Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh công bố chuyển thể tác phẩm "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng lên màn ảnh rộng, phim đang ở giai đoạn tiền sản xuất và hứa hẹn mang đến "món ăn" mới cho khán giả. Trước đó, nhiều dự án chuyển thể văn học khác như: "Kiều", "Cậu Vàng"... đang trong quá trình sản xuất cũng góp phần nối dài danh sách chuyển thể các tác phẩm văn học lên màn ảnh rộng.
"Gia vị" khác cho khán giả
"Số đỏ" là tác phẩm văn học trào phúng đặc trưng cho phong cách hiện thực phê phán của Vũ Trọng Phụng, từng được nhiều lần chuyển thể lên phim, sân khấu kịch. Một tác phẩm nặng tính giễu nhại, mỉa mai những sự giả dối, kệch cỡm trong xã hội thời bấy giờ không phải dễ để chuyển thể lên màn ảnh rộng mà vẫn truyền tải được trọn vẹn giá trị vốn có. Vì thế, dù nổi tiếng, đến nay "Số đỏ" mới lần đầu xuất hiện ở màn ảnh rộng. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết anh luôn xem "Số đỏ" là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam có đời sống mãnh liệt vượt mọi thời đại, không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Mặc dù ra đời từ rất lâu nhưng đến nay, tính châm biếm, trào phúng của tác phẩm vẫn nguyên giá trị. "Điện ảnh Việt Nam trong thời gian dài thiếu vắng những phim trào phúng, dòng phim tôi rất yêu thích. Chính vì thế, tôi rất háo hức khi được chuyển thể tiểu thuyết "Số đỏ" lên màn ảnh" - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bày tỏ. Anh khẳng định đây sẽ là tác phẩm điện ảnh khác biệt với những bộ phim trước do anh đạo diễn, khi vừa mang màu sắc hài hước châm biếm, đồng thời đặt ra những vấn đề thời sự phê phán xã hội. Nó hứa hẹn mang đến "gia vị" khác cho khán giả. "Tôi cũng muốn thử thách bản thân khi tái hiện lại xã hội Việt Nam những năm 1930 với sắc thái độc đáo" - Phan Gia Nhật Linh nói.
Áp-phích giới thiệu phim “Số đỏ” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
"Số đỏ" chỉ mới ở giai đoạn đầu nhưng thông tin về dự án đủ sức khiến những ai yêu mến tác phẩm văn học này kỳ vọng, mong chờ. Nhiều người trong giới cho rằng "Số đỏ" đã từng thành công trên sàn kịch, truyền hình thì vẫn có khả năng thành công trên màn ảnh rộng khi được thể hiện đúng giá trị tác phẩm văn học kết hợp sự sáng tạo của đạo diễn.
Bà Nghiêm Thị Phương Hằng, cháu gái út của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, cũng nhìn nhận việc chuyển thể "Số đỏ" lên màn ảnh rộng có có ý nghĩa đặc biệt với gia đình. Bởi việc được tái hiện nhiều lần trên cả sân khấu cũng như màn ảnh cho thấy giá trị và sức sống mãnh liệt của tiểu thuyết, cũng như giúp tác phẩm đến gần hơn với thế hệ sau.
Thử thách mạo hiểm
Gần đây, khán giả Việt được thưởng thức các phim điện ảnh được chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Cô gái đến từ hôm qua", "Mắt biếc". Điều đáng nói, cả 3 phim này đều đạt doanh thu cao và nhất là "Mắt biếc" thu hơn 172 tỉ đồng. Doanh thu tốt là động lực khiến nhiều nhà làm phim mạnh dạn khai thác tác phẩm văn học. Hẳn nhiên, việc chuyển thể này phải được đầu tư chỉn chu, sáng tạo hợp lý, không phá hỏng hình tượng các nhân vật đã được khắc họa sâu đậm trong lòng khán giả. Để làm được điều đó không dễ.
Ê-kíp "Mắt biếc" từng thổ lộ tốn rất nhiều thời gian mới tìm được diễn viên phù hợp vai Ngạn và Hà Lan trong 1.400 ứng viên. Cả hai có ngoại hình hợp với miêu tả của nhà văn và cũng hợp với đại đa số suy nghĩ của người yêu mến tác phẩm về nhân vật. Điều này góp một phần lớn vào thành công của phim. Nhà sản xuất Mai Thu Huyền cũng thừa nhận áp lực khi tìm kiếm diễn viên hóa thân vai nàng Kiều trong phim "Kiều", chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Nhân vật chú chó trong phim "Cậu Vàng" cũng là thử thách của nhà làm phim.
Ngoài thử thách diễn viên, phim chuyển thể từ văn học còn khó khăn ở bối cảnh. Bởi mốc thời gian càng lùi xa, càng phải dựng bối cảnh phù hợp, tốn nhiều chi phí. Ê-kíp sản xuất phim "Số đỏ" cho biết họ sẽ phải xây dựng bối cảnh, tìm kiếm đạo cụ, trang phục những năm 1930, dự kiến tốn kém không ít. Trước đó, phim "Mắt biếc" quay chủ yếu ở Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế cũng phải dựng bối cảnh những năm 1960-1970 với nhiều đạo cụ, phục trang đi kèm.
Tốn nhiều kinh phí, vất vả trong dàn dựng nhưng phim chuyển thể từ văn học còn phải đối mặt với hiệu quả doanh thu phòng vé. Ngoài những người say mê tác phẩm gốc, tò mò đi xem tác phẩm văn học quen thuộc lên phim, phim chuyển thể này khó thu hút số đông khán giả trẻ, đối tượng thường xuyên đến rạp vì khoảng cách thế hệ, không dễ đồng cảm.
Theo biên kịch Thanh Hương: "Chuyển thể tác phẩm văn học lên phim có nhiều lợi thế về cốt truyện, kịch bản nhưng cũng nhiều thách thức, mạo hiểm. Những tác phẩm hoài niệm về tình yêu còn dễ kết nối cảm xúc nhưng khi đề cập đến vấn đề bức xúc, đau đáu trong xã hội nếu làm không tới sẽ khó thuyết phục khán giả".
Nhà báo Cát Vũ cho rằng trào lưu đưa tác phẩm văn học lên màn ảnh rộng dù không ít thách thức, mạo hiểm nhưng vẫn đáng khích lệ. Hiện nay, khán giả không phân biệt phim nghệ thuật, thương mại hoặc phim ở thể loại nhất định nào. Một tác phẩm hay, thuyết phục được số đông thì dù ở thể loại nào vẫn có thể thành công doanh thu.
Cân bằng trong thưởng thức tác phẩm điện ảnh
Đa phần, các dự án điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học trước đây đều không thắng lớn doanh thu nhưng được giới chuyên môn đánh giá cao, gặt hái nhiều giải thưởng điện ảnh: "Trăng nơi đáy giếng" chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Trần Thùy Mai; "Chuyện của Pao" chuyển thể từ tác phẩm "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của nhà văn Đỗ Bích Thủy; "Mùa len trâu" dựa trên tác phẩm cùng tên trong tập truyện "Hương rừng Cà Mau" của nhà văn Sơn Nam; "Cánh đồng bất tận" được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Về sau, những phim chuyển thể: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Cô gái đến từ hôm qua", "Mắt biếc" thành công về doanh thu mới tạo thêm động lực cho nhà làm phim khai thác dòng phim này. Sự có mặt của dòng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học này đã làm cân bằng trong thưởng thức tác phẩm điện ảnh của công chúng.
Bình luận (0)