Sau thành công của "Xóm trọ 3D", nhà sản xuất phim này dự kiến chuyển thể những vở kịch ăn khách khác sang điện ảnh. Một số dự án chuyển thể khác cũng đang chờ ngày ra rạp: "Hợp đồng mãnh thú" (chuyển thể từ vở kịch cùng tên), "Mang thai tuổi 17" (chuyển thể từ truyện ngắn của Võ Anh Thơ)...
Chiếu kịch lên màn ảnh rộng
Có sẵn cốt truyện hay, lượng người hâm mộ nhất định nhưng để tạo ra được tác phẩm chuyển thể chinh phục khán giả không dễ. Nhất là phim chuyển thể từ kịch dễ bị sân khấu hóa, một lỗi mà phim "Thần tiên cũng nổi điên" từng mắc phải và bị chỉ trích. Nghệ sĩ Thanh Hoàng, tác giả vở "Dạ cổ hoài lang", chấp bút chuyển thể vở kịch sang điện ảnh, cho biết: "Câu chuyện kịch thường kể thông qua đối thoại của nhân vật. Trong khi đó, câu chuyện phim lại được kể thông qua hình ảnh, đối thoại chỉ khi thật sự cần mới đưa vào. Đây là cái khó khi chuyển từ một tác phẩm kịch sang điện ảnh".
Một cảnh trong phim "Dạ cổ hoài lang", tác phẩm kịch chuyển thể. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Biên kịch Đinh Mạnh Phúc, chuyển thể vở kịch "Xóm trọ 3D" lên phim, chia sẻ: "Tôi lo lắng khi chuyển thể tác phẩm này dù tác phẩm gốc cũng do mình viết. Tác phẩm kịch dành cho một đối tượng khán giả khác, còn điện ảnh lại dành cho đối tượng khán giả trẻ hơn. Nếu ngôn ngữ điện ảnh không tốt, thiếu sự truyền tải, chúng tôi khó chinh phục được họ. Kịch nhiều thoại, tính ước lệ cao, khán giả tưởng tượng nhiều còn phim hình ảnh hóa những điều cần tưởng tượng. Các yếu tố hài hoặc bi lạm dụng quá đà đều không tốt, cần sự vừa phải".
Thêm vào đó, phim chuyển thể bao giờ cũng chịu sự so sánh với bản gốc. Một số khán giả chỉ trích phiên bản điện ảnh và khẳng định nó chưa hay bằng kịch hoặc truyện từng xem. Nghệ sĩ Thanh Hoàng nhận định khi chuyển thể kịch sang phim, bắt buộc phải có sự thay đổi, nếu không sẽ rơi vào trường hợp chiếu kịch lên màn ảnh rộng. Vấn đề ở đây là thay đổi cái gì, thay đổi như thế nào để kịch là kịch, phim là phim, cả hai cùng hay dù được kể lại bằng ngôn ngữ khác nhau. Để làm được điều này, tài năng đạo diễn rất quan trọng.
Thiếu hơi thở cuộc sống
Những tác phẩm được chọn chuyển thể sang phim thường có đời sống riêng, ra mắt khán giả từ lâu, bối cảnh xa xưa. Nhất là những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đa phần mang tính hoài niệm về một thời đã xa, đậm chất thơ, tưởng tượng phong phú. Nó không có nhiều yếu tố mới của thời đại, những điều thu hút giới trẻ, vốn là lượng khán giả đến rạp thường xuyên. Hiểu điều này, các nhà sản xuất cũng nỗ lực thay đổi, thêm chi tiết vào phiên bản để tạo sự mới mẻ hơn. "Để phim mới hơn kịch, tôi và đạo diễn cập nhật cái mới về cộng đồng người đồng giới vào "Xóm trọ 3D". Thực tế, phiên bản phim khác đến 50% kịch gốc. Tôi cũng lo ngại thị hiếu khán giả hiện nay nên cố gắng truyền tải hơi thở cuộc sống vào nhân vật thông qua lời thoại, cuộc sống sinh hoạt. Câu chuyện ngôn tình giữa nhân vật chính được đẩy lên để phù hợp xu hướng thích ngôn tình của người trẻ" - biên kịch Mạnh Phúc bộc bạch.
Một cảnh trong phim "Xóm trọ 3D", tác phẩm kịch chuyển thể. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ anh cố gắng làm mới "Dạ cổ hoài lang" bằng góc nhìn của người trẻ, đẩy mạnh tiếng nói của cô cháu gái chứ không chỉ nhấn vào nỗi nhớ quê hương của 2 nhân vật chính.
Để tạo kịch tính so với truyện gốc lãng mạn bình lặng, câu chuyện thầy giáo có tình cảm với học trò được tác giả kịch bản chuyển thể kiêm đạo diễn Phan Gia Nhật Minh đưa vào phim "Cô gái đến từ hôm qua" thông qua nhân vật lớp trưởng Chiêu Minh và thầy thể dục.
Tuy nỗ lực nhưng nhiều người trong giới nhận định phim chuyển thể Việt chưa thành công trong việc mang hơi thở cuộc sống hôm nay vào tác phẩm. Việc chuyển thể vẫn còn nặng tính an toàn, bám sát tác phẩm gốc, chưa dám bứt phá, sáng tạo. "Hiện nay, thị hiếu khán giả thay đổi nhiều, họ thích những câu chuyện hài hước nhưng thực tế, gần gũi với cuộc sống hiện đại hơn. Phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học hoặc vở kịch khiến người xem thấy lạ, muốn biết khi lên phim tác phẩm sẽ thế nào. Một vài lần đầu, khán giả vì tò mò có thể ra rạp xem nhưng nếu làm tiếp dòng phim này mà không sáng tạo, sẽ khó thu hút khán giả" - ông Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Poly, cho biết.
Theo đạo diễn Nguyễn Phương Điền, những phim chuyển thể có bối cảnh xưa cũ, nặng hoài niệm dẫu cố gắng thêm thắt vài nét mới cũng khó tạo sự thu hút với người trẻ. Đặc biệt, một cảnh trong không gian tưởng tượng trên sân khấu kịch có thể tạo xúc động với khán giả nhưng khi đưa lên màn ảnh rộng với hình ảnh rõ ràng, sự truyền tải cảm xúc lại giảm xuống. Nó đòi hỏi biên kịch và đạo diễn dám phá bỏ rào cản an toàn, mạo hiểm để mang đến một câu chuyện mới lạ trên cái nền sẵn có. Điện ảnh thế giới không ít tác phẩm chuyển thể thành công dù phá bỏ hoàn toàn bối cảnh xưa cũ như "Romeo và Juliet" phiên bản hiện đại do Leonardo DiCaprio đóng chính.
Nhiều phim đạt doanh thu cao
Nhiều nhà sản xuất cho biết họ gặp khó khăn lớn trong việc tìm kiếm kịch bản hay ở thời điểm điện ảnh Việt đang tăng số lượng. "Trong hàng trăm kịch bản nhận được đôi khi chúng tôi không tìm ra được kịch bản tốt nào để đưa vào sản xuất phim" - nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh nói. Để giải quyết vấn đề kịch bản, ngoài giải pháp làm phim Việt hóa phim ăn khách của nước ngoài, một số nhà sản xuất tìm kiếm kịch bản của những vở kịch ăn khách, tác phẩm văn học hấp dẫn để chuyển thể. Ngoài yếu tố khan hiếm kịch bản, nhiều người trong giới lý giải thêm do dòng phim này doanh thu khá nên nhiều nhà sản xuất đổ xô khai thác. Ngoài những tác phẩm thuần nghệ thuật như "Cha cõng con", "Đảo của dân ngụ cư"..., phim chuyển thể ra rạp thời gian qua đạt chất lượng đều có lợi nhuận: "Quả tim máu" đạt doanh thu hơn 70 tỉ đồng, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" 80 tỉ đồng, "Xóm trọ 3D" hơn 32 tỉ đồng, "Cô gái đến từ hôm qua" gần 70 tỉ đồng...
Bình luận (0)