Sau phim "Cha cõng con", đạo diễn Lương Đình Dũng đang thực hiện dự án phim "578" chủ đề ấu dâm với kinh phí dự kiến 60 tỉ đồng. Anh sử dụng phương thức "crowdfunding" - kêu gọi góp vốn từ cộng đồng với mục tiêu huy động 32 tỉ đồng. Đây là phương thức các nhà làm phim trẻ từng thực hiện với dự án phim ngắn, phim độc lập nhưng kinh phí thường không quá lớn.
Hướng đi mới của người mê làm phim
Hiện Việt Nam có một số nền tảng gọi vốn cộng đồng: Betado.com, Comicola.com, Fundstart.vn... Phim ngắn thành công với hình thức gọi vốn này có "Bạn cùng phòng" do Nguyễn Lê Hoàng Việt đạo diễn, Josh Levy (Nguyễn Lê Hằng) - giám đốc điều hành Ever rolling films, sản xuất. Nhà sản xuất Josh Levy chia sẻ: "Chúng tôi bắt đầu gọi vốn trên nền tảng Fundstart từ tháng 11-2016, khoảng 3 tháng sau vượt mục tiêu với 92,3 triệu đồng. Chúng tôi đã thực hiện bước 1 với khoảng 50% công việc trước khi bắt đầu gọi vốn để làm bước 2. Sau gọi vốn, dự án phim này tiếp tục thực hiện, đến tháng 1-2018 đã hoàn tất, đưa đi tham dự các liên hoan phim quốc tế. Với thành công từ việc gọi vốn đợt này, tôi nghĩ đây là phương thức khả thi sẽ tiếp tục cho các dự án tiếp theo".
Những hình ảnh casting (thử vai) phim "578". (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt từng cho biết trên các phương tiện truyền thông có thể tìm được nhà tài trợ cho dự án của mình nhưng dễ bị họ chi phối. Với việc gọi vốn cộng đồng, mọi người hiểu dự án, thích thì mới ủng hộ. Đây cũng là cách để đo phản ứng khán giả về phim trước khi hoàn thành.
Những nền tảng gọi vốn cộng đồng hiện nay. (Ảnh cắt từ màn hình)
Quyết định chọn phương thức "Crowdfunding" cho dự án phim "578", đạo diễn Lương Đình Dũng tự lập trang web kêu gọi. Anh bày tỏ: "Thực tế, tôi không nắm được tình hình về các hình thức kêu gọi đóng góp làm phim ở Việt Nam. Hơn nữa, dự án phim hành động "578" có những tiêu chí riêng nên tôi muốn có một trang web riêng để sau này còn cập nhật tin tức liên quan đến quá trình quay, phát hành... tác phẩm của mình". Theo anh, trên thế giới, việc kêu gọi đóng góp từ cộng đồng cho một dự án phim rất phổ biến và dễ thành công. Đây là phương thức tốt để điện ảnh phát triển chung, các phim độc lập có cơ hội được thực hiện. Ở Việt Nam, phương thức này còn mới mẻ nên việc khó khăn là chuyện biết trước nhưng anh tin dự án "578" của mình sẽ kêu gọi đủ kinh phí.
Có thể hạn chế tiêu cực bằng pháp lý?
Nhiều người trong giới cho rằng gọi vốn cộng đồng là cánh cửa giúp đỡ các nhà làm phim độc lập. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, những dự án thương mại hoặc huy động số vốn quá lớn rất khó có thể kêu gọi thành công thông qua hình thức này. Bởi cộng đồng Việt dẫu có người đam mê họ cũng đắn đo khi góp tiền cho dự án chỉ biết qua mạng mà không trực tiếp tham gia sản xuất, phát hành. Thêm vào đó, những quyền lợi trả lại cho người ủng hộ được xây dựng theo nhiều gói (vài trăm ngàn đồng đến vài trăm triệu đồng) phần lớn là quà tặng mang giá trị tinh thần nhiều hơn vật chất. Nghĩa là những người ủng hộ số tiền càng lớn, quà tặng nhận về càng nhiều nhưng đa phần gắn liền với tác phẩm, như: vé tham dự công chiếu, DVD, CD, quà lưu niệm, lời cảm ơn,... Nó thích hợp với những phim ngắn phi thương mại, cần nguồn kinh phí thấp hoặc một giai đoạn nào đó trong lộ trình kinh phí của phim độc lập hơn là trọn vẹn cả bộ phim.
Với dự án phim thương mại, chi phí lớn như "578" nếu các gói đầu tư cao sẽ có phần phân chia lợi nhuận khi phim ra rạp thành công nhưng tỉ lệ thế nào thì không được công bố.
"Chúng tôi thường phải xem xét kế hoạch của nhà làm phim để xem dự án có khả thi không rồi tư vấn gọi vốn bao nhiều là phù hợp" - bà Phạm Thu Hằng, người sáng lập nền tảng Fundstart, chia sẻ. Trước những lo ngại quanh vấn đề sử dụng tiền đóng góp sai mục đích, không trả quyền lợi cho người ủng hộ, bà Thu Hằng khẳng định có pháp lý bảo vệ. Bà Hằng cho biết trước khi bắt đầu nhận giới thiệu dự án, phía môi giới làm việc cùng chủ dự án nhiều lần đủ để xác định tính trách nhiệm, tâm huyết của họ. Sau khi thống nhất, đôi bên còn có hợp đồng ràng buộc với những điều khoản như thường xuyên cập nhật tiến trình dự án, tiến độ trả quyền lợi cho người ủng hộ.... Gọi vốn thành công, phía chủ dự án trả phí cho nền tảng gọi vốn nhưng nếu không thành công sẽ chẳng mất phí. Những dự án không thành công, số tiền quyên được phải hoàn trả lại cho phía người đóng góp. "Ngoài sự giám sát của cộng đồng, chúng tôi thường xuyên liên hệ phía chủ dự án gọi vốn thành công. Nếu phát hiện họ không thực hiện đúng kế hoạch đề ra, trễ thời hạn trả quyền lợi cho người ủng hộ..., chúng tôi có quyền khởi kiện ra tòa" - bà Thu Hằng nói.
Nhiều sản phẩm ra đời từ "Crowdfunding"
"Crowdfunding" là phương thức góp vốn cộng đồng quen thuộc ở nước ngoài với những ý tưởng sáng tạo hoặc dự án nghệ thuật từ người trẻ. Trên thế giới, nhiều dự án phim gọi vốn cộng đồng thành công, cho ra tác phẩm như phim "Lazer Team" (2012), đạo diễn: Matt Hullum, gọi vốn 2,5 triệu USD (mục tiêu ban đầu 650.000 USD); "Veronica Mars" (2013), đạo diễn: Rob Thomas, gọi vốn thành công với hơn 5,7 triệu USD; phim "Wish i were here" (2013), đạo diễn: Zach Braff, gọi vốn hơn 3,1 triệu USD...
Tại Việt Nam, phương thức này tuy mới nhưng phát triển nhanh ở các dự án xuất bản sách, truyện tranh, album nhạc. Những dự án nổi bật huy động vốn thành công theo kiểu này có truyện tranh "Truyền thuyết Long Thần Tướng", dự án "Hoa văn đại Việt", sách ảnh "Taylor Swift Việt Nam", album "Ngọt"... Ở lĩnh vực phim, mức kinh phí luôn đòi hỏi cao nên độ thành công của phương thức gọi vốn kiểu này thấp. Tuy vậy, các dự án phim ngắn, phim độc lập, phim hành trình du lịch có tính cộng đồng vẫn chọn hình thức này để trang trải kinh phí.
Các nhà làm phim Việt đưa các dự án phim của mình lên nền tảng gọi vốn quốc tế nhưng đa phần đều không thành công. Việc gọi vốn quốc tế chỉ có phim "Saigon Electric" của cố đạo diễn người Mỹ gốc Việt Stephane Gauger thực hiện cùng Chánh Phương Films là thành công với 13.100 USD vào năm 2013.
Bình luận (0)