xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làng quê mùa nam nóng

Bài và ảnh: Phi Tân

Trời nam nóng. Gió kéo từng cơn khô khốc qua những lũy tre làng.

Cứng như lá tre mà cũng phải héo quắt lại, bạc đi. Nước ở ao hồ trong làng kiệt dần. Lúa vừa mới lên xanh cần nước để nuôi ngọn nhưng sông thì đã bị nhiễm nước mặn từ phá Tam Giang dâng lên nên người làng chỉ còn biết chờ mưa. 

Có những buổi chiều, những người đàn ông trong xóm tôi kéo ra ở ngã ba đầu xóm để chờ mưa khi những đụn mây đen ùn ùn kéo về vây kín cả góc trời phía núi. Thế nhưng, chờ mãi mà trời vẫn không đổ mưa. Những ánh mắt mệt mỏi và lo lắng hiện rõ trên từng gương mặt đen đúa của những người nông dân quanh năm cắm mặt trên từng thửa ruộng để sinh nhai, nuôi nấng con cái...

Làng quê mùa nam nóng - Ảnh 1.

Mùa gió nam về, cỏ cây khô héo, các ao nước cạn dần

Gió nam thổi mạnh vào buổi trưa khi mặt trời đứng bóng cuộn theo những đợt bụi đất lên giữa không trung và gió cứ rin rít từng cơn khô khốc đến chiều tối. Tôi nhớ có một buổi trưa hè, gió nam mạnh lắm, chúng như thổi ra từ những lò lửa khổng lồ nào đó làm cái nóng ban trưa cứ như thiêu như đốt. Cả nhà tôi đang ăn bữa trưa thì chú Trai, cán bộ xã từ dưới ủy ban xã lên kêu ba tôi: "Anh giúp tụi em chuyện ni với, quan trọng lắm!". Ba tôi bỏ đũa hỏi: " Chuyện chi quan trọng rứa chú?". Thì ra có một ông người Ấn Độ của một tổ chức nhân đạo nào đó về xã tôi để xem đời sống của người dân nông thôn khổ cực ra sao mà viện trợ.

Theo sự sắp xếp của chú Trai, ba tôi qua nhà của bác Toàn hàng xóm đóng vai chủ nhà đội cái nón rách, vác cái cuốc đi ra đứng trước sân. Vừa lúc ông Ấn Độ theo chú Hòa, chủ tịch xã và chú Trai là phó chủ tịch ở dưới ủy ban xã đi lên. Theo ông Ấn Độ là một cô phiên dịch xinh xắn, lanh lẹ, nói giọng Bắc ngọt ngào. Tất nhiên đó là chuyện lạ ở làng tôi, nên từ con nít đến người lớn của cả xóm tôi kéo tới nhà bác Toàn để coi. Ba tôi bắt tay chào ông Ấn Độ rồi dẫn ông đi vô căn lều tuềnh toàng của bác Toàn. Đó là một căn lều tranh, phên che chắn tạm bợ bởi mấy tấm tre đan, nắng rọi vô từng mảng nóng nực. Theo kịch bản của chú Trai thì ba tôi nói cuộc sống nông thôn tụi tui cực lắm, cũng cần sự giúp đỡ của mấy ông. Cô phiên dịch nói lại rồi dịch lời ông Ấn Độ nói cho mọi người cùng nghe. Chú Hòa, chú Trai gật gật cái đầu ra vẻ đã hiểu. Gió nam cứ thổi ào ào vào căn lều trống hoác nền đất của nhà bác Toàn làm bụi đất bay lên mù mịt; thêm mấy con chó sủa ăng ẳng vì thấy người lạ đến nhà.

Ông Ấn Độ đi rồi, mọi người có mặt hôm đó mới bàn tán chuyện chắc sắp tới họ sẽ viện trợ cho nhà ông Toàn rồi mấy nhà của xóm mình nữa sửa lại nhà, lát thêm cái sân gạch. Chú Trai kết thúc câu chuyện: "Chắc họ sẽ viện trợ cho xã mình nhưng phải từ từ thôi, bà con đừng quá nôn nóng...".

Lại một ngày trời nam nóng. Khoảng 9 giờ sáng, thấy anh Túy xách cái bao tạ đựng áo quần đi ra đường kêu: "Đi thôi tụi bây ơi!". Tôi hỏi: "Mấy anh đi mô mà gấp gáp rứa?". Anh Túy làm ra vẻ bí mật: "Tụi tau đi Sài Gòn làm ăn, có chi Tết về sẽ có quà cho mấy đứa con nít tụi bây nghe!".

Bốn thanh niên trong xóm là các anh Túy, Sót, Tùng, Nhân, người bao kẻ bị đi như chạy xuống bến đò ông Minh theo chuyến đò của hợp tác xã chở lúa vô Huế nhập kho để tìm đường vô Sài Gòn làm ăn.

Chuyện những thanh niên xóm Kế của tôi đi Sài Gòn râm ran cả xóm sau đó là cả làng suốt cả mấy ngày liền. Người tin thì ít mà kẻ ngờ thì nhiều về khả năng thành công của chuyến đi lập nghiệp đầy ngẫu hứng của mấy thanh niên làng quê nghèo. Và khoảng chừng mấy ngày sau thôi thì đã có câu trả lời khi 3 trong 4 anh trở về làng.

Người không thấy về là anh Nhân. Hỏi 3 chú kia thì biết anh Nhân bị lạc ở bến xe Đà Nẵng. Bác Toàn gái khóc lóc thảm thiết, gọi tên anh Nhân rồi trách móc mấy anh kia đành đoạn, nỡ bỏ bạn bỏ bè giữa đường chừ không biết đi lạc chốn mô rồi. Tiếng khóc của bác Toàn gái càng thê thiết hơn trong buổi chiều gió nam nóng thổi xao xác qua xóm làng. Bác Toàn trai vừa đi làm đồng về đang mệt, nghe tin anh Nhân không về lại nghe vợ gào khóc gọi tên con, nổi máu Trương Phi lên bác bật cái hộp quẹt châm lửa đốt luôn cái lều tranh. Lửa gặp gió nam nóng nên cái lều tranh cháy phần phật trong ánh mắt hoảng hốt của bà con chòm xóm.

Cũng may, khi đó trời đã chiều, đàn ông trong xóm đi làm đồng đã về nhà hết nên người xô kẻ thùng nhanh tay dập tắt đám cháy kịp thời. Rồi mấy ngày sau thì anh Nhân cũng về tới làng và bác Toàn gái cũng khóc nhưng lần này là nước mắt chan chứa mừng rỡ vì đứa con trai đã trở về nhà nguyên vẹn.

Chuyện những thanh niên trong xóm của tôi đi Sài Gòn mấy ngày rồi trở về bây chừ hầu như những người ngang lứa của chúng tôi trở về trước ở làng ai cũng còn nhớ cả. Nhớ nhất vẫn là mấy câu vè của mấy đứa con nít xóm Kế đã đặt nên: "Sài Gòn đi dễ khó về/ khi đi thì bốn khi về còn ba/ mụ (bà) Toàn vừa khóc vừa la/ ông Toàn thắp lửa đốt cha nhà lều...".


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo