Nhiều dự án phim Việt chuyển thể, phóng tác từ các tác phẩm văn học, truyện tranh, khai thác chất liệu mang nét riêng của văn hóa dân tộc sẽ ra rạp Việt trong năm 2020. Đây là tín hiệu vui cho thấy nhà làm phim Việt không chỉ cố gắng mang những nét đẹp đặc trưng của Việt Nam lên màn ảnh rộng thông qua bối cảnh, âm nhạc, phục trang mà còn từ chính đường dây câu chuyện.
Nguồn tài nguyên quý
Một trong những tác phẩm điện ảnh sử dụng chất liệu văn hóa dân gian được kỳ vọng trong năm 2020 là "Trạng Tí" do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, Hãng Studio 68 sản xuất. Đây là phim chuyển thể từ bộ truyện tranh "Thần đồng Đất Việt" - được phát hành trong hơn 15 năm qua với 200 tập truyện và gần 1 triệu bản in. "Trạng Tí" đang ở giai đoạn hậu kỳ, dự kiến ra rạp từ ngày 1-5. Qua video clip quảng bá đầu tiên, phim giới thiệu một Ninh Bình thơ mộng trên nền ca khúc "Cò lả". Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho hay ngoài Ninh Bình, phim còn quay cảnh ở rừng Nam Cát Tiên. "Tôi có hoài bão lớn với điện ảnh Việt, mong thông qua đó giới thiệu văn hóa dân gian Việt với công chúng trong nước và thế giới. Tôi muốn họ cảm nhận được vẻ đẹp của cây đa đầu làng, khói lam chiều trên những mái tranh vách đất mộc mạc, bọn trẻ cưỡi trâu hò reo… "Trạng Tí" là cơ hội lớn để góp phần thực hiện hoài bão này" - Phan Gia Nhật Linh bộc bạch. Anh khẳng định câu chuyện của phim này là một sự sáng tạo riêng của ê-kíp làm phim.
“Trạng Tí” sử dụng bối cảnh đẹp, êm ả của Ninh Bình. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Bên cạnh "Trạng Tí", những phim phóng tác, chuyển thể từ văn học Việt cũng được công chúng chờ đợi là "Cậu Vàng" (chuyển thể từ truyện ngắn "Lão Hạc" của nhà văn Nam Cao) và "Kiều" (phóng tác từ "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du). Trong đó, phim "Kiều" do công ty của diễn viên Mai Thu Huyền sản xuất, thông báo bấm máy vào tháng 4, sau khi chọn được bối cảnh cùng diễn viên. "Kiều" sẽ được quay ở Huế, Cao Bằng, Quảng Trị, Quảng Bình và Phú Thọ. Huế chiếm 70% bối cảnh cả phim. Một tác phẩm khao khát mang nét riêng của Việt Nam ra thế giới ở khía cạnh khác là "Võ sinh đại chiến", dự kiến ra rạp tháng 9, nhằm góp phần quảng bá võ thuật Việt với chất liệu chính là võ Bình Định.
Vượt qua nhiều khó khăn
Trước tiên là kinh phí làm phim thường rất cao do phải dựng bối cảnh nên khó kiếm nhà đầu tư đồng cảm. Để tìm bối cảnh phù hợp, ê-kíp làm phim "Trạng Tí" gặp nhiều thách thức, dù Việt Nam phong cảnh thiên nhiên đẹp, nhiều cảnh chưa xuất hiện trên màn ảnh rộng. "Một trong những thử thách chúng tôi đối mặt là tìm ngôi làng Phan Thị. Chúng tôi đến các làng cổ Việt nhưng hầu như đều bị hiện đại hóa phần nào, cũng không còn nằm trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Vì thế, chúng tôi quyết định dựng một ngôi làng. Cái khó thứ hai là tìm hang động lớn. Đa phần hang động đẹp muốn đưa vào phim lại đang được bảo tồn, rất khó cho đoàn phim vào quay" - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh kể.
Nhật Linh cho biết thêm ở rừng Nam Cát Tiên, đoàn gặp khó trong di chuyển, đặt thiết bị cũng như đối mặt với côn trùng, các loài bò sát... Ngoài khó khăn về bối cảnh, "Trạng Tí" là tác phẩm có các diễn viên nhí đóng chính nên đòi hỏi đạo diễn phải biết cách làm việc cùng. Không chỉ làm bạn để hiểu, khai thác cảm xúc riêng của mỗi diễn viên, đạo diễn đôi lúc buộc "đóng vai ác" để đẩy diễn viên nhí vào hoàn cảnh có cảm xúc gần với cảm xúc cần thể hiện của nhân vật.
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng chia sẻ phim "Trạng Tí" mất hơn 2 năm thực hiện và là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Studio 68. Tuy nhiên, công sức và chi phí bỏ ra là xứng đáng vì mang những câu chuyện phim đậm màu sắc dân gian thuần Việt đến với khán giả là khát vọng của cô và ê-kíp thực hiện.
Trong các cuộc hội thảo bàn về vấn đề xây dựng nét đặc trưng của nền điện ảnh Việt, vai trò của cơ quan quản lý cũng được người tham dự nêu lên trước tiên. Với những nhà sản xuất tư nhân, việc sản xuất phim khai thác văn hóa dân tộc hiện nay là một lối đi mang tính tự nguyện, dù cơ hội thắng doanh thu không chắc chắn. Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, sự hỗ trợ từ nhà nước thông qua đặt hàng hoặc tài trợ cho những phim có nội dung như thế này là rất cần thiết, nhằm động viên nếu muốn xây dựng nền điện ảnh Việt mang bản sắc văn hóa Việt.
Tìm kiếm nét đẹp khác biệt
Các nhà làm phim Việt khai thác ngày càng nhiều chất liệu dân gian hoặc các giá trị khác trong kho tàng văn hóa dân tộc đồ sộ được đánh giá là tín hiệu vui cho thị trường. Nhiều người trong giới nhận định chỉ có văn hóa dân tộc, nét riêng của mỗi nền văn hóa khác nhau được định hình mới có thể giúp điện ảnh của quốc gia đó tiến xa. Bởi nó sẽ góp phần tạo nên các giá trị khác biệt, mang đậm nét đặc trưng mà chỉ dân tộc đó sở hữu. Hàn Quốc thành công khi đưa trọn vẹn văn hóa của họ vào phim, từ ẩm thực, thời trang, hiện thực xã hội, lối sống... Dù đó là thể loại cổ trang hay hiện đại, Hàn Quốc vẫn tạo được nét riêng mà khi xem phim, khán giả nước khác có thể nhận ra. Thời gian qua, điện ảnh Việt phát triển nhưng hầu hết các phim đều bị nhận định là thiếu nét đặc trưng.
Tại hội thảo "Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế" diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21 vừa qua, PGS-TS Trần Thanh Hiệp - giảng viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - cho rằng phim Việt hiện tại mang đến sự giải trí bên ngoài nhưng cảm xúc tự hào dân tộc, hồn cốt quốc gia chưa có. Phim vui là chính, nhợt nhạt và còn theo lối mòn những phim ăn khách nước ngoài.
"Tôi rất vui khi ngày càng nhiều người quan tâm đến chất liệu văn hóa dân tộc, vì thông qua đó, những chất liệu này sẽ lại có đời sống mới trong thời đại mới" - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bày tỏ.
Bình luận (0)