Thế nhưng, "cái ngữ" là gì? Do đặt câu hỏi ấy, nhiều người (như tôi) bèn lật từ điển tìm hiểu "cái ngữ" hình dáng ra làm sao mà ngày xưa người ta dùng để đong lường? Tìm có mà toi cơm! Thật ra, ngữ là một cách nói hàm nghĩa "chừng mực", như "Việt Nam tự điển" (1931) đã giải thích.
"Ăn tiêu có ngữ" là tiêu xài chừng mực, "liệu cơm gắp mắm", chứ nếu "vung tay quá trán", "chơi xả láng sáng về sớm" có ngày bị gậy là cái chắc. Ngữ cũng chỉ hạng người mà mình xem thường, khinh bỉ: "Cái ngữ ấy ra gì". Trong Nam có từ "ăn ngữ" là ăn chịu, ăn trước rồi trả sau.
Lào cũng là lường. Bằng chứng, "Việt Nam tự điển" (1931) cho biết: "Lào: Cái lường - Một lường nước mắm; Lường: đồ đong - Một lường gạo". Ca dao có câu: "Khôn ngoan chẳng lại thật thà/ Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy". Thưng và đấu là dụng cụ dùng để lường (đong). Trải theo năm tháng, lào/ lường phai nghĩa dần như ta vừa bàn.
Thậm chí, trước đó nữa, ít ra từ năm 1651, "lường" còn được hiểu là suy tư, lo lắng, như "Từ điển Việt - Bồ - La" đã ghi nhận. Nghĩa này mãi đến thời Nguyễn Du vẫn còn sử dụng: "Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường" ("Truyện Kiều"). Ngày nay, "lường" vẫn được dùng, chẳng hạn một người tặc lưỡi: "Ra nông nỗi này là do tớ không lường trước", tức không định liệu trước khả năng xấu nhất có thể xảy ra.
Ngày xưa, tùy theo vật dụng mà người ta cân, đong, đo, đếm. Với bắp, gạo lúa, đậu chẳng hạn, khi lường (đong) thì người ta cũng phải dùng đũa hoặc tay gạt cho bằng miệng. Trong cân, đong có động tác "lường" và "gạt" là vậy. Thế nhưng, lường gạt cũng được hiểu là lừa đảo, gian dối bởi khi đong, khi gạt không nhất quán trước sau. Thi sĩ trào phúng bậc nhất nước Nam đầu thế kỷ XX đã tự trào, giễu cợt: "Vị Xuyên có bác Tú Xương/ Quanh năm ăn quỵt, chơi lường mà thôi".
Thành ngữ có câu "Ăn chực ăn lường", vậy chơi lường khác gì ăn lường?
Ta hiểu ăn lường là anh em bè bạn cùng bước vào quán, ăn ngập mặt uống phủ phê nhưng lúc chủ quán đưa hóa đơn tính tiền thì kẻ đó né tránh bằng cách... lẻn vào nhà vệ sinh, như đang bận nghe điện thoại! Ai trả tiền thì mặc, miễn mình không phải móc ví góp tiền trả chung. Ăn như thế gọi là "ăn lường".
Trở lại với "Lấy đồng tiền làm lào", câu tục ngữ này ngụ ý trong những quan hệ và cách cư xử, mọi việc đều lấy đồng tiền làm chuẩn, động tác "đầu tiên tiền đâu" là điều không thể thiếu. Tất cả đều lấy tiền như một thứ để đong, lường hơn thua, cao thấp; vì thế, không có chuyện nhân nghĩa, ân tình.
Bình luận (0)