Trước khi được tôn vinh bằng nhiều giải thưởng trong lễ trao giải Cánh diều vừa diễn ra, phim truyền hình "Thương nhớ ở ai" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh - Bùi Thọ Thịnh thu hút đông đảo khán giả suốt thời gian lên sóng và để lại ấn tượng đối với giới chuyên môn. Giới sản xuất phim nhận ra rằng làm mới tác phẩm điện ảnh hay truyền hình ăn khách của Việt Nam cũng là giải pháp cho tình trạng thiếu kịch bản hay của phim Việt hiện nay.
Chất xúc tác
"Thương nhớ ở ai" là bản phim truyền hình dài tập chuyển thể từ tiểu thuyết "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng. Trước đây, vào năm 2000, phim điện ảnh "Bến không chồng" do đạo diễn Lưu Trọng Ninh chuyển thể kịch bản, đạo diễn và đóng vai nam chính, từng tạo ấn tượng với khán giả điện ảnh. Trong phiên bản truyền hình này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh có nhiều "đất" để thỏa sức sáng tạo, miêu tả chi tiết và khắc họa rõ nét về làng Đông, cảnh đời bế tắc của Vạn, Nhân, Hơn, Hạnh... hơn bản điện ảnh cũng của mình trước đó. Một bản làm mới từ phim Việt ăn khách thành công.
Cảnh trong phim "Thương nhớ ở ai" của Lưu Trọng Ninh. (Ảnh do nhà sản xuất phim cung cấp)
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng chia sẻ trên các phương tiện truyền thông rằng "Thương nhớ ở ai" là tác phẩm đầu tư công phu, làm đến 3 năm. Phim quay bối cảnh ở 6 tỉnh, từ 18 ngôi làng khác nhau, sau đó đưa các cảnh quay vào làm kỹ xảo để nối lại thành một ngôi làng. So với thời điểm "Bến không chồng" bản điện ảnh ra mắt, những yếu tố kỹ thuật quay dựng hiện đại được áp dụng phần nào giúp làng Đông hiện lên sống động hơn. Dù chiến tranh đã qua từ lâu, cuộc sống nông thôn Việt đổi mới và khác biệt nhưng khán giả vẫn đón nhận những tác phẩm khơi gợi ký ức, đậm chất Việt như thế này.
Nhiều người trong giới cho rằng sự thành công từ "Thương nhớ ở ai" cũng là chất xúc tác quan trọng cho nhiều dự án làm mới khác. Trong đó, những dự án đáng chờ đợi có bản điện ảnh của phim truyền hình "Người phán xử", bản điện ảnh của tác phẩm truyền hình kinh điển: "Đất phương Nam".
"Người phán xử" bản điện ảnh do ê-kíp đạo diễn Quang Huy thực hiện còn "Đất phương Nam" do các tên tuổi Nguyễn Vinh Sơn, Nguyễn Minh Cao, Nguyễn Quang Dũng hợp sức. Phim truyền hình "Người phán xử" tuy là tác phẩm Việt hóa nhưng được đánh giá đậm chất Việt, truyền tải được thông điệp nhân văn, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Kịch bản là quan trọng nhất
Một phim phiên bản mới dù là điện ảnh hay truyền hình cũng thách thức không kém đối với đội ngũ thực hiện so với phim gốc. "Tôi thấy bất kỳ thể loại phim nào từ Việt hóa, chuyển thể hay làm mới, kịch bản vẫn là yếu tố quan trọng nhất" - biên kịch Trần Khánh Hoàng nhận định. Kịch bản giữ vị trí tiên quyết, sau đó là các yếu tố tổng hòa tạo nên thành công cho phim: đạo diễn, diễn xuất của diễn viên, hình ảnh, âm thanh... Mặc dù tạo phiên bản mới trên nền kịch bản tốt có sẵn, được kiểm chứng qua thực tế nhưng để thu hút khán giả, đòi hỏi ê-kíp thực hiện cần nhiều sáng tạo mang tính đặc thù. Những sáng tạo này sẽ giúp phiên bản có điểm nhấn, khác biệt phim gốc, câu chuyện phim cũng phải mang hơi thở thời đại hơn. "Làm phiên bản truyền hình từ phim gốc điện ảnh, biên kịch sẽ dễ dàng viết lại kịch bản hơn so với làm phim điện ảnh từ phim truyền hình nhiều tập. Điện ảnh chỉ gói gọn trong thời lượng nhất định còn truyền hình nhiều tập, thời lượng dài, đủ "đất" để biên kịch hư cấu thêm tình tiết, tạo cao trào câu chuyện. Điểm quan trọng của phim làm mới là cần biên kịch hiểu tác phẩm, biết rõ điểm cốt lõi của mạch phim để thêm, bớt hợp lý, thuyết phục khán giả. Đấy là lý do nhiều biên kịch của phim gốc được mời làm biên kịch cho phiên bản mới" - biên kịch Thanh Hương nêu quan điểm.
Với phim "Thương nhớ ở ai", do từng viết kịch bản cho bản điện ảnh "Bến không chồng" nên khi viết kịch bản cho phiên bản truyền hình, đạo diễn Lưu Trọng Ninh có lợi thế trong việc tạo nên câu chuyện mới mẻ, cuốn hút hơn. Trong dự án phiên bản điện ảnh "Đất phương Nam", đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn giữ vai trò biên kịch. Ông cũng từng là biên kịch và đạo diễn bản truyền hình rất thành công trước đây. "Chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị nên chưa thể nói gì nhiều về dự án phim này. Tôi vẫn đang viết kịch bản, đây là khâu quan trọng phải lo trước" - đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ. Theo những thông tin được công bố trước đó, phim sẽ quay mất một năm để khai thác đúng cảnh sắc theo mùa của đất - rừng Nam Bộ. Trong thời kỳ công nghệ phát triển, khán giả lẫn người trong giới kỳ vọng được thấy lại một "Đất phương Nam" mới mẻ và không kém phần hấp dẫn trên màn ảnh rộng.
Thị trường điện ảnh Việt vẫn đang sôi động, những xu hướng mới dù là Việt hóa, chuyển thể hay làm mới tác phẩm cũ vẫn được công chúng đón nhận. Nhưng giới chuyên môn cũng cảnh báo rằng tác phẩm kinh điển đều từng tạo dấu ấn đậm trong lòng khán giả nên phiên bản mới muốn thành công buộc phải có yếu tố đặc biệt hơn từ câu chuyện đến diễn xuất của diễn viên. Làm mới thiếu sáng tạo, không có hơi thở thời đại, đóng khung nhàm chán trong câu chuyện vốn quen thuộc với khán giả sẽ dẫn đến thất bại.
Tạo chất riêng, mang hơi thở thời đại
"Thị trường phim Việt vẫn thiếu kịch bản hay nên nhà làm phim phải tìm cái mới từ Việt hóa kịch bản phim hay của nước ngoài, chuyển thể từ các tác phẩm văn học ăn khách và cả làm mới những phim điện ảnh, phim truyền hình được xem là kinh điển sang bản truyền hình hoặc điện ảnh. Việc tận dụng những kịch bản đã thành công nhất định, được công chúng yêu thích để làm phiên bản mới cũng là giải pháp tốt cho vấn đề khan hiếm kịch bản hay của điện ảnh và truyền hình hiện nay" - nhà báo Cát Vũ nhận định. Biên kịch Thanh Hương cũng cho rằng một kịch bản tốt hoàn toàn có thể làm mới nhiều lần và việc nhà làm phim quan tâm làm mới những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt là tín hiệu vui. Trên thế giới, việc làm mới tác phẩm kinh điển là chuyện bình thường nhưng làm thế nào để có chất riêng, mang hơi thở thời đại lại không dễ dàng.
Bình luận (0)