Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" cho nghệ sĩ Mai Trần
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập báo Người Lao Động, đã trao đến 2 nghệ sĩ mỗi người số tiền 5 triệu đồng.
Ngôi nhà của ảo thuật gia Trần Bình nằm đối diện với Bệnh viện quận 12, TP HCM. Ông sinh sống cùng vợ, bà vẫn thường xuyên theo ông đi biểu diễn mỗi khi có các sô phục vụ trẻ em mồ côi, người già neo đơn.
Nghệ sĩ Trần Bình theo nghề từ năm 12 tuổi, cả gia đình ông đều gắn bó với nghề ảo thuật, em của ông là NSƯT Trần Định, cháu trai là Trần Dũng, con trai là Trần Thắng, đều là những ảo thuật trẻ đoạt nhiều HCV tại các liên hoan ảo thuật toàn quốc do Cục Nghệ thuật Biểu diễn Bộ VH-TT và DL tổ chức.
Ông Bùi Thanh Liêm trao tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" cho ảo thuật gia Trần Bình
"Tôi mang máu đam mê của đại gia đình ảo thuật. Bắt nguồn từ cha của mình là ảo thuật gia Trần Lực. Ông tên thật là Đỗ Đăng Lực, theo gánh xiếc từ Hà Nội vào Nam Bộ. Ba của tôi kết hôn với mẹ tôi là Lê Thị Hoa, một người con gái xứ Huế. Sau đó, vợ chồng lập Đoàn xiếc Việt Tiến, lưu diễn khắp các tỉnh, thành. Các tiết mục của đoàn nổi danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Ba mẹ tôi sinh 8 người con, mỗi người lớn lên ở một vùng quê khác nhau và làm quen với nghề xiếc, ảo thuật của cha ngay từ khi còn bé" - ảo thuật gia Trần Bình kể.
Ảo thuật gia Trần Bình bày tỏ lòng biết ơn đến chương trình "Mai Vàng nhân ái"
Ông là một nhà ảo thuật đa năng. Liên tục nghiên cứu nhiều trò diễn mới, do đó không chỉ chinh phục khán già người lớn, với khán giả thiếu nhi ông đều tạo được sức hút. Mang căn bệnh ung thư vòm họng quái ác. Vóc dáng của ông ngày càng tiều tụy, giọng nói ngày càng khàn đục. Nhưng vì mưu sinh ông vẫn tiếp tục đi diễn dù đã gần 70 tuổi.
"Nhận được sự hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", tôi xúc động lắm. Cảm ơn sự chia sẻ trong lúc khó khăn này" – ông nói trong nước mắt.
Ảo thuật gia Trần Bình được khán giả thiếu nhi yêu thích
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ của nghệ sĩ Mai Trần, đoàn kịch nói Kim Cương. Ông từng là một trong những nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu kịch miền Nam, cùng thời với nghệ sĩ Thương Tín, Minh Hoàng, Khánh Hoàng... và là thế hệ sinh viên đầu tiên của Trường Nghệ thuật Sân khấu II (Nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM).
Khán giả nhớ đến nghệ sĩ Mai Trần qua các vai: Lỗ Quý ("Lôi Vũ"), Hoàng Tú ("Nhân danh công lý"), Jourdan ("Trưởng giả học làm sang"), Ba thợ nhuộm ("Hẻm nhỏ tình người")...
Sống trong muôn vàn khó khăn nhưng chưa bao giờ nghệ sĩ Mai Trần có ý định bỏ nghề. Sau khi cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, ông làm ăn thua lỗ, phải bán nhà, ăn nhờ ở đậu tại một căn phòng nhỏ ở phim trường. Đến năm 1999, ông Mai Trần kết hôn với người vợ thứ hai và có thêm hai con: một trai, một gái.
Nghệ sĩ Mai Trần vui mừng kể về quá trình điều trị bệnh, ông mong muốn mau hết bệnh để tiếp tục được cống hiến nghệ thuật
Sau khi mẹ mất, vợ chồng ông bán nhà dời về quận 2, TP HCM. Nhưng rồi căn nhà mới cũng đã phải bán đi do ông tiếp tục mang nợ vì thất bại trong kinh doanh.
Cả gia đình ở thuê bằng thù lao đi diễn ít ỏi của ông và đồng lương công nhân bưu điện của người vợ.
"Cuộc sống của tôi không bao giờ bằng phẳng. Tôi bất ngờ bị tai biến, phải vào Bệnh viện Thủ Đức, TP HCM. Tại đây, các bác sĩ cho biết tôi bị tai biến mạch máu não ở bán cầu não trái, khiến giọng nói bị ngọng nghịu. Sau này được chẩn đoán bị hẹp động mạch cảnh mức độ nặng, hẹp ba nhánh mạch vành rất nặng ở tim. Căn bệnh này vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có thể trở nặng bất cứ lúc nào nên hiện nay tôi không dám nhận vai diễn trên phim, vì ngại ảnh hưởng đến các đồng nghiệp, dù có nhiều lời mời từ các đạo diễn" – NS Mai Trần tâm sự.
Nghệ sĩ Mai Trần (ảnh Thanh Hiệp)
Đón nhận số tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", ông nói: "Tôi rất vui và xin được bày tỏ tấm lòng biết ơn đến sự quan tâm của Báo Người Lao Động. Cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã mang món quà này đến với tôi, chia sẻ với nghệ sĩ trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch, bệnh Covid-19".
Bình luận (0)