Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần IV-2019 diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ ngày 4 đến 13-10 với 14 đơn vị nghệ thuật trong nước và 7 đoàn quốc tế đăng ký tham gia.
Ấn tượng kịch không lời
Trong khuôn khổ liên hoan, các đoàn luân phiên thi diễn tại các điểm như Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ, rạp Đại Nam, Nhà hát VOV, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Liên đoàn Xiếc Việt Nam… Qua những suất diễn đầu tiên cho thấy các tác phẩm thử nghiệm có chất lượng cao, được đầu tư bài bản. Đặc biệt, các đoàn quốc tế đã mang đến những vở kịch không lời, rất cần thiết cho giới sân khấu nước nhà học hỏi.
Tại Nhà hát VOV, tối 5-10 chào đón sự thử nghiệm đầy cảm xúc qua vở diễn không lời "Bpolar" của các diễn viên đến từ đoàn kịch Israel.
Vở kịch Bpolar của đoàn Israel được đánh giá độc đáo
Vở diễn là sự kết hợp của âm nhạc, ánh sáng, ký hiệu trên màn hình và khả năng biểu đạt hình thể điêu luyện của diễn viên đã tạo không gian đa chiều, chuyển tải được thông điệp đến với mọi người: "Hãy là chính mình". Các nghệ sĩ Israel thể hiện tài năng thông qua khả năng nhạc cảm, vận dụng ngôn ngữ hình thể tạo sự chuyển động của không gian, thời gian và đưa đến người xem những cảm xúc chân thật.
Đoàn kịch Hàn Quốc với vở "Hai vạn dặm dưới đáy biển" diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam (sáng 6-10) cũng chọn thế mạnh kịch không lời, tạo điểm nhấn bằng giao diện hình thể, gợi mở nhiều suy nghĩ cho người làm nghệ thuật trong nước. Bằng hiệu ứng của âm nhạc, âm thanh, ánh sáng và đặc biệt là tài năng của 4 nghệ sĩ, vở diễn đã cuốn khán giả vào câu chuyện khoa học viễn tưởng, với thuyền trưởng Nemo và những người bạn đã chiến đấu chống lại kẻ xâm lược, bảo vệ mảnh đất của tổ tiên, giúp đỡ người nghèo. Vở diễn còn gửi đến người xem thông điệp về một cuộc sống bình đẳng, tự do, nhân văn và hạnh phúc.
Để có được những tác phẩm mang tính tương tác cao với người xem thông qua những thử nghiệm về hình thức dàn dựng, biểu diễn thì kịch không lời dành cho công chúng lắp vào đó những suy ngẫm của bản thân về cuộc sống đang là xu hướng trên sân khấu quốc tế. Ngay cả với sân khấu giải trí thì sự kiệm lời, giàu hành động cũng đang thu hút khán giả.
Nỗ lực thể hiện mới
Theo đánh giá của NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, các tiết mục sân khấu thử nghiệm tham gia liên hoan lần này thể hiện nỗ lực khám phá và tìm tòi các phong cách thể hiện mới nhằm tạo ra những sự đột phá và tính thử nghiệm cao trong sáng tạo nghệ thuật sân khấu.
Điển hình như nhà hát Maladype của Hungary vận dụng ánh sáng, âm nhạc để tạo nên một vở diễn "Tháng tám" khá ấn tượng. Họ dùng chất trẻ để chắt lọc những thử nghiệm, qua đó tìm kiếm sự đồng thuận từ công chúng, nhất là kéo công chúng trẻ đến với sân khấu. Hay vở "Hai mươi" của Trung tâm Sân khấu và Phát triển (Việt Nam) cũng thể hiện rõ nét chất trẻ trung, năng động, đáp ứng sự mong đợi của khán giả trẻ.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, vẫn còn một số vở chưa đạt được tiêu chí "thử nghiệm", không có sự cách tân, khám phá về nghệ thuật, nội dung và kỹ thuật đơn điệu.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (sân khấu IDECAF) cho rằng mục đích làm một vở diễn là có nhiều công chúng mua vé vào xem chứ không phải thử nghiệm để chọn hình thức dàn dựng, biểu diễn, sau đó cất vào kho, khoe với nhau. Để người trẻ làm chủ sân khấu, cũng như kéo được khán giả trẻ đến với vở diễn, phải có những thay đổi về cách làm. Từ cái hay của sân khấu tiên tiến, các đoàn trong nước cần vận dụng cho sự sáng tạo trong xu thế làm sân khấu mang tính tương tác cao, hướng đến công chúng trẻ.
Theo bầu Tuấn, có một thực tế là hiện nay, các đoàn nghệ thuật tại phía Bắc phát vé mời miễn phí nhưng cũng không có nhiều người đến xem. Đó là vì tính thử nghiệm không cao, chất lượng đổi mới và hình thức sáng tạo sân khấu chưa thật lôi cuốn người xem. "Tính thử nghiệm thật sự sẽ mang lại cho người làm sân khấu niềm tin vào hướng đi mới nhằm lôi cuốn khán giả trẻ đến với sàn diễn. Mà đó phải là đối tượng khán giả yêu sân khấu thực sự, mua vé vào thưởng thức món ăn tinh thần giá trị chứ không phải là khán giả của vé mời" - bầu Tuấn nhìn nhận.
Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành băn khoăn cho rằng sân khấu trong nước hiện nay thiếu sự tương tác sàn diễn, từ đó không tìm được công chúng trẻ. Vận dụng hình thức nào thì phải có sự đối thoại và phản biện từ công chúng mới mong sân khấu phát triển, lôi kéo được khán giả.
Cơ hội thể hiện tài năng
Liên hoan kéo dài đến ngày 13-10 với 7 đoàn của các nước: Hungary (vở "Tháng tám"), Israel (B.polar), Ấn Độ (Macbeth Mirror), Hàn Quốc (Hai vạn dặm dưới đáy biển), Trung Quốc (Câu chuyện về bức tranh cổ), Singapore (Ngôi đền quỷ ám) và Hy Lạp (Cánh đồng đẫm máu). Nước chủ nhà Việt Nam có 14 vở diễn của 14 đơn vị nghệ thuật, gồm các vở: Nhật thực, Mơ Rồng, Hà Nội của những giấc mơ, Thân phận nàng Kiều, Hai mươi, Niềm khát, Sự sống, Cậu Vanya, Ngàn năm mây trắng, Nỗi u sầu, Huyền thoại Gò Rồng Ấp, Nữ ca sĩ hói đầu, Dưới nước là cát, Câu Kiều ru một đời người.
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhận xét đây là sự kiện văn hóa quan trọng, hội tụ và giới thiệu bản sắc văn hóa của các nước trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ trong nước và quốc tế thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần phát triển nghệ thuật sân khấu của Việt Nam, khu vực và quốc tế trong thời kỳ mới.
Bình luận (0)