NS Tòng Sơn và ca sĩ Giao Linh
Thay mặt chương trình, ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã trao đến hai nghệ sĩ mỗi người số tiền 5 triệu đồng.
Đoàn đến thăm "quái kiệt" Tòng Sơn (91 tuổi) tại ngôi nhà ông ở thuê trên đường Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận. Ông vừa được các bác sĩ Bệnh viện Phú Nhuận cho xuất viện sau thời gian điều trị căn bệnh tim.
Hơn 70 năm tuổi nghề, nghệ sĩ thổi kèn Harmonica Tòng Sơn cho biết ông luôn sống lạc quan, yêu đời và thoải mái: "Ở tuổi này dù có ai kêu show tôi vẫn muốn đi diễn. Cái nghề là đam mê nên khó bỏ" – ông tâm sự.
NS Tòng Sơn trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động
Nghệ sĩ Tòng Sơn nổi danh với tài vừa thổi kèn vừa uống bia, ăn chuối. Ông chọn nhiều giai điệu phù hợp với tính chất của các chương trình để biểu diễn nên được công chúng yêu thích.
Nhiều năm qua, dù cao tuổi sức yếu nhưng nghệ sĩ Tòng Sơn vẫn đi khắp nơi biểu diễn. Nơi nào cần đến ông thì đều thấy có sự xuất hiện hết sức nồng nhiệt của ông.
Nhận hỗ trợ từ chương trình "Mai Vàng nhân ái", nghệ sĩ Tòng Sơn bày tỏ: "Tôi xúc động lắm, vì ở tuổi này vẫn ở nhà thuê. Số tiền này giúp tôi trang trải cuộc sống. Xin được bày tỏ lòng cảm kích đối với sự quan tâm của Báo Người Lao Động, Ngân hàng Nam Á. Cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái".
Đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao số tiền hỗ trợ cho NS Tòng Sơn
Giới sân khấu truyền thống và khán giả yêu thích nghệ thuật hát bội đều biết đến NSND Đinh Bằng Phi, người cống hiến cả đời cho bộ môn nghệ thuật này.
Được giới chuyên môn gọi "Vua hát bội", ông là bậc tài hoa hy hữu, vốn quý của nghệ thuật Nam Bộ. Năm nay, NSND Đinh Bằng Phi tròn 83 tuổi, nhưng đã có hơn 60 năm tuổi nghề với nhiều thăng trầm, sóng gió. Nhiều năm qua, căn bệnh tai biến mạch máu não đã khiến ông tiều tụy. Ông thường xuyên ra vào bệnh viện, đến nay đôi chân đã yếu không tự đi lại.
NSND Đinh Bằng Phi (ảnh Thanh Hiệp)
Trước khi đến với nghệ thuật hát bội, ông tốt nghiệp Trường Sư phạm Quốc gia Sài Gòn (năm 1959). làm thầy giáo dạy các môn văn, sử, địa. Tuy vậy, ông yêu thích và tìm hiểu về nghệ thuật hát bội, dựng một số trích đoạn hát bội tuồng lịch sử, dã sử cho học sinh và giáo sinh sư phạm; dịch một số tác phẩm truyện ngắn tiếng Pháp… Bị gia đình cấm kỵ, chối bỏ nhưng trong giới làm nghề, ông lại được nhiều người nể trọng bởi vốn kiến thức và niềm ham mê học hỏi không giới hạn. Ông từng bước đến với nghề và thành danh không chỉ ở vai trò diễn viên, mà còn sáng tác, giảng dạy và nghiên cứu nghệ thuật hát bội.
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã trao số tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" cho NSND Đinh Bằng Phi
NSND Đinh Bằng Phi đã sáng tác, chuyển thể gần 40 kịch bản, dựng một số tác phẩm và đã có gần chục giải thưởng sân khấu, như: "Trần Bình Trọng tuẫn tiết", "Cánh tay Vương Tá", "Ngọc Kỳ Lân xuất thế", "Thần nữ dâng ngũ linh kỳ", "Xử án Bàng Quý Phi", "Nguyễn Trãi nhập Đông Quan", "Chất ngọc không tan" (viết chung với tác giả Trương Huyền), "Chuyện tình bảy núi" (viết chung với tác giả Nguyên Hùng), "Bông hồng núi Nưa" (viết chung với tác giả Hoài Linh tức Tư Trương), "Đào Mai tương ngộ" (viết chung với tác giả Trương Huyền), "Bạch Viên - Tôn Các" (viết chung với tác giả Nhất Phương), "Án chứng vết son môi" (chung với TG Lê Thanh Hoài), "Cọp biển", "Dũng khí Đặc Đại Độ" (viết chung với Nhà văn Ngọc Linh), "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà" (chung với tác giả Đức Hiền), "Người cáo" (chung với tác giả Lê Duy Hạnh)...
Ngoài ra, ông còn viết sách nghiên cứu: ''Nhìn về sân khấu hát bội Nam Bộ'' (năm 1995), được xem là một trong số ít viên gạch xây nền móng nghiên cứu lịch sử hát bội Nam Bộ.
NSND Đinh Bằng Phi, soạn giả Đức Hiền, NSƯT Thành Lộc và nhà báo Thanh Hiệp (Báo Người Lao Động) trong ngày khánh thành Bàn thờ Tổ Ban ái hữu Nghệ sĩ TP HCM năm 2018
"Nhận được sự hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" trong giai đoạn này, gia đình tôi quý lắm. Cảm ơn sự chia sẻ của chương trình trong giai đoạn TP đang cùng với cả nước chống dịch, đời sống nghệ sĩ rất khó khăn" - NSND Đinh Bằng Phi bộc bạch.
Nguyện vọng của NSND Đinh Bằng Phi là cuối đời sẽ hoàn thành thư viện hát bội tại nhà ông, để những ai yêu thích bộ môn này có thể tìm đến tham khảo những tư liệu, kịch bản, sách nghiên cứu mà ông sưu tầm trong suốt thời gian gắn bó với nghề.
Bình luận (0)