Bục sân khấu là thùng đựng thiết bị, chỗ ngồi ca sĩ là một chiếc ghế nhựa, một chiếc mic, một bóng đèn, một cây đàn. Khó có thể hình dung sân khấu ca nhạc nào đơn sơ hơn thế. Và thêm một điều nữa, toàn thể cái "rạp hát" ấy được đặt trong hồ bơi đã được rút cạn nước, nơi khán giả và ca sĩ đều ngồi một chiếc ghế nhựa như nhau, hòa lẫn vào nhau. Đó là những gì đủ gây ấn tượng về chương trình "333 ghế nhựa đỏ - Đà Lạt" của ca sĩ Lê Cát Trọng Lý diễn ra tại hồ bơi trước biệt thự Bạch Ngọc mới đây.
Ca sĩ Lê Cát Trọng Lý trình diễn trong “333 ghế nhựa đỏ - Đà Lạt”. (Ảnh cắt từ video)
Giữa những chương trình ca nhạc với kinh phí hàng tỉ đồng, "333 ghế nhựa đỏ" quả là của hiếm giữa thị trường âm nhạc ngày càng chú trọng đến số lượng lượt xem trên mạng và độ phổ biến trên YouTube trở thành thước đo chính cho thành công của sản phẩm âm nhạc. Lý xuất hiện, mặc nhiên một mình một bóng trên con đường âm nhạc của riêng mình. Lúc đầu, ta còn thấy lạ lẫm với thứ âm nhạc chậm chạp, như thể người viết đang thực hành bài tập hít thở không có chi vội. Thứ âm nhạc ấy gieo vào giữa những gì vội vã và huyên náo của cuộc sống, khoảng lặng yên của nó bỗng gây được thiện cảm với lớp công chúng nghe nhạc chỉ thích nghe thứ âm nhạc không cần thiết phải gánh trách nhiệm cạnh tranh trên các bảng xếp hạng.
"Để ý người ta rao đồng nát thế nào chưa?", đó là câu hỏi bất chợt của Lê Cát Trọng Lý giữa chừng chương trình "333 ghế nhựa đỏ - Đà Lạt". Các phần trình diễn của Lý thường có những màn trò chuyện với khán giả như thế, dường như khoảng cảnh giữa người hát và người nghe bị xóa nhòa, họ giống như những người bạn, tụ họp tâm sự, hát hò cùng nhau. Ở đó, đôi khi một câu hỏi vu vơ hóa thành duyên cớ để khởi đầu cuộc đối thoại, đưa đẩy đến một bài hát.
"Người ta rao thế này: Đồng nát sắt vụn bán đi", vậy là ca từ của một bài hát được hình thành, du dương với phần hòa âm của ca sĩ và khán giả bên dưới. Lý vừa đàn vừa hát: "Mình còn chân ướt/Đi từ trong buồn". Lý đi từ nỗi buồn ấy để hỏi một câu hỏi bình thường nhưng có người loay hoay cả đời mà không trả lời được: "Có thương nhau mãi được không?". Cảm hứng của Lê Cát Trọng Lý thường đi từ những mệnh đề giản đơn như thế, giản đơn như bốn mùa, như sống chết, cái giản đơn thiệt tình chắt lọc qua biết bao chiêm nghiệm về cuộc sống. Có lẽ khán giả đến với âm nhạc của Lý cũng chỉ để nhìn lại những điều quen thuộc bỏ quên bấy lâu, để sống lại tâm trạng mơ hồ, để thử cái cảm giác chới với muốn bay nhưng đôi cánh chao đảo.
Nhiều người ví Lê Cát Trọng Lý là một phiên bản nữ của Trịnh Công Sơn, hát thơ giữa đời, sử dụng âm nhạc để triết luận về lẽ sống, về sự vĩnh hằng và những mưu cầu hạnh phúc giản dị, có lẽ đúng phần nào.
Bình luận (0)