Hội thảo do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2021) và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Ban tổ chức đã nhận được 128 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Con số 110 bài được lựa chọn chính là món quà tri ân, thể hiện tấm lòng kính yêu, biết ơn vô hạn của các cơ quan đồng tổ chức cũng như các nhà nghiên cứu kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất.
Bìa cuốn kỷ yếu hội thảo khoa học “Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước: Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại”
Sách gồm 1.000 trang, tái hiện chân thực và đầy đủ hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh cũng như ý nghĩa của sự kiện đó đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sách gồm 4 phần nội dung: "Từ thành phố này Người đã ra đi"; "Hành trình tìm đường cứu nước"; "Người đi tìm hình của nước"; "Hồ Chí Minh sống mãi".
Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời cảng Sài Gòn mang theo khát vọng lớn lao của cả dân tộc là tìm được con đường cứu nước để mang lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
Hành trình tìm đường cứu nước (1911-1941) và cả cuộc đời dành cho cách mạng, cho đất nước, cho nhân dân đã minh chứng một cách rõ nét công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam, cũng như vai trò của Người đối với phong trào cách mạng thế giới trong cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ban tổ chức hy vọng cuốn kỷ yếu sẽ góp phần giúp độc giả có thêm những hiểu biết toàn diện, sâu sắc trong quá trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua đó, tiếp tục khẳng định ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của sự kiện ngày 5-6-1911 và hành trình đi tìm đường cứu nước của Người, góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến các thế hệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế.
Bình luận (0)