Sáng 7-10, Chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm, trao quà hỗ trợ cho NSƯT Lê Thiện và NSƯT - nhạc sĩ Văn Hai.
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tặng tiền hỗ trợ cho NSƯT - nhạc sĩ Văn Hai
Nhạc sĩ con nhà nòi
NSƯT - Nhạc sĩ Văn Hai tốt nghiệp Trường Đào tạo diễn viên Cải lương Nam Bộ (Hà Nội). Ông học nghề với ngón đờn điêu luyện và hoạt động ngay sau khi tốt nghiệp.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Văn Hai vào TP HCM và có nhiều năm tham gia giảng dạy tại Trường Nghệ thuật Sân khấu II (hiện nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM). Một thời gian ông tham gia ban nhạc cổ của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Nhạc sĩ Văn Hai và hai người chị là NSND Thanh Vy, NSƯT Thanh Dậu
Điều đặc biệt là nhạc sĩ Văn Hai với tài năng đờn tranh và đờn bầu điêu luyện nhiều lần được mời sang biểu diễn tại các nước Tây Âu. Ông thường lưu diễn theo lời mời của các đơn vị nghệ thuật trong nước; thỉnh thoảng sang Pháp, Đức với tư cách nhạc sĩ cổ nhạc được bà con kiều bào mời.
Những năm cuối 1980, nhạc sĩ Văn Hai tham gia trong đoàn nghệ thuật do nhà nước cử sang biểu diễn tại Pháp, cùng chuyến đi với ca sĩ Họa Mi.
Nhạc sĩ Văn Hai (bìa trái) được Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đến thăm
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha là nhạc sĩ đờn cổ nhạc nổi tiếng Trần Văn Vân, mẹ là nghệ sĩ hài Vân Quí, nhạc sĩ Văn Hai mê sân khấu từ nhỏ. Vì thế, ông và các thành viên trong gia đình đều gắn bó với nghệ thuật cải lương, gồm hai người chị là NSND Thanh Vy, NSƯT Thanh Dậu, em trai - nhạc sĩ Văn Thắng cùng hai người anh rể là soạn giả Hùng Tấn và Nhà giáo ưu tú – diễn viên điện ảnh Mạnh Dung… Các con cháu trong gia đình cũng gắn bó với nghệ thuật.
Cùng đi với đoàn đến thăm nhạc sĩ Văn Hai, còn có tiến sĩ Lê Hồng Phước (Trường Đại học Khoa học – xã hội và nhân văn), nhạc sĩ Văn Thắng.
Nhạc sĩ Văn Hai và ca sĩ Ái Thanh trong chuyến lưu diễn tại Đức năm 2020
Đón nhận món quà bất ngờ từ chương trình "Mai Vàng nhân ái", nhạc sĩ Văn Hai bày tỏ: "Sau những ngày giãn cách xã hội, TP bắt đầu nới lỏng để bước vào trạng thái bình thường mới. Tôi khao khát được đi đờn cho nghệ sĩ hát, nhưng hoạt động biểu diễn vẫn chưa sáng đèn, nên hôm nay là ngày rất ý nghĩa đối với tôi. Món quà của chương trình thật ấm lòng nghệ sĩ nhằm san sẻ những khó khăn trong cơn đại dịch. Cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái".
Người mẹ "quốc dân"
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" cũng đã đến thăm gia đình NSƯT Lê Thiện tại "hậu cứ" của Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen. Bà không may bị té ngã ảnh hưởng đến cột sống, phải nằm điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất hơn một tháng qua.
NSƯT Lê Thiện tên thật là Tô Đặng Thị Thiện, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, làm nghề đậu phụ ở phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 11 tuổi, bà được nhận vào đoàn Văn công Quân đội. Từ một diễn viên múa bale, nhờ ham học hỏi, bà lấn sân sang các các thể loại múa, hát, xiếc, cải lương, điện ảnh, kịch và đều làm rất tốt.
NSƯT Lê Thiện
"Tôi nhớ rất rõ quá trình phấn đấu ở Tổng cục chính trị, nơi tôi được học hỏi rất nhiều bài học kinh nghiệm của một diễn viên. Khi đất nước thống nhất, tôi về công tác tại TP HCM, được giao nhiệm vụ Phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, trưởng đoàn cải lương Xung kích một thời hoạt động sôi nổi với các nghệ sĩ: Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Chí Linh, Vân Hà, Thùy Trang, Tô Châu, Phương Thảo…" - bà kể.
NSƯT Lê Thiện được giới nghệ sĩ gọi tên "Bà mẹ quốc dân" bởi những năm gần đây bà xuất hiện trong nhiều vở kịch, cải lương, phim truyền hình đều đóng vai người mẹ. "Tôi được bà con khen nhất là đóng vai bà mẹ của bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19, trong MV của ca sĩ Nguyễn Phi Hùng. Xúc động lắm vì được góp phần lan tỏa tinh thần tri ân đối với lực lượng tuyến đầu đã chung sức với TP HCM đẩy lùi dịch bệnh" – bà chia sẻ.
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tặng tiền hỗ trợ NSƯT Lê Thiện
Sau gần 50 năm hoạt động làm nghệ thuật trong lĩnh vực sân khấu cải lương, NSƯT Lê Thiện đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng công chúng qua các vai hay trong các tác phẩm như: "Dệt gấm", "Khuất Nguyên", "Tiếng sấm Tây nguyên", "Mùa Xuân cho em", "Rạng ngọc Côn Sơn", "Ánh sáng phù du", "Thạch Sanh - Lý Thông", "Hòn đảo thần vệ nữ"… Ngoài ra, bà còn nổi tiếng trong làng điện ảnh, MV ca nhạc với những vai diễn khác nhau, tiêu biểu là vai bà nội trong phim "Dù gió có thổi", "Vừa đi vừa khóc", "Cá rô, em yêu anh"…
Dù đã nghỉ hưu, sức khỏe giảm nhưng bà vẫn mong được tham gia biểu diễn. Trong chương trình lễ trao giải Mai Vàng lần thứ 26-2021, bà đã cùng các diễn viên của CLB Sân khấu Lạc Long Quân biểu diễn tiểu phẩm ca ngợi tấm lòng của người dân cả nước hướng về miền Trung.
NSƯT Lê Thiện (bìa trái) chụp ảnh với Bác Hồ và phái đoàn Ba Lan năm 1959 tại Phủ chủ tịch
"Tôi cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã san sẻ những yêu thương cho văn nghệ sĩ cả nước trước những khó khăn trong giãn cách xã hội vì đại dịch. Còn sức khỏe, tôi vẫn còn đồng hành cùng giới trẻ, diễn bất cứ nơi đâu để đem niềm vui phục vụ công chúng" - NSƯT Lê Thiện bày tỏ.
Bình luận (0)