Sáng 19-10, Chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh và nghệ nhân quan họ Thanh Mai. Cũng tham gia chương trình có đạo diễn Tôn Thất Cần - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM.
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tiền hỗ trợ cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh (giữa) với sự chúc mừng của đạo diễn Tôn Thất Cần - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM (bìa trái)
Thay mặt chương trình, nhà báo Thanh Hiệp đã trao tặng nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh 10 triệu đồng và nghệ nhân Thanh Mai 5 triệu đồng.
Người nhạc sĩ của phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe"
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh cho biết ông rất bất ngờ trước sự quan tâm của Chương trình "Mai Vàng nhân ái".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh sinh ngày 20-10-1948, quê tỉnh Nghĩa Bình cũ. Ông tốt nghiệp Nhạc viện TP HCM. Năm 1967 - 1968, ông là ủy viên văn nghệ nhóm "Lửa Hồng" thuộc Đại học Khoa học Sài Gòn. Từ sau Tết Mậu Thân 1968, ông viết những sáng tác: "Non Nước tôi",... Năm 1969, ông là ủy viên văn nghệ Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn kiêm Trưởng Đoàn Văn nghệ Sinh viên - Học sinh Sài Gòn, nổi tiếng với những sáng tác: "Đường ta đi niềm tin lớn mạnh", "Phương đông đã dậy nắng hồng", "Bài ca của bé", "Quê hương ta ngày chiến thắng", "Người em gái lao động"... Ông là 1 trong 4 nhạc sĩ sáng lập Nhóm "Hát cho đồng bào tôi nghe", gồm: Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Tôn Thất Lập và Nguyễn Văn Sanh.
Ông có giọng ca trầm ấm, khỏe khoắn, là giọng hát chính của phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh
Trong các năm 1970 – 1972, ông đã sáng tác những ca khúc: "Tình nghĩa Bắc Nam", "Qui Nhơn ngời ngời biển lửa". Khi đất nước thống nhất, ông được biết đến với nhiều ca khúc nổi tiếng như: "Hát mừng thống nhất trọn niềm ước mơ", "Biên giới trong trái tim ta", "Anh là tình yêu của em". Năm 1977, ông được bầu làm chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Thanh Niên (đổi tên thành Nhà Văn Hóa Thanh Niên từ năm 1979 đến nay).
"Nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh là thủ lĩnh của phong trào sinh viên tại TP HCM. Anh lao động nghệ thuật nghiêm túc và giữ mãi tinh thần dấn thân vì Tổ quốc, vì đồng bào" - đạo diễn Tôn Thất Cần nhận xét.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh thi và học khóa đào tạo đại học tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, năm 1982, ông về công tác tại Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM giữ chức vụ: Trưởng Phòng Văn hóa quần chúng.
Những năm theo học sáng tác tại Nhạc viện TP HCM, ông đã viết những ca khúc: "Con chim biết nói", "Con vẫn nghe tiếng Bác", "Khúc tình ca trên sông Sài Gòn"... Ngoài ra, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc như: "Biến tấu cho piano", "Khúc giao duyên", sonate cho violon và piano "Dòng đời".
Từ sau 2008 đến nay, ông tiếp tục có nhiều sáng tác, đặc biệt trong năm năm 2018, được Ban Tuyên giáo tặng giải B ca khúc sáng tác về Bác Hồ và năm 2022 có 2 album là "Thành phố Hồ Chí Minh tôi yêu" và "Lời Người như thể nước non" , mỗi album gồm 10 ca khúc.
Sau khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh vẫn tiếp tục sáng tác, gắn bó với hoạt động phong trào văn nghệ của TP HCM.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã trao cho ông món quà tinh thần quá nồng ấm. Đây là nguồn động viên để ông tiếp tục có nhiều cống hiến.
Nghệ nhân Thanh Mai dành trọn tình yêu cho quan họ
Nghệ nhân Thanh Mai (còn được gọi là Thanh Tâm) hiện là chủ nhiệm CLB Quan họ Hội di sản TP HCM. Bà là người ươm mầm, dìu dắt nhiều bạn trẻ đến với quan họ tại TP HCM.
Nhận món hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", bà xúc động chia sẻ: "Năm ngoái, "Mai Vàng nhân ái" đã đến thăm nghệ nhân Trung Kiên cũng thuộc CLB của chúng tôi. Lúc ấy thật sự chúng tôi rất xúc động, vì nghệ nhân Trung Kiên sống rất khó khăn, ở nhà thuê, chỉ sống bằng nghề hát quan họ và đi dạy, đụng phải mùa dịch nên còn khổ sở hơn. Số tiền của chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã giúp anh ấy vượt qua một chặng đường khó nhọc.
Còn tôi thì bị tai nạn xe gãy tay phải, phẫu thuật cách đây 4 tháng, điều trị dưỡng thương tại nhà 4 tháng, vừa mới khỏe lại chưa có nhiều show diễn. Tôi vẫn tiếp tục tập vật lý trị liệu để khắc phục sau tai nạn, bởi cánh tay phải hiện nay vẫn chưa kéo thẳng ra được. Hôm nay, nhận sự tiếp ứng kịp thời của "Mai Vàng nhân ái", tôi cảm kích vô cùng".
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" trao tiền hỗ trợ cho nghệ nhân Thanh Mai
Nghệ nhân Thanh Mai học khóa đào tạo diễn viên và kịch hát dân tộc, quan họ tại Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Bắc. Bà tốt nghiệp năm 1985, sau đó công tác tại Đài Tiếng nói nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Khi theo chồng vào miền Nam sinh sống, bà đã gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng với vai trò giảng viên dạy và dàn dựng dân ca quan họ.
Bà đã từng tham gia ban chủ nhiệm các CLB gồm: "Duyên quan họ" (quận Tân Phú, TP HCM), CLB thơ và hát quan họ Kinh Bắc (TTVH quận 1, TP HCM) và hiện nay là chủ nhiệm CLB quan họ thuộc Hội di sản TP HCM.
"Chúng tôi đang tập dợt chương trình chào mừng kỷ niệm Ngày hội di sản Việt Nam" diễn ra vào ngày 23-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. CLB quan họ là 1 trong 5 CLB mạnh chuyên về biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc như: đờn ca tài tử Nam Bộ, Chèo, Hoa Ban (hát múa Tây Bắc), ví dặm và quan họ" - nghệ nhân Thanh Mai chia sẻ.
Nghệ nhân Thanh Mai (đứng đầu, mặc áo đài tứ thân) trong chương trình "Đưa quan họ vào học đường" biểu diễn tại Trường PTTH Phạm Phú Thứ, quận 6, TP HCM
Từ khi gắn bó với CLB quan họ Hội Di sản TP HCM, bà đã tổ chức giảng dạy, biểu diễn giao lưu, đưa quan họ vào học đường.
"Tôi vô cùng hạnh phúc khi mình được sống với cái nghề mà mình yêu thích, quảng bá, truyền đạt kinh nghiệm để các bạn trẻ yêu dân ca có thể gắn kết, hình thành phong trào. Trước tình cảm của thầy và trò yêu quý các bộ môn nghệ thuật dân tộc qua nhiều trường học tôi đã đi qua, tôi rất vui khi thấy tại TP HCM rất nhiều bạn trẻ yêu quan họ" – Nghệ nhân Thanh Mai nói.
Trong năm học 2022- 2023, nghệ nhân Thanh Mai sẽ khởi động chương trình đưa quan họ đến với học đường, kết hợp cùng với nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân tại TP HCM, cùng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bình luận (0)