Khác với các mùa liên hoan, hội diễn sân khấu cải lương trước đây, sự có mặt của các đơn vị xã hội hóa (dân lập) gồm: Sân khấu Lê Hoàng (vở "Thái hậu Dương Vân Nga"), Chi hội Nghệ sĩ sân khấu tỉnh Cà Mau ("Nỗi niềm sau cuộc chiến"), Công ty TNHH Dịch vụ giải trí Kim Tử Long ("Rạng ngọc Côn Sơn"), Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc ("Hồn của đá"), Hội Sân khấu TP HCM ("Những con sóng vô hình"), Nhà hát Thế Giới Trẻ ("Tổ quốc nơi cuối con đường"), Công ty TNHH Hồng Lạc Xuân - Đoàn Cải lương Thanh Nga ("Lối về"), Công ty TNHH Truyền thông Văn hóa VHT ("Thành phố buổi bình minh") đã làm nên diện mạo mới cho liên hoan lần này.
"Phải bán được vé mới gọi là hay"
Tối 8-9, đông đảo khán giả đến xem vở "Rạng ngọc Côn Sơn" do NSƯT Kim Tử Long làm đạo diễn, Công ty TNHH Dịch vụ giải trí Kim Tử Long đầu tư, đã dự liên hoan ngày 6-9. Điều này minh chứng sàn diễn cải lương cần những vở diễn được dàn dựng nghiêm túc, hoành tráng như đi thi nhưng phải bán được vé khi công diễn. Khán giả mua vé vào xem là một kênh thẩm định đánh giá quan trọng bên cạnh sự đánh giá của hội đồng nghệ thuật.
NSƯT Kim Tử Long, nghệ sĩ Trinh Trinh trong vở “Rạng ngọc Côn Sơn”
Tương tự, vở "Hồn của đá", do Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc (nhóm NSƯT Vũ Luân đầu tư; đạo diễn: Trương Văn Trí) đã bán vé suất diễn ngày 7-9, nhằm đo phản ứng khán giả trước khi dự liên hoan trưa 8-9 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo). "Dù mưa lớn, khán giả vẫn đến xem rất đông, chúng tôi hạnh phúc vô cùng trước sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả dành cho vở diễn của mình. Mỗi tấm vé bán được đối với vở diễn tham dự liên hoan như điểm số khán giả tặng chúng tôi, thật trân quý" - NSƯT Vũ Luân phấn khởi nói.
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt - người dàn dựng vở "Tổ quốc nơi cuối con đường" của Nhà hát Thế Giới Trẻ - cũng cho biết sẽ đưa vở diễn đến với công chúng vào tối 15-9. Anh bày tỏ chính sự tương tác của khán giả mua vé vào xem, nhận xét hay - dở sẽ mang lại cho anh và ê-kíp thực hiện sự tự tin để bước lên sân khấu liên hoan năm nay.
NSƯT Thoại Miêu nói "của đau con xót", bỏ tiền ra đầu tư nên mỗi người sẽ biết cách chắt chiu, chăm chút cho vở diễn, vai diễn của mình hay để còn bán vé. Vé có bán được thì mới có tiền tích lũy và tái đầu tư cho vở diễn mới.
Vở "TP buổi bình minh" của Công ty TNHH Truyền thống văn hóa VHT đưa đến liên hoan vở diễn dành cho lực lượng nghệ sĩ trẻ
Khi chưa có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ các đoàn cải lương dân lập, hầu hết các vở diễn dù đoạt giải thưởng cao vẫn có rất ít cơ hội đến với khán giả hoặc có cũng chỉ dừng lại ở mức diễn phục vụ miễn phí vài suất rồi "cất kho".
Hệ lụy này đã khiến rất nhiều nghệ sĩ, đoàn hát bức xúc khi mất hàng tháng trời tập dượt, tốn kém tiền đóng thuế của dân nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn, công chúng không được thụ hưởng. Tác giả Xuân Phong (90 tuổi), cha đẻ của kịch bản "Rạng ngọc Côn Sơn", nói: "Thi thố rồi phải bán được vé mới gọi là hay, còn thi xong cất kho, không ai xem thì phí phạm, dù có đoạt giải vàng".
Có tìm tòi, sáng tạo
Đến với liên hoan năm nay trên tinh thần cạnh tranh lành mạnh, mỗi đơn vị xã hội hóa đã tìm cho mình phong cách riêng để mang đến liên hoan những giá trị sáng tạo nổi trội. Đó là dấu ấn của sự tìm tòi để sàn diễn cải lương không quẩn quanh với những cách dàn dựng cũ kỹ, lạc hậu.
NSƯT Minh Vương cho biết: "Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, có 3 lần tôi tham gia hội diễn, liên hoan nhưng lần này được đồng hành với các em trẻ. Tôi thấy họ có cách làm mới để đưa được vở diễn đến với công chúng, đó là điều khiến tôi phấn khởi".
Vở "Rạng ngọc Côn Sơn" của NSƯT Kim Tử Long là một minh chứng sinh động cho sự tìm tòi, sáng tạo khi anh phá cách, dàn dựng kịch bản đầy chất thơ của tác giả Xuân Phong theo phong cách cải lương tuồng cổ. Phần âm nhạc được nhạc sĩ Minh Tâm sáng tác mới, dựa theo những sáng tạo của nhạc sĩ Đức Phú - người mở đường cho việc loại bỏ dần âm nhạc Hồ Quảng vay mượn từ sân khấu nước bạn, để đưa vào đó những điệu lý, bài bản đờn ca tài tử Nam Bộ nhưng phối âm theo trình thức tuồng cổ. Chính vì đi theo phong cách đó, anh khai thác tối đa vũ đạo của nghệ sĩ để câu chuyện về vụ án Lệ Chi viên trở nên sống động, tươi mới.
"Hồn của đá" của đạo diễn Trương Văn Trí đã đưa hiệu ứng tranh cát của họa sĩ Trí Đức vào cải lương tạo bối cảnh, không gian, thời gian của câu chuyện chuyển động làm tăng thêm sức tưởng tượng phong phú cho người xem...
Đưa tranh cát vào trang trí sân khấu cải lương, vở "hồn của đá" (nhóm NSƯT Vũ Luân, đạo diễn Trương Văn Trí) đã tạo dấu ấn đẹp cho liên hoan cải lương 2018
Dấu ấn đẹp của các đơn vị xã hội hóa tại liên hoan còn là sự chăm chút trong việc hòa âm phối khí, tạo hiệu quả nghệ thuật độc đáo của dàn nhạc cổ. Không còn cảnh sơ sài với vài ba nhạc cụ hoặc lạm dụng nhạc cụ điện tử, thay vào đó là 7-9 nhạc cụ dân tộc: tranh, sáo, bầu, kìm, cò…Hình thức thể hiện vận dụng kỹ xảo ánh sáng, vũ đoàn múa với những tiết mục nâng cao vị thế của nhiều biên đạo giỏi.
"Cơm ghe bè bạn" đến với liên hoan, dù chưa thể nói vai diễn nào, vở diễn nào của họ sẽ gặt hái huy chương nhưng ai cũng có tâm trạng phấn khởi khi cùng nhau đem những sáng tạo mới đến cho sàn diễn cải lương sáng đèn là điều mà nghệ sĩ của các đơn vị xã hội hóa nói riêng, cải lương nói chung hướng tới.
Lan tỏa trong và sau liên hoan
Những ngày qua, TP Tân An, tỉnh Long An đón chào đông đảo nghệ sĩ sân khấu cải lương từ khắp nơi về tham dự Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018, do Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với tỉnh Long An tổ chức, diễn ra từ ngày 5 đến 19-9. Nhờ có nhiều nghệ sĩ ngôi sao đến từ 8 đoàn xã hội hóa nên liên hoan đã thu hút công chúng mộ điệu, khán giả Long An đến xem khá đông.
NSƯT Kim Tử Long đã có kế hoạch đưa vở "Rạng ngọc Côn Sơn" biểu diễn phục vụ khán giả sinh viên, công nhân lao động với 10 suất diễn. Hội Sân khấu TP HCM cũng sẽ đưa "Những con sóng vô hình" đến khán giả yêu nghệ thuật cải lương tại các trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp.
Bình luận (0)