Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã thăm hỏi, động viên nhà văn Ma Văn Kháng giữ gìn sức khoẻ, đồng thời gửi tặng nhà văn số tiền 10 triệu đồng của chương trình.
Nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ rất hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm của chương trình
Ông Tô Đình Tuân cho biết Chương trình "Mai Vàng nhân ái" luôn trân trọng những đóng góp của các thế hệ nghệ sĩ với nền văn học nghệ thuật nước nhà. Đây cũng là thông điệp gửi đến thế hệ trẻ không quên quá khứ, không quên sự đóng góp của người đi trước đối với đất nước.
Nhà văn Ma Văn Kháng gửi lời cảm ơn sự quan tâm của Báo Người Lao Động và Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đối với ông. "Nhận được sự quan tâm của một tờ báo ở TP HCM, tôi rất hạnh phúc. Đó là món quà rất vui mà Báo Người Lao Động và Chương trình "Mai Vàng nhân ái" dành cho tôi hôm nay" – nhà văn chia sẻ. Ông cũng chúc Báo Người Lao Động ngày một phát triển, chương trình đến nhiều hơn với các văn nghệ sĩ cả nước.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, thăm hỏi, động viên nhà văn Ma Văn Kháng giữ gìn sức khoẻ, đồng thời gửi tặng nhà văn số tiền 10 triệu đồng của chương trình "Mai Vàng nhân ái" - Video: Ngô Nhung
Nhà văn Ma Văn Kháng chụp ảnh cùng Tổng Biên tập Tô Đình Tuân (bìa trái) và phóng viên Báo Người Lao Động
Nhà văn Ma Văn Kháng sinh năm 1936 tại Hà Nội, tên thật là Đinh Trọng Đoàn. Bút danh của ông được đặt theo ân tình với ông Ma Văn Nho, Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, người đã lặn lội tìm thầy thuốc chữa khỏi bệnh cho nhà văn khi ông bị sốt rét ác tính và sau đó trở thành anh em kết nghĩa với ông.
Được đánh giá là nhà văn nổi bật của nền văn học đương đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, đặc biệt từ khi bắt đầu thời kỳ đổi mới, tác phẩm đầu tiên của Ma Văn Kháng là truyện ngắn "Phố cụt", đăng trên báo Văn học, tiền thân của báo Văn Nghệ. Tiểu thuyết "Chim én liệng trời cao" là tác phẩm mới nhất và cũng là tác phẩm cuối cùng của ông được xuất bản vào tháng 9-2017.
Nhà văn Ma Văn Kháng ký tặng sách ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động
Nhà văn Ma Văn Kháng đã sáng tác hơn 20 tiểu thuyết, gần 200 truyện ngắn, nổi bật là "Mùa lá rụng trong vườn", "Trăng soi sân nhỏ", "Mưa mùa hạ", "Côi cút giữa cảnh đời", "Gặp gỡ ở La Pan Tẩn", "Một mình một ngựa"…. Phần lớn các tác phẩm của ông lấy cảm hứng từ sử thi và thế sự, đời tư, đề cập phần nhiều đến cuộc sống và con người vùng Tây Bắc. Ông đã giành được nhiều giải thưởng văn học và được đông đảo độc giả biết đến, đặc biệt được trích dẫn trong chương trình giảng dạy phổ thông môn văn.
Nhà văn Ma Văn Kháng nhận Giải thưởng Văn học ASEAN năm 1998, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm "Truyện ngắn chọn lọc", "Mưa mùa hạ", "Côi cút giữa cảnh đời", "Gặp gỡ ở La Pan Tẩn".
Ông Tô Đình Tuân trao tặng nhà văn Nguyễn Khắc Trường 10 triệu đồng của Chương trình "Mai vàng nhân ái"
Cùng ngày, Tổng Biên tập Tô Đình Tuân cũng đã đến thăm nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng "Mảnh đất lắm người nhiều ma". Sau một cơn tai biến năm 2019, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã yếu rất nhiều, ông đang phải nhờ tới các bác sĩ châm cứu và vật lý trị liệu.
Trao tặng nhà văn Nguyễn Khắc Trường 10 triệu đồng của Chương trình "Mai Vàng nhân ái", ông Tô Đình Tuân chúc nhà văn giữ tinh thần lạc quan, sớm phục hồi sức khoẻ. Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho hay với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á, Chương trình "Mai Vàng nhân ái" mong muốn tri ân các văn nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp trên cả nước. Tác giả tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" xúc động gửi lời cám ơn đến Báo Người Lao Động và chương trình.
Nhà văn đang vật lý trị liệu sau khi bị tai biến
Tổng Biên tập Tô Đình Tuân thăm nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng "Mảnh đất lắm người nhiều ma" - Video: Ngô Nhung
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường sinh năm 1944 tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Sau khi tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du, ông chuyển về làm biên tập viên tại tạp chí Văn nghệ Quân đội và trở thành thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1982. Năm 2003, khi đang là Phó Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, ông chuyển sang làm Phó giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội nhà văn đến năm 2011.
Sở trường của nhà văn Nguyễn Khắc Trường là tiểu thuyết và truyện ngắn. Tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" (năm 1990) có thể coi là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Tác phẩm này sau đó đã được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần dựng thành phim "Đất và người" ra mắt khán giả vào năm 2002. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã giành được nhiều giải thưởng danh giá. Năm 2000, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật.
Trong ngày 2-4, ông Tô Đình Tuân cũng đã tới thắp hương tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và chia buồn cùng gia đình.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, thắp hương tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16 giờ 45 phút ngày 20-3 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 71 tuổi, sau một thời gian chống chọi với bệnh tật. Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để lại nhiều thương tiếc với bạn bè, những người yêu văn của ông.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, thắp hương tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Video: Ngô Nhung
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, đánh giá từ năm 1975 cho đến lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng thay đổi một cách chuyên sâu thi pháp và tinh thần sắc nét Việt Nam như Nguyễn Huy Thiệp. Và cho đến lúc này, ông vẫn là người "trị vì ngai vàng" trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại. Văn của ông là sự trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là trần trụi của một người nhìn thẳng vào sự thật và gọi đúng tên sự thật. Văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người. Những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: Chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đến mức không chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên.
Bình luận (0)