Phóng viên: Bắt đầu từ những truyện ngắn đầu tiên như "Chim sâm cầm chưa về", người ta đã thấy Lưu Sơn Minh nhiều duyên nợ với văn học lịch sử. Còn anh, người trong cuộc, anh nói về cái duyên ấy như thế nào?
- Nhà văn Lưu Sơn Minh: Năm 1983, sau khi xem vở chèo "Lý Nhân Tông kế nghiệp", tôi - một thằng bé lên 9 tuổi và đang học lớp 5 - đã cảm thấy rất bất bình về vai diễn thái sư Lê Văn Thịnh. Tôi cảm giác thấy một sự bất công lớn mà tác giả đã dành cho nhân vật này. Nỗi ám ảnh đó đeo đẳng mãi cho tới 10 năm sau, khi tôi bước chân vào viết truyện ngắn. Tôi lần mò đọc lại mọi tư liệu lịch sử có thể tìm kiếm được, và quyết định viết về Lê Văn Thịnh, sau những bất công mà cả tiền nhân và hậu thế đã dành cho ông. Có thể nói, nếu chỉ vì mê đọc truyện lịch sử từ nhỏ, tôi chưa chắc đã trở thành người viết về đề tài lịch sử. Chính nỗi ám ảnh về một oan án lớn trong quá khứ "xô" tôi vào truyện ngắn đầu tiên về lịch sử.
Tiểu thuyết lịch sử là một đề tài được nhiều người đánh giá là khô, khó, khổ. Hơn hai mươi năm "đâm đầu" vào đề tài ấy, có lúc nào anh nản, muốn buông, có bao giờ anh bế tắc khi không thể hiện được cái mình muốn từ nhân vật của mình?
- Nản thì không, muốn buông thì cũng không. Nhưng bế tắc thì có, thậm chí là không hề ít. Riêng việc viết những chương mở đầu của Trần Khánh Dư đã lấy mất của tôi 3 năm. Tôi đã viết đi viết lại phần mở đầu đó, tới lần thứ năm thì mới ưng ý. Sau đó, khi viết được hơn nửa cuốn, tôi lại "tắc tị". Tôi bỏ đấy và rong chơi 2 năm liền hoàn toàn không viết thêm được chút nào...
Nhà văn Lưu Sơn Minh Ảnh: KỲ ANH
Sáu năm cho "Trần Quốc Toản" (lần 1), 8 năm viết "Trần Khánh Dư", sau đó lại viết lại "Trần Quốc Toản"… Điều gì đã thôi thúc anh dành từng đó thời gian cho những cuốn sách này? Hình như lịch sử triều Trần có sức hấp dẫn đặc biệt với Lưu Sơn Minh?
- Bộ ba truyện vừa "Trên sông truyền hịch", "Bên bờ Thiên Mạc", "Trăng nước Chương Dương" về thời Trần của Hà Ân đã đồng hành suốt tuổi thơ ốm yếu của tôi. Những ngày ốm phải nghỉ học nằm nhà, tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần những truyện đó. Lâu dần, các nhân vật trở nên gần gũi với tôi như những người thân. Tôi yêu họ và cảm thấy mình hiểu họ. Vì thế, khi viết Trần Quốc Toản, tôi xin phép nhà văn Hà Ân được "nối dài" các nhân vật đó sang truyện của tôi. Và rồi, càng viết thì các nhân vật càng trở nên máu thịt đối với tôi. Tôi càng cảm thấy mình phải kể cho bằng hết những gì mình hiểu về họ. Những câu chuyện về thời Trần, tôi kể mãi mà không hết, vậy thì làm sao tôi có thể viết về triều đại khác được!?
Nhìn lại các nhân vật lịch sử là điều khó vô cùng, không dễ thuyết phục được người đọc có cái nhìn mới về nhân vật cũ. Anh có tự tin mình đủ tài và tầm để làm việc khó này?
- Tôi viết chỉ đơn thuần là kể lại những gì tôi cảm thấy về sự hiện hữu của những nhân vật lịch sử. Tôi không phán xét họ, không áp đặt họ, càng không mượn họ để ám chỉ ai hay điều gì. Họ đáp lại tôi bằng việc "báo" cho tôi biết mỗi khi tôi viết những điều có vẻ như không đúng. Những lúc như thế, ngay lập tức tôi cảm thấy dòng viết của mình trở nên sượng và khô khốc. Khác với văn học thuần túy, những nhân vật hư cấu mà số phận và tính cách hoàn toàn phụ thuộc vào sự ngọt ngào hay tàn nhẫn của tác giả, văn học về lịch sử có cả một hệ thống nhân vật đã từng sống, không ít vị đã đi vào chính sử. Rất nhiều nhân vật tôi đã và đang viết hiện vẫn đang được người đời nay hương khói thành kính trong các miếu đền. Nếu các nhân vật còn để cho tôi viết về họ, tôi đủ tự tin để viết tiếp.
Nhiều tiểu thuyết lịch sử khi ra mắt đã tạo nên những cuộc tranh luận nảy lửa vì chạm đến mối quan hệ sự thật - hư cấu, thậm chí là yếu tố sex lồng vào. Cách nhà văn hư cấu nhân vật lịch sử với những chi tiết thể hiện con người trần tục, bản năng cũng bị phê phán. Anh từng tuyên bố đừng bịa đặt để viết tiểu thuyết lịch sử, vậy hư cấu đến mức nào là được?
- Chính bản thân lịch sử đã luôn là một đề tài gây tranh cãi trong bất cứ cuộc trò chuyện hay nghiên cứu nào. Vì vậy, những tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử gây ra tranh cãi là chuyện không đáng để ngạc nhiên. Tôi không cho việc mô tả cuộc hoan lạc của nhân vật lịch sử là ghê gớm (miễn là tả sao cho xứng và phù hợp với nhân vật đó) nếu so với việc vu cho một nhân vật lịch sử không bán nước là bán nước. Nguyễn Bặc và Lê Văn Thịnh đã từng bị vu là bán nước trong 2 tác phẩm sân khấu lừng danh: "Thái hậu Dương Vân Nga" và "Lý Nhân Tông kế nghiệp". Với tôi, sự bịa đặt như thế là không thể tha thứ được, bất chấp nó nhân danh nghệ thuật. Có những ngưỡng mà hư cấu không thể vượt qua. Đó là ngưỡng của chính lương tâm tác giả đối với lịch sử. Không thể vì đề cao người này mà dìm người khác xuống bùn nhơ. Càng không thể mượn nhân vật lịch sử để chuyển những thông điệp đầy tính cá nhân của chính tác giả.
Những người quen biết Lưu Sơn Minh sẽ nhìn thấy bóng dáng một người tài năng nhưng cũng rất ngang tàng. Điều này có đầy đủ ở nhân vật của anh: Trần Khánh Dư. Phải chăng Trần Khánh Dư chính là thần tượng để anh có đủ cảm hứng suốt 8 năm viết về nhân vật này?
- Trần Khánh Dư chưa bao giờ là thần tượng của tôi. Nhưng 8 năm viết về ông là 8 năm tôi cảm thấy gần gũi và rất chia sẻ với nỗi cô độc mà vị tướng tài này phải trải qua. Trần Khánh Dư dạy tôi rất nhiều điều. Kể cả cái cách thể hiện sự ngang tàng và bất cần của ông cũng là những bài học ông dành cho tôi. Trong cuốn sách tiếp theo của tôi, Trần Khánh Dư cũng vẫn sẽ xuất hiện và đóng một vai trò nhất định. Sự tồn tại của Trần Khánh Dư là một nguồn cảm hứng đặc biệt cho thời đại mà ông đã sống, bất kể đó là cảm hứng theo nghĩa tốt hay xấu!...
Nhân vật nào trong lịch sử triều Trần sẽ thôi thúc anh ngồi vào bàn hằng năm để viết tiếp?
- Tôi đang viết bộ tiểu thuyết dự kiến 3-4 tập về toàn bộ cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ 3 với điểm nhấn là trận Bạch Đằng lịch sử. Tôi cũng đã kịp vứt đi hơn một nửa tập 1 đã viết (15 chương), để viết lại từ đầu. Trước mắt tôi, như thường lệ, vẫn là một hành trình dài. Thỉnh thoảng bạn bè và các độc giả vẫn giục tôi. Những lúc như thế, chúng tôi lại vui vẻ với một câu đáp hoàn toàn mang tính tượng trưng: "Ít nhất là 10 năm". Nói chung, tôi vẫn đang viết và chưa biết khi nào mình sẽ hoàn thành bộ sách...
Viết vì cảm xúc
Học trường y nhưng lại gắn bó với nghề viết, nhà văn Lưu Sơn Minh - tác giả của những tiểu thuyết lịch sử "Trần Quốc Toản", "Trần Khánh Dư" và hàng loạt truyện ngắn lịch sử gây chú ý khi mới hai mươi tuổi - coi nhân vật như những người thân. "Tôi yêu họ, và cảm thấy mình hiểu họ" - Lưu Sơn Minh nói.
Lưu Sơn Minh bày tỏ thêm: "Mỗi cuốn sách viết ra, tôi đều dành đủ tâm huyết cho nó. Còn độc giả đón nhận cuốn sách theo những cách khác nhau. Chẳng thể nào hy vọng viết ra một cuốn sách mà ai cũng khen. Tôi trân trọng những ý kiến của độc giả, chỉ ngồi vào bàn phím và viết mỗi khi thấy rõ những dấu hiệu của cảm xúc cũng như sự thúc bách của nhân vật. Vậy thôi...".
Bình luận (0)