Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã trao số tiền hỗ trợ nhà nghiên cứu Hoàng Văn Túc và NSƯT Phi Yến mỗi người 5 triệu đồng. Cùng đi với đoàn có ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM.
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động trao quà hỗ trợ của Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đến Nhà nghiên cứu Hoàng Văn Túc
Cả cuộc đời dành cho nghệ thuật múa
Nhà nghiên cứu nghệ thuật múa Hoàng Văn Túc sinh năm 1938. Ông là cựu chiến binh trong kháng chiến chống Pháp. Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, ông là giáo viên đầu tiên của ngành nghệ thuật múa Việt Nam và là thành viên sáng lập Hội Múa TP HCM. Ông bị bệnh lãng tai và vừa phẫu thuật mắt.
Là người nghiên cứu về nghệ thuật múa Việt Nam, ông đã góp phần đưa những nghiên cứu của mình làm nền tảng đúc kết những giáo trình giảng dạy cho thế hệ diễn viên múa hiện nay. Ông từng giữ chức vụ Viện phó Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tại TP HCM, sau này là Phân viện Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật miền Nam.
Nhà nghiên cứu Hoàng Văn Túc trong lễ kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng 8
"Nhiều năm qua, đã có hàng trăm tác phẩm múa với đủ thể loại đề tài ra đời, tập trung vào các đề tài chiến tranh cách mạng, truyền thống lịch sử anh hùng dân tộc, truyền thống văn hóa tốt đẹp, phản ảnh các tập tục, nghi lễ dân gian đến việc khai thác các đề tài xây dựng đạo đức xã hội... Mỗi tác phẩm múa ra đời có thể nói là công trình sáng tạo mang tính tập thể cao. Tôi vui mừng trước những thành quả đạt được của Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM khi năm 2020 đã tổ chức thành công Liên hoan Múa mở rộng" – ông tâm sự.
Theo ông Túc, các nghệ sĩ múa đã đi sâu khai thác vốn múa dân gian, dân tộc, đồng thời tiếp cận những tri thức sáng tạo của múa hiện đại thế giới nhằm mục đích xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhà nghiên cứu Hoàng Văn Túc
Ông Lê Nguyên Hiều cho biết: "Cả cuộc đời mình, nhà nghiên cứu Hoàng Văn Túc dành cho nghệ thuật múa. Ông là bậc thầy trong sáng tác hình thể, là một trong những thành viên xây dựng Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM. Các thế hệ nghệ sĩ múa đều nhớ ơn ông".
Đón nhận món quà hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", ông Hoàng Văn Túc tâm sự: "Từ khi nghỉ hưu đến lúc bị bệnh, chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ nhận món quà ý nghĩa này của Chương trình "Mai Vàng nhân ái". Cảm ơn Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM đã là chiếc cầu nối thân thương để "Mai Vàng nhân ái" đến thăm tôi. Thật nhiều xúc động và xin nhận nơi đây lòng biết ơn của tôi".
NSƯT Phi Yến - ngôi sao múa với "Người mẹ cầm súng"
NSƯT Phi Yến bị tai nạn giao thông khiến bà bị gãy 6 xương sườn bên phải khi di chuyển bằng xe máy từ Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM về nhà cách đây 1 tháng. NSƯT Phi Yến nguyên là diễn viên múa Đoàn Múa hát Giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, bà là Trưởng phòng Tổ chức Phân viện Múa TP HCM - sau này là Trường Trung cấp Múa TP HCM.
Trong quá trình lao động nghệ thuật, với tài năng quản lý và chỉ đạo nghệ thuật, bà được đề bạt giữ chức vụ Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Khi nghỉ hưu, bà được bầu làm Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM.
Ông Bùi Thanh Liêm trao quà hỗ trợ của Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đến NSƯT Phi Yến
Là diễn viên múa tham gia Đoàn Văn công sớm có mặt ở căn cứ Trung ương cục Miền Nam từ những năm 1960, NSƯT Phi Yến từng tạo dấu ấn qua tiết mục "Người mẹ cầm súng" (biên đạo múa NSND Thái Ly, âm nhạc Thanh Trúc, dựa theo truyện ký "Người mẹ cầm súng" của nhà văn Nguyễn Thi). Trong tác phẩm múa này, bà đóng vai người mẹ và hình ảnh của bà được phóng to treo ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
NSƯT Phi Yến trong tác phẩm múa "Người mẹ cầm súng" năm 1972 do nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài chụp
Ở tuổi đôi mươi, NSƯT Phi Yến đã hóa thân thành người mẹ phải bỏ đàn con cho chúng đùm bọc lấy nhau để cầm súng ra chiến trường. Bồi hồi kể về giai đoạn thể hiện tác phẩm đó, bà xúc động: "Năm 1966, đợt B52 đầu tiên trút xuống bờ suối đã lấy đi tính mạng soạn giả Trần Hữu Trang. Rồi tiếp theo, thêm 4 nghệ sĩ sân khấu bị vùi xác dưới những trận bom, trong đó có soạn giả Nguyễn Ngọc Cung, tác giả kịch bản cải lương một thời vang bóng "Kiều Nguyệt Nga". Tôi đã từng quay lại chiến trường xưa, đến thắp hương đồng đội, nơi có tấm bia khắc tên các liệt sĩ từng làm việc ở Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam. Trên tấm bia bằng đá màu đen hiện lên tên tuổi nhiều nghệ sĩ tài danh: Trần Hữu Trang, Nguyễn Ngọc Cung, Lê Chí Trực (nhạc sĩ Hoàng Việt), Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Nguyễn Thanh Nha… đã khiến tôi dâng trào cảm xúc".
NSƯT Phi Yến
Trong nhà NSƯT Phi Yến, cạnh bàn thờ ông bà, cha mẹ, còn có một bàn thờ đặt ảnh chân dung 3 người nghệ sĩ mà bà vô cùng yêu quý: NSND Thái Ly, người dìu dắt bà trên con đường nghệ thuật’; nhà thơ Lê Anh Xuân, người bà ngưỡng mộ và trái tim đôi mươi của bà có lúc cũng đã từng xao động; nhà báo, nghệ sĩ Thế Hải, người bạn thân thiết của bà.
Hơn 30 năm qua, NSƯT Phi Yến chọn ngày 27-7 làm ngày giỗ những văn nghệ sĩ từng là thành viên của Đoàn Văn công Giải phóng.
Nhận số tiền hỗ trợ của Chương trình "Mai Vàng nhân ái", NSƯT Phi Yến bày tỏ: "Tôi vô cùng cảm xúc khi chương trình đến thăm, cho thấy nghệ sĩ khi gặp hoàn cảnh tai nạn và ốm đau, bệnh tật trong cuộc sống đã nhận được sự quan tâm rất chân thành. Đây là chương trình rất ý nghĩa, tôi xin được cảm ơn "Mai Vàng nhân ái".
Bình luận (0)