Bà Trần Thị Thu Đông, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật-Triển lãm và Nhiếp ảnh (MT-TL-NA) của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), ngày 5-7, cho biết cục đã từng từ chối không cấp phép cuộc triển lãm về cơ thể người tại Hà Nội mà chỉ đồng ý nếu trưng bày tại các trường đại học y khoa để phục vụ nghiên cứu.
Đầu năm nay, Cục trưởng MT-TL-NA đã từ chối cấp phép cho cuộc triển lãm "Mystery of Human body" tại Hà Nội, mà đồng ý cấp phép nếu trưng bày tại các trường đại học y khoa để phục vụ nghiên cứu.
Cuộc triển lãm về cơ thể người gây nhiều tranh cãi - Ảnh: Phạm Trang
Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, Sở VH-TT TP HCM - cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương - lại đồng ý cho triển lãm diễn ra. Đây là triển lãm đầu tiên về cơ thể người được tổ chức ở TP HCM, bắt đầu từ ngày 21-6 vừa qua và dự kiến kéo dài tới ngày 31-12 năm nay.
Cuộc triển lãm đang gây tranh cãi khi trưng bày 137 mẫu vật là bộ phận cơ thể người thật, được nhựa hóa nhờ công nghệ bảo tồn xác người Plastination.
Đồng thời, cuộc triển lãm cũng gây nhiều thắc mắc về sự thống nhất về quản lý của các cơ quan.
Ngày 5-7, khi được hỏi về việc tại sao Cục MT-TL-NA, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành ở Trung ương, đã từ chối cấp phép thì việc Sở VH-TT ở địa phương lại cấp phép cho cuộc triển lãm về cơ thể người mang tên "Mystery of Human body" (Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người) thì có đúng quy định của pháp luật không, vị đại diện của Bộ VH-TT-DL chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Bà Trần Thị Thu Đông, Phó cục trưởng Cục MT-TL-NA, cho biết hiện tại chưa có văn bản pháp luật về quản lý hoạt động triển lãm mà chỉ có mỹ thuật và nhiếp ảnh. "Khi đơn vị Hàn Quốc xin phép không nói là triển lãm nghệ thuật mà là triển lãm cơ thể người. Cục trưởng Vi Kiến Thành có hướng dẫn họ nên xin Bộ Y tế hoặc đơn vị khác cho phù hợp"- bà Đông nói thêm.
Cũng theo bà Đông, hiện cơ quan quản lý đang xây dựng dự thảo nghị định để quản lý tốt hơn lĩnh vực triển lãm sau này.
Cơ quan quản lý Nhà nước lúng túng trong việc xử lý cuộc triển lãm gây tranh cãi - Ảnh: Phạm Trang
Ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn Bộ VH-TT-DL cho biết cơ quan quản lý vẫn đang chờ báo cáo của Sở VH-TT TP HCM. Hạn chót để sở giải trình là ngày 10-7.
Theo ông Bình, sở dĩ Cục MT-TL-NA không cấp phép cho triển lãm về cơ thể người vì đây là triển lãm không thuộc đối tượng mỹ thuật, nhiếp ảnh. Tuy nhiên, khi hỏi về việc khi cục không cấp phép thì Sở VH-TT địa phương có được quyền cấp phép hay không, phóng viên đã không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ ông Bình.
Cũng theo ông Bình, cùng với báo cáo của Sở VH-TT TP HCM, Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu Cục trưởng Cục MT-TL-NA Vi Kiến Thành vào TP HCM để kiểm tra độc lập và có báo cáo độc lập với lãnh đạo bộ về triển lãm này. Ông Bình nhấn mạnh mọi kết luận từ ông Thành sẽ không bị phụ thuộc vào báo cáo của Sở VH-TT TP HCM.
Người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL cũng khẳng định sẽ chờ các báo cáo chính thức rồi mới đưa ra quyết định bởi muốn tuân thủ đúng quy trình, luật pháp.
Plastination (bảo tồn tử thi bằng kỹ thuật plastic hóa) do bác sĩ-nhà giải phẫu học người Đức Gunther Von Hagens sáng chế. Ông phát triển kỹ thuật xử lý tử thi, dùng polymer để bảo tồn xác người với mục đích ban đầu để bảo tồn nguồn cung cấp cơ quan nội tạng cho các trường y khoa, vì lúc này rất khó để giữ lại các xác chết cho việc học tập lâu dài.
Nhưng sau đó, Plastination dần được triển lãm cơ thể người thật và diễn ra khắp thế giới như các cuộc triển lãm: "The Exhibition and Our Body: The Universe Within" (Triển lãm và thân thể người: Vũ trụ bên trong) ở Mỹ, "Bodies Revealed" (Tiết lộ thân thể người) ở Anh, "Body Exploration" (Khám phá thân thể người) tại Trung Quốc, "Mysteries of the Human Body" (Bí ẩn thân thể người) tại Hàn Quốc...
Các cuộc triển lãm về cơ thể người đã gây ra tranh cãi ở nhiều nơi trên thế giới. Không ít người đặt câu hỏi về nguồn gốc của các cơ thể được dùng để nhựa hóa cũng như có nên hay không nên đưa cơ thể người thật ra trưng bày…
Bình luận (0)