Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động, đại diện Chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao số tiền 5 triệu đồng/người đến 2 nghệ sĩ đang gặp khó khăn trong cuộc sống do mắc bệnh.
Ông Bùi Thanh Liêm – Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao 5 triệu đồng cho NS Kim Hà
Gia tộc có 6 danh ca
Gia đình nghệ sĩ Kim Hà hiện ngụ tại một căn nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè. Nghệ sĩ Kim Hà là con gái Bà Năm Cần Thơ, một trong những danh ca thời kỳ vàng son của sân khấu cải lương thập niên 1950-1960.
Sinh ra trong gia đình có 6 danh ca, nghệ sĩ Kim Hà tự hào khi nhắc đến hai người dì là nghệ sĩ Kim Nên (mẹ ca sĩ Thái Châu) và Kim Chừng, mẹ là nghệ sĩ Năm Cần Thơ cùng các chị em đều theo nghề hát như: Kim Chi, Mộng Thu và sau này con gái là ca sĩ Hà My cũng nối nghiệp mẹ.
Soạn giả Nguyễn Phương từng nhận xét tất cả đều có giọng ca truyền cảm, kỹ thuật ca đúng bài bản, không thua sút bất cứ nữ nghệ sĩ nào trên sân khấu. Với sắc diện đẹp, diễn rất có duyên, 5 nữ nghệ sĩ trên đều là những cô đào đa dạng, diễn loại vai nào cũng được.
Nghệ sĩ Kim Hà kể về quá khứ vàng song khi xem lại tờ rơi quảng cáo của các đoàn hát mà bà từng tham gia
NSND Ngọc Giàu cho biết trước năm 1975, hai đài phát thanh ở Sài Gòn vào chiều thứ tư và thứ bảy hằng tuần đều gởi đến giới thưởng ngoạn cổ nhạc giọng hát tuyệt vời của Cô Năm Cần Thơ. Thời đó, các nghệ sĩ như: Năm Cần Thơ, Tư Sạng, Tư Bé, Ba Bến Tre, Ba Trà Vinh, Tám Thưa, Năm Phồi, Ba Giáo, Tư Xe, Minh Chí, Quang Phục qua các bài vọng cổ đã làm say mê khán thính giả, trong đó có NSND Ngọc Giàu, để thời đó bà ước mơ được làm nghệ sĩ. "Chị Kim Hà cũng vậy, có giọng ca ngọt ngào, sâu lắng" – NSND Ngọc Giàu kể.
Nghệ sĩ Kim Hà và chồng - cố nghệ sĩ Tấn Đạt - là một đôi nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương
Nghệ sĩ Kim Hà tâm sự mẹ của bà được giới chuyên môn thời đó nhận xét là nữ danh ca cổ nhạc. Bà tên thật là Trương Thị Trắc, sinh năm 1917 tại Cần Thơ; nổi danh với bài ca cổ "Chim họa mi" 20 câu do soạn giả Viễn Châu sáng tác.
"Ba tôi là nhạc sĩ Mười Lương, tên thật là Trần Hữu Lương, chuyên đàn kìm. Ông tâm huyết trong việc đào tạo nhiều người sau này là danh ca vọng cổ như: Hữu Phước, Kim Chừng, Kim Nên, Bạch Huệ, Mỵ Lan… Sau này, danh ca Hữu Phước trở thành kép chính của đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga, cô Mỵ Lan là đào chính của gánh hát Hoa Sen, hai dì tôi - Kim Chừng, Kim Nên - là đào chính các gánh hát Phát Huê, Tân Thiếu Niên, Kim Khánh, Tiếng Chuông, Tân Hương Hoa của bầu Sinh và đoàn Hương Mùa Thu của soạn giả Thu An. Tôi theo nghề cũng từ niềm tự hào về cha mẹ mình. Cả gia đình tôi đều ăn cơm của Tổ nghiệp suốt mấy chục năm qua" – nghệ sĩ Kim Hà xúc động.
Nghệ sĩ Kim Hà bày tỏ niềm xúc động khi đón nhận món quà của Chương trình "Mai Vàng nhân ái"
Nghệ sĩ Kim Hà bắt đầu đi hát từ năm 8 tuổi. Được cha mẹ và nhiều bậc thầy tài hoa dìu dắt, nâng đỡ, bà trở thành cô đào thương nổi tiếng trên các sân khấu cải lương như: Cao Văn Lầu, Bông hồng Vàng, Kim Chưởng, Tân thủ đô - Tấn Tài, Hoa Anh Đào - Kim Giác, Tân Hương Hoa…Bà nổi tiếng với các vai: Nguyệt Kiểu (vở "San Hậu" trên sân khấu Thống Nhất - Út Trà Ôn), Minh (vở "Giọt máu oan cừu"), Thivana (vở "Tình sử Thivana"), Bảo Xuyên (vở "Đêm lạnh chùa hoang")…
Từ khi sân khấu cải lương rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nghệ sĩ Kim Hà rời xa sàn diễn, lo chuyện gia đình, chăm sóc cháu để con gái là ca sĩ Hà My tiếp tục nối nghiệp. Gia cảnh ngày càng khó khăn khi bà mang thêm chứng bệnh thấp khớp và tim mạch.
Nhận được sự hỗ trợ của Chương trình "Mai Vàng nhân ái", nghệ sĩ Kim Hà xúc động: "Cảm ơn tấm lòng của các nhà hảo tâm, của chương trình. Tôi cảm nhận được sự ấm lòng trong cuộc sống khi còn nhận được sự quan tâm đối với nghệ sĩ về chiều như mình".
Anh kép đa năng
Trong khi đó, nghệ sĩ Tiến Dũng theo nghề hát từ năm 16 tuổi, bắt đầu với công việc hậu đài sân khấu cho Đoàn Cải lương Sài Gòn 2. Năm 18 tuổi, ông chính thức lên sân khấu khi về đoàn Trúc Giang của soạn giả Nam Sơn. Đây cũng là người thầy đầu tiên, truyền dạy kinh nghiệm để ông thể hiện được nhiều loại vai. Nhân vật đầu tiên ông diễn là "Dũng sĩ rừng xanh" trong vở "Thoại Khanh – Châu Tuấn". Khi được khán giả chú ý, ông đã về cộng tác với đoàn Trùng Dương – Vũng Tàu, nổi tiếng qua các vở: "Tình hận thâm cung", "Bụi mờ gió ngựa", "Sầu quan ải"…Một thời gian, ông về cộng tác với đoàn cải lương An Giang – Khánh Hồng và đoàn Hồng Nhung…
Nghệ sĩ Tiến Dũng đã được đạo diễn Nguyễn Mỹ - em của cố danh hài Quốc Hòa - hướng dẫn thể hiện các loại vai kép độc, kép lẵng, kép mùi…, được khán giả yêu mến.
Ông Bùi Thanh Liêm trao 5 triệu đồng cho nghệ sĩ Tiến Dũng
Năm 1990, nghệ sĩ Tiến Dũng về Đoàn Văn Công TP – tiền thân của Nhà hát Trần Hữu Trang hiện nay. Trên sân khấu này, ông đóng các vở: "Không là cát bụi", "Cây sầu riêng trổ bông"…được khen ngợi. Ông còn là người truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều diễn viên trẻ, tận tụy với nghề và hết lòng với từng vai diễn được giao.
Từ khi bị bệnh, nghệ sĩ Tiến Dũng di chuyển rất khó khăn. Căn nhà của ông nằm trong con hẻm luôn bị ngập nước mỗi khi triều cường
Năm 2019, nghệ sĩ Tiến Dũng nghỉ hưu do mắc bệnh tiểu đường biến chứng, phá nội tạng dẫn đến viêm đa khớp, viêm thần kinh ngoại biên, di chuyển khó khăn.
Nhận được sự hỗ trợ của Chương trình "Mai Vàng nhân ái", nghệ sĩ Tiến Dũng tâm sự: "Tôi rất vui mừng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ này. Cảm ơn nhịp cầu ý nghĩa nối kết khán giả, bạn đọc và nghệ sĩ của nhiều bộ môn. Món quà này là tình cảm quý báu mà Chương trình "Mai Vàng nhân ái" gửi đến tôi. Mong rằng chương trình sẽ còn được nhân rộng hơn để mang nhiều niềm vui đến với các nghệ sĩ đang gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật".
Bình luận (0)