Thói quen nghe nhạc miễn phí của công chúng đang dần được sắp đặt lại khi rất nhiều ca sĩ Việt ý thức mình làm âm nhạc là để bán chứ không phải đem cho như lâu nay vẫn làm đối với các trang nhạc số.
Muốn nghe chất lượng phải chi tiền
Không khó tìm thấy những kênh YouTube riêng của các ca sĩ Việt như Mỹ Tâm, Hà Trần, Lệ Quyên, Noo Phước Thịnh, Trung Quân Idol, Issac, Soobin Hoàng Sơn, Tóc Tiên, Uyên Linh… và cả những ca sĩ gạo cội như Tuấn Ngọc. Sản phẩm của họ cũng không thiếu trên Apple Music Việt Nam.
Mỹ Tâm là một trong những ca sĩ tiên phong trong cuộc chiến nghe nhạc trả phí và gặt hái thành công Ảnh: LEON
Các ca sĩ cho biết thu nhập từ việc kinh doanh nhạc này không nhiều. Dù giới trẻ thích nghe nhạc số nhưng việc họ bỏ tiền ra mua nhạc thực sự không đáng kể. Thậm chí, lượng tiêu thụ album của một giọng ca đứng đầu tốp album bán chạy nhất trên iTunes Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định cũng chỉ nằm ở mức 60 bản.
Thực tế, thu nhập đáng kể cho nghệ sĩ khi tham gia vào thị trường nhạc trả phí là nhạc chuông, nhạc chờ. Vậy nên, việc kéo người nghe nhạc đến với các trang nhạc có phí chỉ là xây dựng thói quen mới cho họ mà thôi. Nó hoàn toàn không nằm trong hoạch định kiếm lợi nhuận của ca sĩ Việt hiện nay bởi những trang mạng đang cho nghe nhạc miễn phí vẫn tồn tại tràn lan. Thậm chí, những ông lớn về nhạc số khi nhảy vào thị trường Việt cũng rất "chiều lòng" người tiêu dùng với mức phí "không đáng kể".
Apple Music đưa ra chế độ cho dùng thử miễn phí 3 tháng, sau đó tính mức 60.000 đồng/tháng, nghe nhạc bản quyền chất lượng cao thỏa sức. Khi vào thị trường Việt Nam, Spotify giới thiệu ngay 2 gói dịch vụ: miễn phí và tính phí cho người dùng. Mức thu phí áp dụng tại thị trường Việt Nam với dịch vụ tính phí là 59.000 đồng/tháng. Bà Sunita Kaur, Giám đốc điều hành của Spotify khu vực châu Á, nói: "Khi Spotify tiếp cận Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, chúng tôi nhận ra có rất nhiều người sử dụng nhạc không bản quyền. Để những người nghe nhạc này thay đổi thói quen của họ, chuyển sang nghe nhạc trả phí ngay thì rất khó. Do vậy, chúng tôi đưa ra các lựa chọn cho phép họ sử dụng dịch vụ Spotify miễn phí hoặc trả phí, tất nhiên sự khác biệt là chất lượng. Điều này giúp chuyển dần những người đang sử dụng nhạc vi phạm bản quyền sang sử dụng có bản quyền nhưng miễn phí, trước khi họ có đủ điều kiện và thay đổi nhận thức để chuyển hẳn sang sử dụng dịch vụ trả phí. Đó là con đường và lựa chọn của chúng tôi để góp phần điều chỉnh thói quen của người nghe nhạc cũng như chống lại nạn xâm phạm bản quyền trong âm nhạc".
Thu bằng quảng cáo
Ngoại trừ ca sĩ trẻ chưa nổi tiếng sẵn sàng cho không bản quyền để các trang kinh doanh nhạc số lăng-xê, quảng bá cho mình, hầu hết các ca sĩ có tên tuổi đều biết khai thác lợi thế của mình khi tạo ra các trang nhạc riêng, tìm kiếm lợi nhuận từ nguồn thu quảng cáo. Giống như các trang kinh doanh nhạc số khác, nguồn thu của nghệ sĩ chính là quảng cáo. Ở tất cả các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến (kể cả các trang dịch vụ về phim ảnh) miễn phí, người nghe sẽ phải chấp nhận một vài bất tiện so với bản trả phí, như bị gián đoạn bởi quảng cáo, chất lượng stream sẽ thấp hơn, không thể tải xuống để nghe offline. Như vậy, doanh thu được tính bằng các spot quảng cáo với chi phí cho một spot không thua kém giá quảng cáo trên truyền hình.
Hầu hết các ca sĩ từ ngôi sao đến ca sĩ trẻ thực hiện các sản phẩm âm nhạc video clip và phát miễn phí trên kênh YouTube của riêng mình nhưng đều mang lại doanh thu khá, chỉ cần có lượng người nghe nhiều. Với những ca sĩ ngôi sao, doanh thu của một MV (video music) rất lớn khi thường có khá nhiều spot quảng cáo chèn trong các MV. Chưa kể những giọng ca tên tuổi còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các nhãn hàng muốn tài trợ cho MV đó. Ngay cả các đơn vị trung gian, kết nối nghệ sĩ với các kênh nhạc số thế giới như YouTube hay Apple Music cũng đổ tiền đầu tư cho các MV của nghệ sĩ để được chia lợi nhuận sau khi MV ra mắt. "Một MV triệu view (lượt người xem) được trả tiền bản quyền khá tốt" - ca sĩ Noo Phước Thịnh thông tin.
Các đơn vị kinh doanh nhạc trực tuyến đều đang ứng dụng dữ liệu để nâng cao hiệu quả xuất hiện của các sản phẩm quảng cáo. Nhiều khả năng doanh thu quảng cáo sẽ trở thành nguồn thu chủ yếu của các công ty kinh doanh nhạc số tại một thị trường mà công chúng vốn chưa quen với việc phải trả tiền để nghe nhạc.
Theo nghiên cứu của Spotify, doanh thu của ngành quảng cáo trực tuyến toàn cầu hiện đạt 1,5 tỉ USD, được kỳ vọng sẽ đạt 7 tỉ USD vào năm 2020. Bà Joanna Wong, Trưởng Bộ phận Tiếp thị doanh nghiệp của Spotify, cho biết hiện công ty này đã cung cấp nền tảng quảng cáo trực tuyến cho hơn 3.500 thương hiệu trên toàn thế giới; trong đó bao gồm một số công ty như Unilever, General Motor, Canon, KFC, Intel... Quảng cáo sẽ được chèn vào những tài khoản của người nghe nhạc miễn phí.
Điều kiện kinh doanh rộng mở
Đã có hàng trăm nghệ sĩ Việt Nam tham gia bán nhạc trên mạng xã hội. Đại diện của Pops Worldwide - công ty trung gian trong việc ký kết cho hơn 400 nghệ sĩ Việt tham gia các mạng xã hội lớn như YouTube, Apple - cho hay các ràng buộc của Apple đối với nghệ sĩ có mặt trên hệ thống của họ không quá khắt khe. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là nghệ sĩ phải bảo đảm mình đích thị là chủ sở hữu bản quyền các sản phẩm âm nhạc cung cấp để được chia sẻ lên iTunes (nằm trong hệ thống với Apple Music).
Bình luận (0)