Ông Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - đến thăm và trao quà hỗ trợ NSND Hoàng Phi Long ở tỉnh Bình Phước.
Bình Phước là tỉnh có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống nên vùng đất này rất phong phú về ngôn ngữ, lịch sử và đậm nét văn hóa vùng miền. Mỗi nghệ sĩ của các lĩnh vực đều tạo sức hút mạnh mẽ thông qua tác phẩm của mình. Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đến với tỉnh Bình Phước với mong muốn khơi nguồn cảm hứng, tạo sức bật mạnh mẽ để các nghệ sĩ tiếp tục sáng tác và gắn bó với nghề tại một tỉnh còn nhiều khó khăn.
NSND Hoàng Phi Long: Hạnh phúc là được cống hiến
Sinh ra và lớn lên trên đất Pháp, được đào tạo tại trường múa balê nổi tiếng, NSND Hoàng Phi Long lại quyết định trở về nước tham gia bộ đội năm 22 tuổi. Đó là một quyết định mà theo ông là sáng suốt để được dấn thân và cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Lúc đó, không ít người cho rằng một cậu ấm con nhà giàu có đã sai lầm khi từ bỏ nước Pháp để về Việt Nam sống trong gian khổ.
NSND Hoàng Phi Long (ảnh Thanh Hiệp)
NSND Hoàng Phi Long bồi hồi kể cuộc đời ông đã rẽ sang trang mới khi dòng máu Lạc Hồng được khơi dậy bởi lời kêu gọi thanh niên, trí thức nước ngoài về nước tham gia cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Ngã rẽ cuộc đời tôi bắt đầu từ đó, tôi chính thức bước cùng trang sử hào hùng và oanh liệt của dân tộc từ năm 1956. Hồi đó, khi còn là sinh viên ở Pháp, ngoài giờ học, tôi thường đi xem biểu diễn nghệ thuật của các đoàn ngoại giao đến Paris biểu diễn. Một lần được xem đoàn nghệ thuật Việt Nam, tôi thật sự ấn tượng. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, tôi trở về tham gia xây dựng đất nước" – NSND Hoàng Phi Long nhớ lại.
Sau thời gian tham gia trường múa Việt Nam, ông về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Trung ương. Đó là giai đoạn mà theo ông, mặt trận tuyên truyền dù nghệ thuật để đấu tranh chống địch cũng vất vả và nguy hiểm không kém sự khốc liệt trên chiến trường. Cũng nhờ đó mà nhiều lần ông được gặp Bác Hồ.
"Tôi đã tham gia diễn trong các dịp Bác đón khách ngoại giao. Có lần, đoàn đang ở Bắc Kinh - Trung Quốc, gần đến giờ biểu diễn, Bác gọi điện chúc mừng và dặn dò: "Các cháu hãy biểu diễn thật tốt để chúc mừng chiến thắng. Quân đội của ta đã vào được TP Huế". Chúng tôi vỡ òa niềm hạnh phúc. Bác là người rất am hiểu nghệ thuật, chăm chút đường lối phát triển văn học nghệ thuật của nước nhà. Tôi may mắn nhiều lần được gặp Bác khi Bác cùng đoàn cán bộ của Chính phủ xuống thăm trường nghệ thuật, nơi học tập, sinh hoạt của học sinh... Chính sự quan tâm chu đáo của Bác đã giúp tôi trưởng thành hơn, lớn lên và vững vàng trong chiến đấu, học tập, theo nghề" – NSND Hoàng Phi Long kể.
Ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, thăm hỏi sức khỏe NSND Hoàng Phi Long
NSND Hoàng Phi Long còn nhớ lần biểu diễn tại Phủ Chủ tịch chào đón Tổng thống Indonesia Sukarno sang thăm. Trong lúc múa, ông bị ngã và kịp đứng dậy hoàn thành bài múa. Sau khi đoàn khách về, Bác Hồ thăm hỏi: "Cháu nào lúc nãy bị ngã? Cháu ngã có đau không? Cháu ngã xong đứng dậy, múa vẫn rất tốt". Đó là lần ấn tượng nhất trong cuộc đời ông vì được Bác Hồ bắt tay và động viên trực tiếp.
NSND Hoàng Phi Long cho rằng việc từ bỏ vỏ bọc của một cậu ấm để về Việt Nam làm anh bộ đội hoạt động trên mặt trận nghệ thuật, được đón nhận danh hiệu NSND, tổng biên đạo nổi tiếng về nghệ thuật múa và là vị giám đốc đầu tiên của Nhà hát Bông Sen (TP HCM), hết sức y nghĩa trong đời ông.
Nhận món quà hỗ trợ của Chương trình "Mai Vàng nhân ái", NSND Hoàng Phi Long tâm sự còn sức khỏe ông còn lao động nghệ thuật và cống hiến. "Tôi cảm ơn sự quan tâm của Báo Người Lao Động dành cho văn nghệ sĩ ở tỉnh Bình Phước. Việc này là sự động viên để tôi tiếp tục truyền đạt tất cả kinh nghiệm, kiến thức tích lũy được trong quá trình hoạt động nghệ thuật để "ươm mầm" cho thế hệ trẻ Bình Phước và xây dựng Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp tỉnh trở thành đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp" - NSND Hoàng Phi Long bày tỏ.
Nghệ sĩ tuồng cổ Bửu Khánh: Sẽ cống hiến đến hơi thở cuối cùng
Đoàn công tác cũng đã đến thăm gia đình nghệ sĩ tuồng cổ Bửu Khánh. Năm nay ông đã 76 tuổi, có hơn 45 năm tuổi nghề.
Nghệ sĩ Bửu Khánh sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tuồng cổ, anh trai của ông là cố NSƯT Bữu Truyện (chồng nữ nghệ sĩ Thanh Thế), các em là Mỹ Phụng, Bữu Ấn - tất cả đều theo nghề diễn viên. Cha của ông là nhạc sĩ đàn tranh Tám Chi, mẹ là nữ nghệ sĩ hát bội Tám Út.
Năm lên 8 tuổi, ông được cha mẹ cho theo học thầy Minh Tơ trong đoàn Đồng Ấu Minh Tơ. Năm 15 tuổi, ông được theo anh trai diễn các vai kép nhì trên sân khấu đoàn Nam Thanh - Thu Ba, Mười Vàng. Sau này, ông về đoàn Hoa Xuân và gắn bó với đoàn Thanh Bình - Kim Mai cho đến khi về công tác tại Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long sau ngày đất nước thống nhất.
Ông Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - đến thăm và trao quà hỗ trợ nghệ sĩ Bửu Khánh
Nghệ sĩ Bửu Khánh được rèn luyện qua nhiều phong cách diễn xuất của nghệ thuật tuồng cổ. Ông đúc kết kinh nghiệm trong ca diễn kết hợp giữa vũ đạo và nội tâm, để các vai diễn luôn sinh động, có chiều sâu.
Ông được nhận xét là diễn các vai tướng rất oai hùng, bộ múa rất chuẩn và đẹp, nhất là khi vuốt cặp lông trĩ gắn trên mão để thể hiện khí thế của những vai tướng.
Nghệ sĩ Bửu Khánh và diễn viên Ái Vy (học trò do ông truyền nghề)
Người con trai của nghệ sĩ Bửu Khánh cũng theo nghề nhưng hiện phải chuyển đổi sang nghề khác để mưu sinh ở Đà Nẵng. Ông và vợ sống tạm ở một ngôi nhà thuê tại Bình Dương.
"Hiện nay, tôi đang điều trị bệnh đau thần kinh tọa, huyết áp, mỗi tháng đến TP HCM châm cứu. Hôm nay nhận món quà của Chương trình "Mai Vàng nhân ái" thật ấm lòng, số tiền này giúp tôi trang trải cho cuộc sống, điều trị bệnh chờ khi sàn diễn được phép sáng đèn, tiếp tục tham gia biểu diễn phục vụ công chúng. Tôi nguyện cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho sân khấu cải lương tuồng cổ" – nghệ sĩ Bửu Khánh xúc động.
Nghệ sĩ Bửu Khánh xúc động đón nhận quà hỗ trợ của Chương trình "Mai Vàng nhân ái"
Bình luận (0)