Sân khấu IDECAF sau nhiều thành tựu vang dội khi dàn dựng kịch sử Việt, cụ thể là "Vua thánh triều Lê" (Giải Mai Vàng năm 2012), "Tiên Nga" (Giải Mai Vàng năm 2018), hiện đã phối hợp với Đồng ấu Bạch Long, dàn dựng các vở sử Việt biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Nón lá (Cung Văn hóa Lao động TP HCM).
Nhập cuộc
Ban Giám đốc Cung Văn hóa Lao động TP HCM cũng "bật đèn xanh" cho CLB Sân khấu Lạc Long Quân biểu diễn tại Hội trường A (55B Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM) phục vụ miễn phí đối tượng khán giả là công nhân lao động với vở "Thái hậu Dương Vân Nga", lần lượt điểm diễn này sẽ ra mắt thêm các vở sử Việt: "Trần Quốc Toản ra quân", "Dũng tướng Nguyễn Địa Lô", "Ngô Quyền", "Trang sử hào hùng", "Tự Đức dâng roi"…
Nhà hát Thế giới trẻ cũng đã có thêm điểm diễn mới là sân khấu Trường Múa TP HCM. Nơi đây sẽ tái diễn vở "Thành Thăng Long thuở ấy" (đạo diễn - NSND Giang Mạnh Hà). Đây được xem là nỗ lực của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM nhằm góp phần lan tỏa tinh thần yêu sử Việt đến với giới trẻ.
Vở “Thái hậu Dương Vân Nga” sẽ diễn phục vụ miễn phí khán giả tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM tối 10-9
Sân khấu Sen Việt (5B Võ Văn Tần, quận 3) cũng đưa lên sàn tập vở "Vương triều" (tác giả Bích Ngân, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt), sau khi tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô, sẽ diễn thường xuyên tại địa điểm này để phục vụ công chúng.
Sân khấu Kịch Hồng Vân cũng ráo riết tập vở "Công chúa Ngọc Hân" cho dàn diễn viên trẻ; Công ty Sử Việt của nhà thiết kế thời trang Sỹ Hoàng đưa vở "Khóc giữa trời xanh" lưu diễn tại nhiều trường học, cơ quan, xí nghiệp, trung tâm văn hóa, được các doanh nghiệp ủng hộ.
Cần sớm có hội đồng thẩm định
Theo các nhà chuyên môn phần lớn những vở diễn sử đều lấy cảm hứng từ những nhân vật có công lao, có ảnh hưởng lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Lồng ghép vào kịch bản những thông điệp nhân văn, lấy câu chuyện trong lịch sử truyền tải bài học giáo dục đến với khán giả. Thực tế cho thấy trong thời gian qua đã có nhiều tác phẩm có thể xem là khuôn mẫu như: "Câu thơ yên ngựa", "Tô Hiến Thành xử án", "Bão táp Nguyên Phong", "Bức ngôn đồ Đại Việt", "Trưng Nữ Vương", "Mặt trời đêm thế kỷ", "Tiếng trống Mê Linh", "Bài ca giữ nước", "Lý Thánh Tông chọn người tài", "Ỷ Lan coi việc nước", "Lý Nhân Tông học làm vua"…
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đề tài lịch sử vẫn luôn là mảnh đất trù phú để các nhà biên kịch, đạo diễn và diễn viên lấp đầy những sáng tạo. Tuy nhiên, nếu làm không chuẩn mực dễ sa vào việc "minh họa lịch sử. "Điều công chúng quan tâm ở vở diễn là cái nhìn về lịch sử trong lăng kính của con người đương đại. Cần sớm có một hội đồng thẩm định kịch bản sử Việt tại TP HCM, nhà nước cũng cần có chiến lược tạo điều kiện, làm "bà đỡ" cho sân khấu sử Việt tồn tại, phát triển" - NSND Trần Minh Ngọc nêu ý kiến.
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, để đạt được mục tiêu "lấy câu chuyện trong lịch sử truyền tải bài học giáo dục đến khán giả", thì đội ngũ sáng tác phải tự nghiêm khắc khi viết kịch bản, biết dừng lại ở mức cho phép sự hư cấu không làm lệch lạc câu chuyện lịch sử, có như vậy mới giúp khán giả tiếp nhận những thông tin chính thống về lịch sử.
Những người trong cuộc cho rằng trong thời gian vừa qua, sân khấu TP HCM đã dựng nhiều vở mới về đề tài lịch sử. Trong bối cảnh sân khấu đang gặp nhiều khó khăn, các sân khấu xã hội hóa vẫn cho ra đời vở sử bằng đồng vốn của từng đơn vị. Do vậy cần có sự quan tâm đúng mức của các đơn vị liên quan thông qua các kế hoạch, chiến lược đầu tư dài hơi cho mảng đề tài này.
Bình luận (0)