biết vở kịch "Thử thách thần chết" của Công ty TNHH Gia Bảo, tức nghệ sĩ Gia Bảo, trên thực tế là vở "Phép lạ" của tác giả Nguyễn Quốc mà Sân khấu IDECAF đã dàn dựng.
"Gia Bảo ngang nhiên lấy kịch bản này dự thi Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc đầu năm 2021 tại TP HCM nhưng không thông qua sân khấu chúng tôi. Tôi có hỏi tác giả Bùi Quốc Bảo (tức Nguyễn Quốc - PV) thì được biết Gia Bảo có xin phép tác giả nhưng trên thực tế đó là bản dựng của Sân khấu IDECAF" - ông Tuấn bức xúc.
Diễn viên Gia Bảo đã từng "ăn cắp" lời thoại, mảng miếng của vở "Tía ơi, má Dzìa!" của Sân khấu IDECAF để tham gia chương trình "Sao nối ngôi". Và khi NSƯT Thành Lộc lên tiếng chỉ trích thì diễn viên này mới vội vàng… xin lỗi. Và chỉ thời gian ngắn sau đó, Gia Bảo lại một lần nữa phạm lỗi khi tái dựng vở "Đời cô Lựu" nhưng không xin phép gia đình cố NSND Huỳnh Nga, khi gia đình lên tiếng thì mới đến nhà xin lỗi.
Nhóm kịch "Đời" cũng từng bị phản ứng vì vô tư dàn dựng chuyển thể từ cải lương sang kịch từ các vở kinh điển như: "Bên cầu dệt lụa"; "Tô Ánh Nguyệt"… mà cũng không xin phép tác giả. Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết ông đã bị nhiều đồng nghiệp trẻ lấy kịch bản của mình dựng để báo cáo tốt nghiệp hoặc quay truyền hình nhưng không xin phép.
Đã từng nhiều lần bị "ăn cắp" ngang nhiên như thế, nên nghệ sĩ Bình Tinh đã mang toàn bộ kịch bản của mẹ mình - cố nghệ sĩ Bạch Mai, đến Cục Bản quyền để đăng ký sở hữu.
Theo các nhà chuyên môn, để góp phần cải thiện tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, những người trong cuộc cần lưu tâm hơn trong việc bảo vệ "đứa con tinh thần" của mình. Bản thân chủ sở hữu các kịch bản văn học cần ý thức trong việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Việc làm này không chỉ giúp chủ sở hữu có quyền sử dụng chính tác phẩm của mình,mà còn giúp chủ sở hữu có thể tiến hành các biện pháp hành chính và hình sự để xử lý các hành vi xâm phạm bản quyền.
Bình luận (0)